Người Việt chưa mặn mà thuốc Việt
(Cadn.com.vn) - Tại Lễ ra mắt Chương trình "Con đường thuốc Việt" do Bộ Y tế tổ chức cuối năm 2013, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định:"Yêu nước thì người Việt phải dùng thuốc Việt".
Rào cản tâm lý "sính ngoại"
Tâm lý sính ngoại, trong đó thuốc ngoại là mặt hàng đặc biệt liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người trong một bộ phận không nhỏ người dân là thách thức lớn cho mục tiêu cuộc vận động. Thuốc ngoại dù đắt đỏ, giá cao hơn nhiều lần thuốc nội nhưng người tiêu dùng vẫn chấp nhận mua để chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe.
Tâm lý ấy bắt nguồn từ thời đất nước khó khăn, hàng nội cũng như thuốc nội được sản xuất ở dạng thủ công, manh mún, nhỏ lẻ, chưa có sự đầu tư nghiên cứu chuyên sâu nên việc đáp ứng về chất lượng cũng như mẫu mã, kiểu dáng và tính thẩm mỹ thấp. Hàng ngoại hay thuốc ngoại bao giờ cũng đẹp hơn, chất lượng tốt bởi sản xuất bằng công nghệ tiên tiến với những tiêu chuẩn khắt khe.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, ngành Dược Việt Nam đã sản xuất đáp ứng gần 50% nhu cầu thuốc phòng, chữa bệnh cho nhân dân. Tuy nhiên tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại các BV tuyến T.Ư chỉ chiếm khoảng 12% giá trị tiền sử dụng thuốc cho dù thuốc nội hiện đã không còn thua kém thuốc ngoại về mẫu mã, kiểu dáng và cả chất lượng.
Tâm lý "Sính ngoại" đang là một rào cản không nhỏ cho việc người tiêu dùng hoàn toàn sử dụng thuốc do người Việt làm ra. Rào cản này không chỉ tồn tại trong tâm lý người bệnh mà còn len lỏi cả ở trong nhóm những người làm công tác khám chữa bệnh. Theo TS Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược Công nghiệp, theo tính toán, bình quân mỗi năm một người Việt Nam chi cho việc mua thuốc là 600 nghìn đồng, nhưng hơn một nửa trong số đó chi cho thuốc ngoại.
Sản xuất thuốc chữa bệnh trong nước mới đáp ứng 50% nhu cầu |
Doanh nghiệp phải nỗ lực
Hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Bộ Y tế đã xây dựng và triển khai đề án "Người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt Nam". Đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm hỗ trợ ngành Dược Việt Nam phát triển một cách bền vững, đảm bảo nguồn cung ứng thuốc phòng và chữa bệnh cho nhân dân một cách ổn định.
Bộ trưởng khẳng định rằng: "Yêu nước thì người Việt phải dùng thuốc Việt". Việc ra mắt chương trình truyền thông "Con đường thuốc Việt" nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ thầy thuốc trong việc chỉ định sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm chi phí trong điều trị; thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước nâng cao chất lượng, giảm giá thành, nâng cao vị thế ngành công nghiệp dược Việt Nam, góp phần tăng trưởng kinh tế phát triển đất nước.
Bộ trưởng tin rằng chương trình "Con đường thuốc Việt" sẽ thành công, người dân sẽ được cung cấp đầy đủ thông tin về chất lượng, hiệu quả của các thuốc sản xuất tại Việt Nam và sử dụng các loại thuốc này trong chữa bệnh, góp phần giảm chi phí, nhất là đối tượng người nghèo và người chưa có bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng lưu ý Cục Quản lý Dược và doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước bên cạnh các giải pháp về cơ chế chính sách, giải pháp về thương mại, cần có giải pháp về kỹ thuật; các nhà sản xuất dược trong nước cần nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường nghiên cứu khoa học, đánh giá sinh khả dụng và tương đương sinh học của thuốc nhằm chứng minh hiệu quả điều trị của sản phẩm tương đương với thuốc biệt dược gốc...
Chương trình "Con đường thuốc Việt" với mong muốn mỗi năm bình chọn và tôn vinh 100 sản phẩm thuốc Việt Nam tốt về chất lượng, bảo đảm hiệu quả điều trị, an toàn trong sử dụng và được Hội đồng chuyên môn đánh giá cao, được nhân dân tin cậy sử dụng. Việc phát động cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam" là một cơ hội vàng chia đều cho các doanh nghiệp Dược để chứng minh với người tiêu dùng về chất lượng và hiệu quả của thuốc nội- nhất là trong thời điểm nhạy cảm: kinh tế suy thoái, sức tiêu dùng tuột dốc, các doanh nghiệp Dược ít nhiều lâm vào khó khăn.
Doanh nghiệp Dược phải tranh thủ tận dụng cơ hội vàng này khẳng định chất lượng, thương hiệu để có được vị trí vững chãi trong lòng người tiêu dùng thì việc cần làm là nâng cao chất lượng, cạnh tranh về giá và cải tiến mẫu mã để người Việt tin dùng thuốc Việt.
B.T