Nguồn hàng dự trữ đảm bảo đủ cho người dân
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hà Bắc, Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng vào cuối ngày 7-3 trước tình hình một bộ phận người dân Đà Nẵng lo lắng về dịch bệnh Covid-19, đã ào ạt đến các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng, v.v… trên địa bàn TP để mua sắm tích trữ hàng hóa, tập trung vào các nhóm hàng thực phẩm tiêu dùng thiết yếu hàng ngày.
Người dân đến Siêu thị Coopmart Đà Nẵng mua sắm vào ngày 7-3. |
Ghi nhận của chúng tôi từ 8 giờ ngày 7-3, tức 10 giờ sau khi Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hà Nội công bố xác nhận thêm bệnh nhân thứ 17 dương tính với COVID-19 tại Việt Nam, tại Siêu thị Coopmart Đà Nẵng, có nhiều người dân đến mua sắm. Những hàng hóa người dân mua sắm chủ yếu là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hàng ngày như: gạo, mì ăn liền, đường, sữa, bột ngọt, các loại nước chấm, gia vị, rau củ quả, thực phẩm tươi sống, thực phẩm đóng hộp, bánh kẹo, giấy vệ sinh, hóa mỹ phẩm…
Ông Phan Thống, Giám đốc Siêu thị Coopmart Đà Nẵng, cho biết: “Lượng người dân đến Siêu thị Coopmart Đà Nẵng mua sắm trong ngày 7-3 đông hơn so với ngày thường. Từ đầu tháng 3-2020, Siêu thị Coopmart Đà Nẵng đã nhập xong một đợt hàng mới, nguồn hàng dồi dào nên dù nhu cầu mua sắm tại Siêu thị tăng đột biến trong ngày 7-3 nhưng Siêu thị Coopmart Đà Nẵng vẫn đảm bảo cung ứng bình thường cho người dân với giá bán không thay đổi so với ngày thường. Hiện chúng tôi tiếp tục đề nghị công ty mẹ là Saigon Coop và các nhà cung ứng tiếp tục cung cấp hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hàng ngày để dự trữ thêm nguồn hàng cung ứng ổn định cho người dân, góp phần bình ổn thị trường trên địa bàn TP”.
Người dân đến Siêu thị BigC Đà Nẵng mua sắm vào ngày 7-3. |
Tại các chợ lớn trên địa bàn TP, như: chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ đầu mối Hòa Cường, v.v…, theo ông Đàm Văn Tẩu, quyền Giám đốc Cty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng: Lượng hàng hóa trái cây, rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm nhập về những ngày qua tương đối nhiều, giá cả bình ổn… Đơn cử, đối với mặt hàng rau củ quả, bình quân 188 tấn/ngày, trái cây là 367 tấn/ngày. Nhìn chung, do lượng hàng hóa tại các chợ lớn trên địa bàn TP dồi dào, giá cả ổn định nên tình hình mua sắm tại các chợ trong những ngày qua vẫn bình thường.
“Cty Quản lý và Phát triển phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc niêm yết giá bán và bán theo giá niêm yết, chất lượng hàng hóa, VSATTP nhằm giúp cho người dân mua sắm hàng hóa không bị hớ về giá, không bị chặt chém, nhất là sử dụng các mặt hàng thực phẩm đảm bảo sức khỏe”, ông Đàm Văn Tẩu cho biết thêm.
Ông Nguyễn Hà Bắc, Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương tại Chỉ thị 04/CT-BCT ngày 31-1-2020 về tăng cường các giải pháp ứng phó tác động của dịch Covid-19, Sở Công Thương TP cùng với các nhà phân phối, các trung tâm thương mại, siêu thị, các chợ trên địa bàn TP đã chuẩn bị đầy đủ lực lượng hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách. Tuy nhiên, sau khi có công bố ca thứ 17 của Việt Nam nhiễm bệnh Covid-19, trên địa bàn TP đã xảy ra tình trạng một bộ phận người dân ào ạt đến các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ để mua sắm tích trữ hàng hóa... Trước tình hình trên, Sở Công Thương TP thông báo và đề nghị người dân bình tĩnh, không nên hoang mang. “Hiện nay, hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn TP, như: MM Mega Market, Coopmart, BigC, Lotte, v.v… và các chợ trên địa bàn TP luôn luôn có nguồn dự trữ hàng hóa và đảm bảo cung cấp đủ lượng hàng hóa tiêu dùng, lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân”, ông Nguyễn Hà Bắc thông tin thêm.
Lực lượng QLTT TP kiểm tra tại chợ Đống Đa (TP Đà Nẵng). |
Người đứng đầu ngành Công Thương TP Đà Nẵng cũng cho biết, lãnh đạo các siêu thị, trung tâm thương mại đã cam kết và sẵn sàng cung ứng tăng 20 - 40% các chủng loại thực phẩm từ hệ thống chuỗi siêu thị của mình và hệ thống các nhà cung cấp toàn quốc. Các siêu thị, chợ trên địa bàn TP cũng đã tư vấn người dân không nên tập trung mua quá nhiều vào một loại chủng loại hàng hóa, tạo nên sụt sụt giảm tức thời, ảnh hưởng tới tới người mua sắm bình thường khác. Vì vậy, Sở Công Thương TP khuyến cáo người dân không cần thiết mua tích trữ lương thực thực phẩm và các nhu yếu phẩm, chỉ nên mua với số lượng đủ dùng để đảm bảo sinh hoạt thiết yếu cho gia đình bình thường, nhằm tránh tạo ra sự đột biến trong mua sắm, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch của cả cộng đồng, không nên tạo tâm lý hoang mang không đáng có.
Nhằm góp phần bình ổn thị trường, ông Trần Phước Trí, quyền Cục trưởng Cục QLTT TP Đà Nẵng, cho biết: Lực lượng QLTT TP phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đấu tranh triệt phá và xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp lợi dụng dịch bệnh Covid-19 để phao tin đồn nhảm, găm hàng, đầu cơ tích trữ hàng hóa, tăng giá thu lợi bất chính cũng như các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo VSATTP...
PHÚ NAM