Người trồng rừng xót xa nhìn keo "chết đứng", cao su căng mủ không được khai thác
15 năm nhận ủy quyền canh tác 2 hợp đồng giao khoán đất lâm nghiệp, đổ công sức vào cây keo, cây cao su, đùng một cái, người dân tá hỏa khi biết tin cơ quan chức năng đã thanh lý hợp đồng thuê khoán, đốn hạ cây trồng để bàn giao đất rừng chồng lấn mà không hề thông báo cho mình...
Nhận ủy quyền giao khoán thì được xác nhận, khi thanh lý lại không biết
Bà Đặng Thị Lợi (1963, trú thôn Túy Loan Đông 2, xã Hòa Phong, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cho biết, gần 20 năm trước, ông Nguyễn Minh Thêm (trú P. Hòa Khánh Bắc, Q. Liên Chiểu) được Lâm trường Sông Nam (nay là BQL rừng đặc dụng Bà Nà- Núi Chúa) giao khoán 9,2ha đất lâm nghiệp tại Tiểu khu 37, xã Hòa Bắc, H. Hòa Vang. Ông Nguyễn Công Dậy (trú xã Hòa Khương, H. Hoà Vang, TP Đà Nẵng) cũng được giao khoán 4ha đất lâm nghiệp tại khu vực nói trên. Vào năm 2009, ông Thêm và ông Dậy ủy quyền toàn bộ diện tích đất giao khoán này cho bà Lợi chăm sóc, bảo vệ, khai thác, tái tạo lại rừng và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quy định. Các ủy quyền này đều được Giám đốc Lâm trường Sông Nam thời điểm đó ký xác nhận (trong đó có phần đất khai thác thêm) với tổng diện tích là 21ha.
Kể từ khi nhận ủy quyền, bà Lợi thực hiện đúng các quy định của pháp luật cũng như các yêu cầu của BQL rừng phòng hộ. Sau đó, nhận thấy việc trồng keo không đảm bảo được chi phí đầu tư nên đã có văn bản đề nghị được chuyển đổi cây trồng từ keo sang cao su và được sự đồng ý của BQL rừng phòng hộ Đà Nẵng.
Tuy nhiên, mới đây BQL rừng phòng hộ Bà Nà - Núi Chúa đã ký thanh lý hợp đồng một phần diện tích giao khoán nói trên với ông Dậy và ông Thêm mà không hề thông báo cho bà Lợi biết hay chứng kiến. Sau đó BQL rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa làm thủ tục bàn giao một phần đất giao khoán được xác định chồng lấn giữa Đà Nẵng và Quảng Nam cho UBND H. Đông Giang mà không có ý kiến cũng như xác nhận của bà. Cũng không hiểu vì lý do gì, số cây trồng mà gia đình bà dày công chăm sóc trên diện tích đất này được cho là không xác định người sở hữu…
"Tôi là người thực tế nhận chuyển nhượng việc giao khoán, đã được ủy quyền toàn bộ để thực hiện việc sản xuất khai thác, được tự quyết định đối với phần đất đã nhận giao khoán. Việc chuyển nhượng, ủy quyền có sự xác nhận của Ban quản lý và có giá trị pháp luật nhưng không hiểu vì lý do gì khi cơ quan chức năng ký thanh lý hợp đồng thì không được thông báo", bà Lợi bức xúc.
"Năm ngoái họ đưa người vào chặt hết cây keo đang độ tuổi trưởng thành. Bây giờ thì nhiều vạt keo khác đến kỳ khai thác nhưng họ không cho nên chúng tôi bất lực nhìn cả rừng keo chết khô. Không những thế, diện tích lớn cao su đến vụ thu hoạch mủ nhưng Trạm quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông cũng cấm cản", bà Lợi cay đắng.
