Nguy cơ "đóng cửa" một làng nghề

Thứ sáu, 07/08/2015 11:34

(Cadn.com.vn) - Ông Nguyễn Nhân-chủ cơ sở đóng tàu uy tín nhất ở làng Kim Bồng đưa ánh mắt nhìn xa xăm ra phía cửa sông thở dài: "Nghề đóng tàu ở làng Kim Bồng chắc đã đến hồi kết rồi mấy anh à, cả năm nay tôi không nhận được hợp đồng đóng tàu nào nữa. Nhiều nguyên nhân lắm, nhưng có lẽ nghề biển đang gặp khó khăn...".

Làng nghề mộc Kim Bồng, Cẩm Kim (TP Hội An, Quảng Nam) với những nghệ nhân có tiếng đã có hàng trăm năm nay, đặc biệt là nghề đóng tàu đi biển. Chuyện kể rằng,  những đội hải binh hùng dũng từ  thời các Chúa Nguyễn cưỡi trên những con thuyền do chính tay người thợ làng Kim Bồng đóng đã vượt trùng khơi, bão tố đi trấn giữ Hoàng Sa, Trường Sa... Những lần đến thăm làng, tôi cũng được ông Nguyễn Nhân tự hào khi giới thiệu về thời hoàng kim của làng vào những năm 80, 90 của thế kỷ trước. Thậm chí chỉ cách đây không đầy 10 năm, những người thợ mộc chuyên đóng tàu của làng làm không hết việc. Ông Nhân năm nay 55 tuổi, đã có 40 năm làm nghề đóng tàu, từ một thợ phụ, lên thợ chính, rồi để trở thành chủ một cơ sở đóng tàu có uy tín như hiện nay, cũng chính là nhờ ngày tháng ăn nên làm ra ấy.

Mỗi năm, cơ sở của ông Nhân nhận hợp đồng đóng không dưới 100 chiếc tàu đánh bắt xa bờ. Tàu của thợ Kim Bồng đóng được ngư dân Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định... tin tưởng, ưu ái, bởi sự chắc chắn, bền, vận hành linh hoạt, ít tốn nhiên liệu... Cái uy tín ấy được tạo nên bởi, những con tàu được đóng các loại gỗ lim, kiền kiền, chò... tốt nhất của rừng núi Quảng Nam. Quan trọng hơn cả là tay nghề điêu luyện, với kinh nghiệm lâu đời của những người thợ Kim Bồng. Thời hưng thịnh, cả làng có tới 22 cơ sở đóng tàu với hàng trăm thợ thuyền, tiếng tăm nổi khắp miền Trung...

Ông Nguyễn Nhân buồn bã bên cỗ máy cưa xẻ gỗ đóng tàu bỏ không một năm nay.

Anh Phan Công Hùng Anh-cán bộ phụ trách mảng Công nghiệp và Tiểu thủ công nghiệp, UBND xã Cẩm Kim cho  biết: Nổi tiếng là vậy, nhưng bây giờ  nghề đóng tàu ở Kim Bồng lại rất "trầm lặng". Cả làng chỉ còn 8 cơ sở, hoạt động cầm chừng, mỗi cơ sở lèo tèo vài người thợ, nhận sửa chữa một vài  tàu cá đánh bắt xa bờ, đóng mới vài tàu công suất nhỏ phục vụ chạy du lịch đường sông. Thu nhập bình quân của thợ khoảng 3 triệu đồng/tháng, nhưng cũng không có việc  làm thường xuyên.  Chính vì hoạt động "èo uột" của làng nghề, tháng 3-2015, Ban Chủ nhiệm HTX dịch vụ du lịch Kim Bồng đã phải giải thể, sắp tới đây, theo định hướng của xã sẽ thành lập lại, nhưng chưa rõ thời gian!

Chỉ tay ra khu vực nhà xưởng gần như bỏ hoang cả năm nay, ông Nhân giải thích: "Đầu năm 2014, tôi cũng còn nhận được một hợp đồng đóng một tàu đánh bắt xa bờ 450 CV, trị giá 1,2 tỷ đồng... Muốn đóng một con tàu từ 250 CV trở lên, chủ tàu phải vay vốn các ngân hàng, trước đó, chủ cơ sở đóng tàu như tôi phải có bản vẽ, hồ sơ thiết kế tàu.   Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam không có đơn vị nào đủ điều kiện theo quy định để thiết kế bản vẽ nên đều phải sang các tỉnh khác để thuê thiết kế. Có được bản vẽ thiết kế rồi, mới gửi ra Trung tâm Đăng kiểm tàu cá thuộc Bộ NN&PTNT xin phê duyệt.  Chính cái thủ tục nhiêu khê, vòng vèo như vậy đã kéo dài khiến chủ tàu đành phải bỏ hợp đồng đóng tàu với cơ sở đóng tàu. Vậy là chủ cơ sở đóng tàu cũng mất việc mà ngư dân cũng không có tàu để hành nghề ra khơi đánh bắt".

Một nguyên nhân nữa cũng không kém phần quan trọng, thời gian qua, nhiều địa phương đã triển khai chính sách hỗ trợ ngư dân về vốn để cải hoán, đóng mới tàu, mua sắm trang thiết bị đánh bắt xa bờ, nhưng thực hiện không đồng bộ, đồng vốn không đến hoặc khó đến tay bà con ngư dân. Vì vậy không tạo được động lực để bà con ngư dân yên tâm bám biển làm ăn ổn định, lâu dài.  Ông Nhân cho biết, nhiều ngư dân đã tới với ý định hợp đồng đóng tàu, nhưng lại không tìm được bạn tàu (người làm công trên tàu), hoặc bạn tàu đề nghị cùng chung vốn  đóng tàu để cùng có trách nhiệm trong việc hành nghề đánh bắt, khai thác ngoài biển, nhưng lại không vay được vốn..., cái vòng luẩn quẩn ấy không dứt ra được khiến làng nghề đóng tàu cứ lụi dần.

Cơ sở đóng tàu đánh bắt xa bờ có uy tín của ông Nhân và cả làng Kim Bồng hơn một năm qua chỉ nhận được vài  việc sửa chữa tàu cũ, nhà xưởng để hoang phế, quạnh hiu.

Như vậy có thể thấy, khó khăn nhất, chung quy lại vẫn là vấn đề "vốn". Trong thời gian qua, chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển, làm giàu từ biển, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, góp phần bảo vệ chủ quyền của đất nước được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Để ngư dân được hỗ trợ vốn, khoa học, kỹ thuật và phương tiện chắc chắn để ra khơi, Nhà nước cần phải nhanh chóng xem xét có các nguồn, gói hỗ trợ cho ngư dân vay dài hạn hoặc lãi suất thấp, để trang bị tàu thuyền, phương tiện hành nghề hiện đại khi ra khơi. Có như thế làng nghề đóng tàu Kim Bồng mới hy vọng phục hồi và phát triển, là chỗ dựa để  bà con ngư dân yên tâm bám biển, làm giàu từ biển, góp phần bảo vệ chủ quyền đất nước.

Hồng Thanh