Nguồn cảm hứng cho đào tạo trẻ

Thứ năm, 01/02/2018 09:28

Từ tấm vé dự VCK U20 World Cup 2017 đến ngôi vị Á quân VCK U23 Châu Á, bóng đá Việt Nam đang hái những quả ngọt đầu tiên sau một thời gian đầu tư mạnh mẽ cho công tác đào tạo trẻ. Thành công ban đầu này hy vọng sẽ khơi nguồn cảm hứng để bóng đá nước nhà có thêm nhiều "lò" đào tạo trẻ chất lượng như HAGL, Hà Nội, PVF, Viettel, SLNA...

Thành công của đội tuyển U23 tại VCK U23 Châu Á
mở ra tương lai tươi sáng cho bóng đá Việt Nam.
    Ảnh: AFC

Chiến công thầm lặng của các "ông bầu" 

Người hâm mộ cả nước vẫn đang sục sôi với câu chuyện U23 Việt Nam giành ngôi vị Á quân U23 Châu Á. Các cầu thủ xứng đáng được vinh danh như những người hùng của bóng đá Việt Nam. Và không ai có thể phủ nhận, "thế hệ vàng" U23 Việt Nam hôm nay là chiến công thầm lặng của các "ông bầu".

Người đầu tiên phải nhắc đến là ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch tập đoàn HAGL, người thường được gọi là "bầu Đức". Năm 2007, ông Đức trở nên nổi tiếng hơn khi cho ra đời học viện HAGL-Arsenal JMG, mở đầu cho "một kỷ nguyên" mới của bóng đá Việt Nam ở khâu đào tạo trẻ. HAGL-Arsenal JMG là học viên bóng đá đầu tiên ở nước ta theo mô hình chuyên nghiệp đẳng cấp thế giới. Bao nhiêu tâm huyết của bầu Đức là bấy nhiêu kỳ vọng của người hâm mộ vào những tài năng mà lò HAGL sẽ cho ra đời.

Năm 2013, HAGL-Arsenal JMG cho ra lò lứa cầu thủ đầu tiên với những cái tên như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Thanh, Đông Triều, Văn Sơn... Lứa cầu thủ này cùng với vài tài năng khác như Tuấn Tài (SLNA), Lâm Ti Phông (Khánh Hòa), Phan Văn Long (SHB Đà Nẵng)... đã tập hợp thành đội tuyển U19 Việt Nam tạo nên "cơn sốt" khi đó tại giải Đông Nam Á. Bằng lối đá "thêu hoa dệt gấm", U29 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Guillaume Graechen (Pháp) đã làm nức lòng người hâm mộ và trở thành niềm tin trong bối cảnh bóng đá nước nhà đầy rẫy tiêu cực.

Nhận được rất nhiều sự kỳ vọng nhưng lứa cầu thủ này vẫn chưa thể vượt giới hạn khi chỉ về nhì giải U19 Đông Nam Á và sau đó không thể hiện thực hóa giấc mơ World Cup cho bóng đá trẻ Việt Nam. Trải qua nhiều thăng trầm và đến hôm nay, bầu Đức có thể tự hào về những "đứa con đầu lòng" của mình. Trong chiến công lịch sử của U23 Việt Nam vừa qua, quân bầu Đức có đến 6 người là minh chứng.

Không "ồn ào" như bầu Đức, bầu Hiển (ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch tập đoàn T&T) cũng đã có những chiến lược mang tầm vĩ mô cho công cuộc đào tạo trẻ. Ông Hiển đã cho ra đời lứa cầu thủ tài năng không kém là Phạm Đức Huy, Đỗ Duy Mạnh, Nguyễn Quang Hải, Đoàn Văn Hậu... Trong thành phần U23 Việt Nam dự VCK U23 Châu Á vừa qua, quân bầu Hiển cũng có đến 6 người.

Bên cạnh đó, U23 Việt Nam còn có sự đóng góp to lớn của các lò SLNA, Viettel, PVF, FLC Thanh Hóa... "Thế hệ vàng" U23 Việt Nam hôm nay gồm hai lứa cầu thủ chất lượng: Lứa U19 Việt Nam với nòng cốt là cầu thủ của lò HAGL và lứa U20 từng tham dự World Cup với nhiều cầu thủ của lò Hà Nội và PVF.

Đằng sau chiến công của U23 Việt Nam hôm nay, nếu phải nói một lời cảm ơn sâu sắc nhất thì phải dành cho những ông bầu như bầu Đức, bầu Hiển và các lò đào tạo Viettel, PVF... Họ là những người đã giúp bóng đá Việt Nam dần tạo được nền tảng vững chắc từ đào tạo trẻ, để không còn phải "xây nhà từ nóc".

Niềm cảm hứng bóng đá trẻ

Như đã đề cập, lứa U19 Việt Nam ra đời vào năm 2013 đã mang đến niềm cảm hứng cho bóng đá trẻ nước nhà. Từ những thành công khi đó, người hâm mộ đã có được niềm tin vào tương lai bóng đá nước nhà sẽ khởi sắc. Đến năm 2016, một lứa U19 khác ra đời mà nòng cốt gồm nhiều cầu thủ của lò PVF. Lứa này dưới sự dẫn dắt của HLV Hoàng Anh Tuấn đã giành vé vào bán kết VCK U19 Châu Á, đồng thời lấy suất dự VCK U20 World Cup 2017. Lúc này, niềm cảm hứng từ bóng đá trẻ Việt Nam như được tiếp thêm "lửa".

Đỉnh điểm của cảm hứng bóng đá trẻ Việt Nam là chiến tích vang dội ở VCK U23 Châu Á vừa qua. Đây rõ ràng là quả ngọt sau nhiều nỗ lực đổ ra hàng triệu USD và quá nhiều tâm huyết của những ông bầu. Họ đã được xã hội ghi nhận công lao. Đó là động lực để những người như bầu Đức, bầu Hiển và nhiều doanh nghiệp, địa phương khác tiếp tục hay bắt đầu đầu tư cho đào tạo trẻ.

Mới đây nhất, Quỹ Đầu tư và Phát triển tài năng bóng đá Việt Nam (PVF) thuộc Tập đoàn Vingroup chính thức khánh thành Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ có quy mô hàng đầu Đông Nam Á tại Văn Giang, Hưng Yên. Trong tương lai gần, trung tâm này kỳ vọng sẽ cho ra lò những lứa cầu thủ tài năng để góp phần giúp bóng đá Việt Nam phát triển bền vững. Cùng với những "lò" lớn HAGL, PVF, Hà Nội, Viettel, SLNA..., nhiều địa phương khác cũng đang có động thái tích cực cho công cuộc đào tạo trẻ như FLC Thanh Hóa, SHB Đà Nẵng, Quảng Nam, S.Khánh Hòa BVN...

Khẳng định lại, trong vòng 5 năm trở lại đây, bóng đá Việt Nam đã gặt hái những thành công lớn với các đội tuyển trẻ. Điều đó đang khơi nguồn cảm hứng cho một công cuộc đào tạo trẻ nghiêm túc.

QUANG HẢI