Cho rằng cơ quan chức năng xử lý ảnh hưởng đến quyền lợi của mình, bà Lợi đã liên tục gửi đơn khiếu nại BQL rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa nhưng đến nay chưa được giải quyết ổn thỏa.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo kiểm tra, xử lý
Trao đổi với phóng viên Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng, ông Phan Thế Dũng- Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng cho biết, vụ việc đã kéo dài mấy năm qua nhưng đến nay vẫn chưa có phương án xử lý thỏa đáng nên công dân liên tục có đơn khiếu nại. Mới đây bà Lợi có đơn gửi UBND TP và hiện Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo Chi cục kiểm tra, xử lý theo quy trình.
Theo ông Dũng, đây là hợp đồng ủy quyền, người dân lại trồng rừng sản xuất, không sai cho nên có quyền định đoạt tài sản trên đất. Nếu xử lý không đúng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi, vì đây là công sức của họ trong suốt thời gian dài. Đến thời điểm hiện tại, theo Luật Lâm nghiệp thì phải thanh lý hợp đồng, nhưng trước khi thực hiện phải giải quyết dứt điểm quyền lợi của người dân, phải có phương án đền bù, hỗ trợ. "Khi không thể giải quyết hài hòa thì sẽ đưa vụ việc ra tòa thôi. Chúng tôi chịu trách nhiệm, vì theo luật cho phép họ làm. Vụ việc này cũng đã kiểm điểm rất nhiều người rồi. Hồi xưa làm vận dụng không kỹ. Đến bây giờ thì người dân bỏ ra rất nhiều công sức, kinh phí. Theo luật dân sự, họ có quyền định đoạt tài sản của mình, khi thanh lý hợp đồng rõ ràng phải giải quyết quyền lợi. Sau này khi hỗ trợ sẽ có sự thỏa thuận với dân", ông Dũng cho hay.
Liên quan đến việc đốn hạ hàng loạt cây keo đang đến tuổi trưởng thành, ông Dũng cho hay, sau khi phân định ranh giới thì một phần diện tích bà Lợi nhận uỷ quyền giao khoán nằm trên địa phận Quảng Nam. Quá trình rà soát, cơ quan chức năng Quảng Nam yêu cầu thanh lý hợp đồng và bàn giao cho UBND H. Đông Giang quản lý. Việc thanh lý chỉ thực hiện với người ký hợp đồng chứ không thể ký với người ủy quyền vì họ không có tư cách pháp nhân. Trước đây, cơ quan chức năng Đà Nẵng có ý định thực hiện việc bồi thường nhưng sau đó thống nhất để phía Quảng Nam. Họ làm động tác kiểm đếm, đền bù cho tài sản trên đất nhưng sau đó có thông báo là không xác định chủ sở hữu.
Luật sư Trần Văn Đức (Đoàn Luật sư Đà Nẵng) cho rằng, hợp đồng ủy quyền canh tác giữa bà Lợi và các cá nhân được giao khoán ban đầu là đúng quy định của pháp luật. Do đó, khi thanh lý hợp đồng để bàn giao diện tích đất này cho phía Quảng Nam, thì bà Lợi có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan. Diện tích đất canh tác đang trong thời hạn giao khoán, trên đất có tài sản. BQL rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa tiến hành thanh lý hợp đồng với ông Thêm, ông Dậy mà không thông báo, không thực hiện đền bù, hỗ trợ cho bà Lợi là không đúng, xâm phạm đến quyền lợi của công dân. Bà Lợi có quyền khiếu nại, yêu cầu cơ quan chức năng hủy bỏ các Thanh lý hợp đồng nói trên đồng thời yêu cầu xem xét bồi thường toàn bộ tài sản mà bà đã canh tác sản xuất", luật sư Đức nêu quan điểm.
Được biết, TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam thống nhất bàn giao một số diện tích đất lâm nghiệp được xác định là chồng lấn giữa xã Tư, H. Đông Giang với xã Hòa Bắc, H. Hòa Vang để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng. Thiết nghĩ cơ quan chức năng của 2 địa phương cần có phương án giải quyết hài hòa, hợp tình, hợp lý để đảm bảo quyền lợi của người dân đã nhận uỷ quyền trồng cây, khai thác, bảo vệ và phát triển kinh tế rừng.
Công Khanh