Nguy cơ hàng nghìn héc-ta đất trồng rừng sẽ bỏ hoang?

Thứ bảy, 19/05/2018 13:11

Trong gần 10 năm qua, nghề trồng rừng cây phục vụ cho ngành nguyên liệu, nhất là nguyên  liệu giấy phát triển mạnh mẽ ở các tỉnh miền Trung, trong đó có Đà Nẵng và Quảng Nam. Hàng nghìn ha đồi trọc, đất trống được phủ xanh, mang lại hiệu quả, lợi ích kinh tế cho người trồng rừng, người dân ở các vùng miền núi, trung du. Tuy nhiên, ngay trong vụ thu hoạch rừng cây nguyên liệu ở các địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam năm 2018 này, giá cây nguyên liệu tụt giảm, người trồng rừng thua lỗ nặng, nguy cơ hàng nghìn héc-ta đất rừng sau thu hoạch cây nguyên liệu phải bỏ hoang, vì người dân không còn vốn để tái sản xuất, trồng rừng...

Người dân vùng Tây Bắc Hòa Vang (TP Đà Nẵng) đang rất lo lắng vì giá thu mua cây rừng trồng nguyên liệu tụt giảm.

Ông Phạm Văn Bảo - một người dân có diện tích trồng rừng lớn ở thôn Sơn Phước, xã Hòa Ninh (H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) hạch toán cho chúng tôi nghe: Gia đình ông Bảo vừa nhận trồng khoán 50ha  rừng cây nguyên liệu. Vào thời điểm năm 2012, khi rừng vừa trồng lứa đầu tiên, giá cây keo nguyên liệu trung bình là 1.225.000 đồng một tấn, mỗi héc-ta rừng trung bình thu được 70 tấn cây nguyên liệu, trừ mọi chi phí, mỗi héc-ta vẫn còn lãi khoảng trên 70 triệu đồng.  Từ năm 2012, đến năm 2018 trong thời gian 6 năm là thời điểm lứa cây nguyên liệu thứ 2 được thu hoạch vẫn trên diện tích đất trồng rừng trước. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, tức là trong mùa nắng, mùa thu hoạch cây nguyên liệu, giá cây chỉ có 910.000 đồng một tấn. Theo hạch toán, trừ các loại chi phí như tiền công khoán khai thác từ 230 nghìn đến 300 nghìn đồng một tấn cây, tùy theo địa hình rừng cây; cước vận chuyển từ 130 nghìn đến 160 nghìn đồng một tấn, cũng tùy theo địa hình vận chuyển;  chi phí sửa đường vận chuyển... người trồng rừng chỉ còn thu được dưới 400 nghìn đồng một tấn cây nguyên liệu. Tiếp tục trừ chi phí các loại từ lúc phát rừng, trồng cây, phát thực bì, chăm sóc cây hàng năm... người trồng rừng chỉ còn không đầy 20 triệu đồng trên 1 ha rừng trồng cây nguyên liệu, trong khi đó chỉ tính trong 6 năm của lứa cây nguyên liệu, mỗi héc-ta rừng, phải đầu tư ít nhất cũng 20 triệu đồng. Vậy là người trồng rừng trắng tay...!

Chúng tôi hỏi, vậy hiện nay việc thu mua cây trồng rừng nguyên liệu do đơn vị nào thực hiện? Theo ông Bảo và nhiều người dân trồng rừng cho biết, tại các địa phương vùng Tây Bắc Hòa Vang như Hòa Phú, Hòa Ninh, Hòa Liên, Hòa Bắc... đều do các Công ty Hoàng Anh Khôi và Vinachip đứng ra thu mua cây rừng trồng nguyên liệu. Giá các đơn vị này thu mua chỉ 910 nghìn đồng một tấn, trong khi ở Huế giá 970 nghìn đồng một tấn, tại Quảng Ngãi cũng đạt tới 960 nghìn đồng một tấn. Nếu với giá thu mua như ở Huế, Quảng Ngãi, mỗi héc-ta rừng người trồng rừng vẫn còn thu được từ 40 đến 50 triệu đồng 1ha. Hiện tại chỉ có Đà Nẵng và Quảng Nam giá thu mua cây rừng trồng nguyên liệu chỉ đạt 900 nghìn đến 910 nghìn đồng/tấn. Ông Bảo và nhiều người dân đều thắc mắc, không hiểu các đơn vị thu mua cây nguyên liệu ở Đà Nẵng và Quảng Nam có “ép” giá người dân không? Người dân rất muốn ngành chức năng đứng ra can thiệp, nhưng không biết phải “kêu” đến cơ quan nào!?

Theo ý kiến người dân ở vùng Tây Bắc Hòa Vang (Đà Nẵng), nếu với giá thu mua cây rừng trồng nguyên liệu như hiện nay, ngay trong vụ lứa cây rừng tới đây, nhiều hộ dân trồng rừng sẽ bỏ rừng, vì không còn vốn để tái sản xuất, để đầu tư trồng lại rừng, như vậy sẽ có hàng nghìn héc-ta rừng bỏ hoang hóa.

Chúng tôi đã đến nhiều địa phương ở Quảng Nam như Nông Sơn, Duy Xuyên, Đại Lộc... những vùng trọng điểm có hàng trăm nghìn héc-ta đất trồng rừng cây nguyên liệu, tình hình chung cũng rơi vào tình cảnh như vậy. Cũng theo ý kiến người dân, đặc điểm của cây nguyên liệu, nếu thấy giá thấp, không khai thác thu hoạch, cây quá lứa giá thành lại càng thấp hơn do chất lượng cây kém đi. Và cũng rất nhiều rủi ro chực chờ, khi đến mùa mưa bão, cây dễ bị gãy đổ, khi đó người trồng rừng lại càng thua lỗ nặng hơn, thậm chí có thể rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, nếu trước đó kinh phí đầu tư là từ đồng tiền đi vay...

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lê Đức Thương-Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh cho biết: Hòa Ninh là địa phương có diện tích hơn 2.500 ha đất trồng rừng, là nguồn sống, nguồn thu nhập của 80% người dân trong xã. Trước tình hình giá cả thu mua cây rừng trồng nguyên liệu tụt giảm trong mùa khai thác thu hoạch năm 2018 này, người dân địa phương vô cùng lo lắng... Chính quyền địa phương cũng chưa tìm được giải pháp nào để hỗ trợ giúp người dân, có chăng phải là cấp tỉnh, thành phố trở lên. Còn nếu tình hình như hiện nay vẫn còn tiếp diễn, thì lo lắng của người dân về vấn đề sẽ có hàng nghìn héc-ta đất trồng rừng sẽ buộc phải bỏ hoang hóa là không phải không có cơ sở.

Trong những năm qua, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích  người dân các địa phương trồng cây phủ xanh đất trống đồi trọc, tạo cảnh quan, môi trường, đem lại hiệu quả kinh tế cải thiện cuộc sống. Trước thực trạng chúng tôi nêu trên, rất cần chính quyền và ngành chức năng vào cuộc, xem xét, tìm hiểu, tạo một hành lang pháp lý, giúp người dân ổn định sản xuất, phát triển kinh tế.

HỒNG THANH