Nguy cơ châu Phi bị bỏ lại đằng sau do "bất bình đẳng vaccine"

Thứ ba, 07/12/2021 17:31

Giữa lúc biến chủng Omicron đang bùng lên ở Châu Phi, đã có những lo ngại cho lục địa đen này khi tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 ở đây thật sự quá chậm chạp và thấp kỷ lục.

Tiêm chủng ở châu Phi đang diễn ra rất chậm chạp. Ảnh: Reuters

Theo Hiệp hội Mo Ibrahim, Châu Phi có ít cơ hội vượt qua đại dịch COVID-19 trừ phi 70% dân số châu lục này được tiêm vaccine cho đến cuối năm 2022 và lục địa này có nguy cơ bị bỏ lại đằng sau do sự "phân biệt đối xử về vaccine ngừa COVID-19". Trong báo cáo về tình hình dịch COVID-19 ở châu Phi công bố ngày 6-12. Hiệp hội Mo Ibrahim cho rằng, phát hiện biến thể mới Omicron ở miền Nam châu Phi đã làm dấy lên lo ngại cho rằng tỷ lệ tiêm chủng thấp có thể thúc đẩy sự xuất hiện của các biến thể của virus SARS-CoV-2 và sau đó các biến thể có thể lây lan tới những nước khác trên thế giới, nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn. Báo cáo cho biết chỉ có 5 trong số 54 quốc gia ở châu Phi đang trong tiến trình đạt được mục tiêu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là tiêm chủng đầy đủ cho 40% dân số đến cuối năm 2021.

Dữ liệu từ Hiệp hội Mo Ibrahim cho thấy cứ 15 người châu Phi thì chỉ có 1 người đã hoàn thành tiêm chủng, trong khi gần 70% dân số các nước trong Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đã được tiêm chủng đầy đủ. Chủ tịch Hiệp hội, Tiến sỹ Mo Ibrahim nêu rõ: "Sự xuất hiện của biến thể Omicron là lời nhắc nhở chúng ta rằng dịch COVID-19 vẫn là mối đe dọa toàn cầu và việc tiêm phòng cho toàn thế giới là cách duy nhất vượt qua đại dịch này". Ông nhấn mạnh châu Phi đang bị bỏ lại đằng sau nếu tiếp tục bị "phân biệt đối xử về vaccine".

Châu Phi đã đối mặt với tình trạng thiếu hụt vaccine ngừa COVID-19 do các nước phát triển đã đặt mua phần lớn vaccine từ các hãng dược, trong khi hầu hết các nước trong khu vực này dựa vào nguồn vaccine của Chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX. Do vậy, chương trình tiêm chủng ở các nước châu Phi diễn ra rất chậm chạp. Trong những tháng gần đây, các đợt bàn giao vaccine cho châu Phi đã gia tăng, song hệ thống y tế yếu kém và hạn chế về cơ sở hạ tầng đã cản trở nỗ lực triển khai chương trình tiêm chủng. Theo báo cáo, dịch COVID-19 đã cho thấy sự yếu kém trong khâu quản lý đăng ký công dân của châu lục này, với chỉ 10% số tử vong ở châu lục được đăng ký chính thức. Trong khi đó, hệ thống y tế yếu kém khiến tỷ lệ tiêm chủng có thể còn thấp hơn so với tỷ lệ công bố chính thức. Hiệp hội Mo Ibrahim kêu gọi các nước châu Phi cần tăng cường mạng lưới an sinh xã hội để bảo vệ những người dễ bị tổn thương ở châu lục này.

Hiện các quốc gia phải điều chỉnh phản ứng đối với COVID-19 và ngăn số ca bệnh gia tăng trên khắp châu Phi, vì điều này có thể khiến các cơ sở y tế vốn đã căng thẳng trở nên quá tải. WHO cho biết đã cử một nhóm chuyên gia tới Gauteng, tỉnh có số ca nhiễm nhiều nhất Nam Phi, để giúp nước này tăng cường các biện pháp phòng ngừa và điều trị COVID-19. WHO nhấn mạnh đang làm việc với các chính phủ châu Phi để đẩy nhanh các nghiên cứu và tăng cường phản ứng với biến thể mới.

Sự xuất hiện của chủng Omicron sẽ là lời cảnh tỉnh rằng, mối đe dọa COVID-19 là sự thật. Cùng với các đối tác của mình, WHO đang hỗ trợ các quốc gia trong việc phân phối và sử dụng vaccine.

Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử đang diễn ra, với hơn 8,1 tỷ liều vaccine đã được sử dụng trên khắp thế giới cho 55% dân số thế giới. Dự kiến, với tốc độ tiêm chủng khoảng 39 triệu liều vaccine mỗi ngày thì hết quý I-2022, thế giới có thể đạt được tỷ lệ miễn dịch ở mức cao là 75% dân số thế giới được tiêm chủng. Tuy nhiên, mối lo đặt ra là hiện nay, bất bình đẳng trong việc tiếp cận nguồn cung vaccine, nhất là ở Châu Phi như thế này.

KHẢ ANH