Nguy cơ dịch bệnh trên địa bàn Đà Nẵng đang ở mức cao

Thứ sáu, 05/11/2021 08:56

Với việc tiếp tục phát hiện hàng chục F0 mới trong ngày, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng chiều 4-11, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Thị Kim Yến đánh giá nguy cơ dịch bệnh trên địa bàn TP đang ở mức cao, khả năng lây lan rộng rất lớn.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP chiều 4-11.

3 chuỗi lây nhiễm có nguy cơ cao

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TP Đà Nẵng, trong ngày 4-11, địa phương ghi nhận 13 ca mắc COVID-19, gồm 2 ca cách ly tập trung, 8 ca cách ly tạm thời tại nhà và 3 ca cộng đồng. Cụ thể, 3 ca cộng đồng là bệnh nhân N.Đ.H (1991, trú đường Nguyễn Thị Định, P. An Hải Bắc, Q. Sơn Trà) có triệu chứng nên tự đến Trung tâm Y tế Q. Sơn Trà test nhanh và dương tính với SARS-CoV-2. Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân T.Q.C (2003, trú K325 Hùng Vương, P. Vĩnh Trung, Q. Thanh Khê), bị tai nạn giao thông gần Trạm Y tế P. Hòa An (Q. Cẩm Lệ), vào trạm test nhanh và dương tính với SARS-CoV-2. Hiện 2 trường hợp ca mắc COVID-19 chưa xác định được nguồn lây. Trường hợp thứ 3 là bệnh nhân H.T.T (1967, trú K325 Hùng Vương, P. Vĩnh Trung, Q. Thanh Khê), là F1 cùng nhà với F0 T.Q.C, đến Trạm Y tế P. Hòa An test nhanh và dương tính với SARS-CoV-2. 8 trường hợp mắc COVID-19 được cách ly tạm thời tại nhà và 2 ca cách ly tập trung là F1 của các F0 trước đó.

Đến nay, có 4/7 quận, huyện ghi nhận ca mắc có nguy cơ lây lan cho cộng đồng, gồm Q. Sơn Trà (7 ca), Q. Thanh Khê (3 ca), Q. Hải Châu (1 ca) và Q. Ngũ Hành Sơn (1 ca). Có 4 chuỗi lây nhiễm được ghi nhận trong ngày, 3/4 chuỗi có nguy cơ cao. Tính từ ngày 10-7 đến nay Đà Nẵng ghi nhận 4.745 ca mắc COVID-19.

Liên quan đến các ca mắc mới, ngành Y tế ghi nhận, cách ly 202 F1; 137  F2. Trong ngày, Đà Nẵng tiếp nhận 174 người về từ ngoại tỉnh, trong đó cách ly tập trung 13 trường hợp. Về công tác tiêm vaccine, đến nay Đà Nẵng tiếp nhận 1.316.106 liều; đã tiêm 1.153.363 liều vaccine; trong đó 900.042 người tiêm mũi 1 và 253.321 người tiêm mũi 2. Sau 3 ngày triển khai tiêm vaccine cho trẻ em, ngành Y tế TP đã tiêm đạt 94,2%, có 24 trường hợp phản ứng sau tiêm đã được xử lý ổn. Trong hôm nay (5-11), ngành Y tế tiếp tục triển khai tiêm tại 2 địa điểm gồm Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Phụ sản - Nhi để hoàn tất kế hoạch tiêm cho hơn 45.000 trẻ từ 15 đến dưới 18 tuổi trong đợt này.

Lực lượng chức năng P. Nại Hiên Đông (Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng) kiểm tra, nhắc nhở cơ sở kinh doanh chấp hành nghiêm quy định phòng chống dịch của TP.

Khẩn trương truy tìm, xử lý triệt để nguồn lây

Tại cuộc họp chiều 4-11, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến đánh giá, nguy cơ dịch bệnh trên địa bàn TP đang ở mức cao, khả năng lây nhiễm rộng rất lớn. Đa số các ca bệnh được phát hiện gần như là những ca cộng đồng. Ngay cả những ca F0 ở trong các khu cách ly vẫn có nguy cơ nếu các khu cách ly này thực hiện chưa nghiêm túc các quy định.

“Tại một số phường các ca bệnh đang tăng nhưng xét theo tiêu chí về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 của Chính phủ, 56/56 xã phường trên địa bàn TP vẫn đang ở cấp độ 2. Vì thế, các địa phương có ca cộng đồng phải chủ động hơn nữa trong công tác khoanh vùng, dập dịch, phải đi nhanh hơn mức độ lây lan của dịch bệnh. Đến nay, nhiều ca bệnh vẫn chưa xác định rõ nguồn lây cho nên việc quan trọng nhất là các địa phương phải phối hợp với các đơn vị chuyên môn tập trung phân tích tìm nguồn lây để xử lý triệt để. Riêng các khu vực có dịch, các địa phương tiến hành phong tỏa chặt theo đúng tinh thần hẹp nhất có thể. Tuy nhiên, chúng ta phải lưu ý các bài học trước đây, cần đánh giá đúng mức độ nguy cơ để có quyết định phù hợp, không vì phong tỏa hẹp quá mà bỏ sót nguy cơ bên ngoài. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP cũng phải phối hợp để hỗ trợ về mặt chuyên môn”, bà Ngô Thị Kim Yến nhấn mạnh.

Liên quan đến công tác phòng dịch, theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, dù TP đã có quy định và hướng dẫn rất rõ ràng trong việc triển khai nhưng vẫn còn nhiều cơ sở, đơn vị kinh doanh bất chấp quy định. “Các đơn vị, địa phương phải kiểm tra, nhanh chóng xử lý “kịch khung” các trường hợp vi phạm để răn đe. 15 ngày đầu TP chuyển trạng thái chúng ta có thể nhắc nhở nhưng đến nay vẫn còn vi phạm thì phải xử lý nghiêm. Song song đó, Sở TT-TT cũng cần nghiên cứu, giãn thời gian sử dụng của mã QR Code để tạo điều kiện thuận lợi nhất, đơn giản nhất để người dân chấp hành nghiêm quy định quét mã QR Code phục vụ việc quản lý, truy vết, đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch”, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo.

Phi Nông