Người trồng lúa lo không có lũ
Nông dân H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) đang chuẩn bị xuống giống vụ đông - xuân (2019-2020) với tổng diện tích hơn 2.200ha. Trước tình hình không có lũ, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân không nên nôn nóng mà phải tuân thủ theo đúng lịch thời vụ. Nhằm hạn chế tối đa về sâu bệnh, người dân cần vệ sinh đồng ruộng, tăng cường diệt chuột, sử dụng giống lúa phù hợp...
Nông dân xã Hòa Phong (H. Hòa Vang) làm đất vụ đông - xuân trong tâm trạng lo âu vì không có lũ. |
Sáng 19-11, nheo mắt nhìn trời nắng chói chang, ông Trần Siêng (thôn Cẩm Toại Tây, xã Hòa Phong) buột miệng: "Kỳ lạ quá! đến thời điểm này mà chẳng có dấu hiệu của cơn lũ nào, kể cả cái "lụt hai ba tháng mười" mà ông cha thường cảnh báo. Mọi năm, nhiều thì 2 - 3 đợt lũ lớn nhỏ về rửa sạch ruộng đồng, ít thì cũng được 1 đợt. Chuẩn bị gieo sạ lúa trà 1 rồi". Quệt những giọt mồ hôi trên trán, ông Sáu Hơn miệt mài đào đào, đắp đắp. Ông làm một mình bởi con cháu trong nhà đều xin đi làm công nhân, không còn mặn mà với ruộng đồng nữa. Công việc của ông là be lại mấy cái bờ mống bao quanh thửa ruộng. "Vụ lúa đông - xuân này xem chừng khó khăn lắm đây!", ông Siêng vừa giơ cao cán cuốc, vừa lẩm bẩm trong miệng.
Được biết, người dân nông thôn bao đời nay đã quen cảnh sống chung với lũ, nên lúc không có lũ thì cuộc sống cũng ít nhiều bị xáo trộn. Cái tâm lý có lũ cũng vất vả, nhưng không có lũ lại càng vất vả hơn. Theo ông Phùng Hữu Xuân (thôn La Châu, xã Hòa Khương), toàn thôn có gần 60ha đất lúa, hoa màu nằm ven sông Yên. Hằng năm, nước lũ từ thượng nguồn sông Vu Gia tràn về, tuy không lớn nhưng cũng phải ngập bờ từ 30 - 40cm, còn dưới chân ruộng phải ngập sâu gần 1m. Thông thường, thu hoạch xong vụ lúa hè - thu là bà con trong thôn chuẩn bị thuyền bè, lưới đăng chờ lũ để "săn" cá. Bây giờ, gần cuối tháng 10 âm lịch rồi mà nước sông Yên vẫn thấp, thượng nguồn cũng không xả lũ, nên bà con nông dân ngồi trông đồng buồn hiu vì mất mùa mưu sinh và lo sốt vó cho vụ mùa tới. Người nông dân chắc chắn phải đương đầu với nhiều khó khăn. Thứ nhất mất đi lượng phù sa, đồng đất không được thau chua xổ phèn, có nghĩa là để ngăn dịch bệnh trên cây lúa, người nông dân phải sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu nhiều. Thứ hai, hang ổ chuột không bị ngập lụt cuốn trôi sẽ tiếp tục phát triển, hoành hành nên nguy cơ mùa màng bị phá hại là rất lớn... "Điều đó đồng nghĩa với chi phí sản xuất sẽ tăng lên. Nếu mỗi công phải tăng thêm tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thì hơn 4 sào ruộng của tôi năm nay phải mất thêm gần 1 triệu đồng đầu tư và không biết cuối vụ có bị hạn mặn gì nữa không?", ông Xuân tính toán.
Còn ở xã Hòa Tiến, mấy đêm nay, tranh thủ nước mưa còn mấp mé chân ruộng, nhiều người dân thôn La Bông, Bắc An rủ nhau ra đồng đặt bẫy kẹp, nhữ thuốc ở các hang ổ trong bụi cây, ven bờ để diệt chuột. Thấy chúng tôi, bà Nguyễn Thị Huề trải lòng, giá như trời mưa thêm vài ngày nữa, nước ngập thêm 0,5m nữa thì mới hy vọng chuột bỏ đi. 1 sào lúa những năm trước có khi thu về gần 3 tạ thóc, nhưng năm rồi chỉ được hơn 1 tạ vì bị chuột tàn phá. Đối với người nông dân, lũ lụt đã trở nên quá quen thuộc. Khi thiếu lũ nhiều mùa, không những tâm thức người nông dân trông lũ mà mùa màng cũng khắc khoải mong lụt. Thế mà, nơi thì khốn đốn vì mưa bão, nơi lại ngồi ngóng nước, chờ mưa... "Nhờ lụt mà đất có phù sa, chuột chết bớt. Dân làm ruộng như chúng tôi đỡ khốn khó. Chứ không lụt thì chuột không chết, cắn phá ghê lắm, người trồng lúa dễ mất mùa như chơi", bà Huề trăn trở.
VY HẬU