Nguồn lực giảm nghèo còn dàn trải

Thứ năm, 13/02/2014 23:44

(Cadn.com.vn) - Ngày 13-2, tại Hà Nội, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với Bộ KH&ĐT về chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012. Bộ đã báo cáo Đoàn giám sát về 4 nhóm vấn đề lớn: việc huy động và xây dựng, ban hành, kết quả thực hiện các tiêu chí phân bổ nguồn lực để giảm nghèo; đánh giá hiệu quả, những hạn chế, yếu kém trong quản lý, sử dụng nguồn lực đầu tư để giảm nghèo; việc xây dựng, ban hành và thực hiện cơ chế quản lý chương trình giảm nghèo, những hạn chế, vướng mắc và giải pháp; đề xuất, kiến nghị cụ thể của Bộ KH&ĐT.

Theo Bộ KH&ĐT, nguồn lực đầu tư để giảm nghèo thời gian qua đã phát huy hiệu quả tích cực thông qua việc đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội đã góp phần thay đổi diện mạo ở khu vực nông thôn, cải thiện và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Qua đó hạn chế sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các vùng, miền, hướng tới mục tiêu đảm bảo tính bình đẳng của người dân trong việc tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ công trong xã hội. Mục tiêu giảm nghèo luôn vượt kế hoạch đề ra, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam đối với Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc, hoàn thành trước mục tiêu giảm 50% hộ đói vào năm 2015.

Trao đổi về những hạn chế trong việc quản lý, sử dụng nguồn lực đầu tư, Bộ KH&ĐT cho rằng nhiệm vụ quản lý, sử dụng các nguồn lực của Nhà nước để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng KT-XH chưa có một văn bản pháp lý cao nhất để điều chỉnh. Hiện mới dừng lại ở mức các Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định của Chính phủ trong từng thời kỳ, mang tính ngắn hạn, giải quyết tình thế, chưa phải là những nội dung được xây dựng mang tính Luật hóa nhằm định hướng, chiến lược đầu tư công để làm cơ sở pháp lý và định hướng trong việc lập kế hoạch đầu tư công mang tính khả thi, hiệu quả cao. Một số ý kiến cũng đề xuất cần có cơ chế phản biện xã hội trong việc xây dựng các chính sách giảm nghèo.

Trên cơ sở tán thành với các nhóm vấn đề Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, Đoàn giám sát đề nghị Bộ cần đánh giá và đề xuất phương án xử lý đối với việc nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo còn hiện tượng dàn trải, trùng chéo, trùng lắp; quan tâm cân đối nguồn lực cho việc thực hiện các chính sách mới, các tiêu chí phân bổ vốn cho giảm nghèo...

Đánh giá số lượng chính sách ban hành trong lĩnh vực giảm nghèo quá nhiều (khoảng trên 70 văn bản chính sách), một số ý kiến đề nghị Bộ KH&ĐT cần chủ trì trong việc rà soát các chính sách về giảm nghèo để kiến nghị xây dựng chính sách mới cần ban hành; chính sách trùng chéo cần ghép lại hoặc bãi bỏ, giảm dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho không, tăng các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, đào tạo dạy nghề hướng nghiệp. Khi xây dựng chính sách cần đảm bảo tính khả thi, phù hợp với khả năng nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, đặc biệt là đối với những chính sách liên quan đến sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước, tránh tình trạng chính sách mới được ban hành nhưng không đủ nguồn lực để thực hiện.

Quỳnh Hoa