Người trong cuộc nói về "sang Thái Lan việc nhẹ lương cao": Toàn là thủ đoạn lừa bịp

Thứ tư, 24/04/2024 07:15
May mắn trở về sau những tháng ngày khổ cực nơi đất khách, quê người, một số hộ dân là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông đã kể lại hành trình cay đắng mà họ phải nếm trải...
Lực lượng Công an trao tặng các nhu yếu phẩm cần thiết cho gia đình ông Long.
Lực lượng Công an thường xuyên thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình ông.

Tham gia cùng đoàn công tác của Công an huyện Cư Jút đến thăm, động viên gia đình vợ chồng ông Vương Văn Long (1977), trú tại thôn 19, xã Đắk Drông, huyện Cư Jút, chúng tôi xót xa khi người mẹ già và con cháu đang sống trong căn nhà ọp ẹp của một người thân cho mượn tại thôn 20.

Gạt nước mắt, vợ chồng ông Long cho biết, khoảng tháng 6-2023, thông qua mạng xã hội Facebook, có một đối tượng người Việt Nam đang ở Bangkok, Thái Lan kết bạn làm quen. Qua các lần nói chuyện, người này cho biết ở Thái Lan có nhiều việc làm, lương cao và nếu ở lâu sẽ được xét định cư ở nước thứ ba. Tin lời, gia đình ông Long và người con trai đầu đã bán hết nhà cửa tài sản, ruộng, vườn được gần 1,2 tỷ đồng và đến tháng 11-2023 đại gia đình gồm 11 người cả già lẫn trẻ em thuê xe ra tỉnh Hà Tĩnh rồi làm các thủ tục xuất cảnh sang Thái Lan.

"Gia đình chúng tôi phải ở suốt trong phòng thuê trọ như bị giam lỏng, không dám ra ngoài. Cứ 3 ngày mới được đi chợ 1 lần, sợ Cảnh sát Thái Lan bắt bỏ tù. Lúc nào cũng sợ hãi, lại không có công ăn việc làm, không có tiền...", ông Long nhớ lại.

"Không chịu được cảnh khổ cực, đầu năm 2024 gia đình chúng tôi đã quyết định quay về Việt Nam. Chúng tôi căm giận các đối tượng lắm, mong mọi người đừng bao giờ bị mắc lừa như chúng tôi", Vương Văn Phình, con trai ông Long chia sẻ.

Theo Phình, sở dĩ anh nhắn nhủ như thế vì khi còn ở Thái Lan, các đối tượng tuyên truyền, hù dọa những người DTTS không được hồi hương vì sẽ bị chính quyền bắt bớ, bỏ tù. Luận điệu này cũng khiến nhiều người tin, ngậm đắng nuốt cay chật vật sinh tồn nơi đất lạ quê người. Thế nhưng Phình cùng gia đình đã quyết tâm tìm mọi cách trở về quê hương vì tin rằng mọi thứ không như kẻ xấu xuyên tạc và không đâu hạnh phúc bằng chính quê hương mình.

Theo bà Hoàng Thị Tăng, vợ ông Long, chỉ có 7 người được về Việt Nam, còn 5 người trong gia đình của người con trai đầu vẫn đang mắc kẹt tại Thái Lan vì người con dâu mang bầu và sinh con tại Thái Lan nên không được làm các thủ tục giấy tờ tùy thân. Nguyện vọng của gia đình là mong muốn các cấp chính quyền và lực lượng Công an tạo điều kiện hỗ trợ để các con các cháu về quê hương đoàn tụ với gia đình. "Trở về quê hương với 2 bàn tay trắng, cơm không có ăn, nhà không có ở nhưng gia đình chúng tôi nhận được sự quan tâm, động viên, hỗ trợ kịp thời của các cấp chính quyền, nhất là lực lượng Công an và người thân, nên từng bước ổn định cuộc sống. Gia đình tôi vô cùng biết ơn lực lượng Công an, chính quyền địa phương và làng xóm đã cưu mang, giúp đỡ", bà Tăng tâm sự.

Lực lượng Công an trao tặng các nhu yếu phẩm cần thiết cho gia đình ông Long.

Theo ông Trương Văn Thượng- Trưởng thôn 20, xã Đắk Drông, những năm qua, với sự quan tâm Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nói chung, Cư Jút, Đắk Drông nói riêng đã có nhiều khởi sắc. Các trường hợp bị kẻ xấu lừa phỉnh trước khi đi Thái Lan đều có nhà cửa ruộng vườn và có cuộc sống ổn định. Nhưng khi qua Thái Lan trở về thì chỉ còn 2 bàn tay trắng. Vì vậy, hệ thống chính trị thôn và lực lượng Công an luôn quan tâm, động viên và tạo mọi điều kiện để họ sớm có công ăn việc làm ổn định cuộc sống.

Trung tá Nguyễn Trung Hữu- Trưởng Công an huyện Cư Jút cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện Cư Jút có một số hộ dân là đồng bào DTTS nhẹ dạ, cả tin, nhận thức thấp, sính ngoại bị kẻ xấu xúi giục, lừa phỉnh bán hết đất đai, nhà cửa, ruộng vườn đi theo ảo vọng về một cuộc sống sung sướng, việc nhẹ lương cao ở nơi đất khách quê người. Trong số này, đã có 7 trường hợp tự nguyện hồi hương. Công an huyện đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh và cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền, phát động quần chúng bằng nhiều hình thức và để những người bị lừa phỉnh trực tiếp nói về những gì họ đã trải qua và thực tế cuộc sống ở nước ngoài để người dân ở các thôn, bon biết, phòng, tránh và lên án việc làm sai trái của kẻ xấu. Vẫn còn nhiều người không may mắn được trở về quê hương như những trường hợp trên, ở đất khách quê người họ vẫn ngày đêm trông ngóng, chờ ngày đoàn tụ với gia đình, bon làng. Do vậy, người dân cảnh giác trước những lời dụ dỗ, lừa phỉnh của các đối tượng xấu để tránh rơi vào "bẫy lừa", tiền mất, tật mang.

"Chúng tôi thường xuyên đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ họ bằng cả vật chất và tinh thần để họ yên tâm làm ăn ổn định cuộc sống. Trước mắt chúng tôi đã và đang tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, nhất là các hộ đồng bào DTTS có công ăn việc làm phát triển kinh tế thông qua mô hình dân vận khéo "Giới thiệu việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số" của Công an huyện Cư Jút. Trong đó chúng tôi sẽ liên hệ các đơn vị, doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho những hộ gia đình này để giúp hộ có công ăn việc làm, ổn định cuộc sống...", Trung tá Nguyễn Trung Hữu chia sẻ.

Hồng Long- Ngọc Thạch