Nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ các nước vào Việt Nam rất lớn

Thứ tư, 25/11/2020 08:09

Đó là một trong những nội dung mà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã đề cập tại hội nghị trực tuyến “Tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới” với sự tham gia của đầu cầu tại 63 tỉnh, TP trên cả nước diễn ra ngày 24-11.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại hội nghị.

Tín hiệu vui nhưng cũng không ít phần lo lắng

Theo ông Nguyễn Thanh Long, Việt Nam đã có 83 ngày không phát hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là một tín hiệu vui nhưng cũng không ít phần lo lắng. “Số ca mắc đang tăng nhanh ở châu Âu, Mỹ và châu Á. Sự lây nhiễm Covid-19 chưa có xu hướng ngừng lại. Đánh giá về sinh học phân tử, giải trình tự gien hiện nay chưa thấy có điểm gì đột biến so với hồi tháng 7 nhưng tốc độ lây nhiễm cao. Hệ số lây nhiễm không tăng nhưng ngày càng nhiều có người nhiễm. Quần thể nhiễm ở các nước rất cao. Vì vậy việc phòng, chống Covid-19 ở các nước này khó khăn hơn rất nhiều”, ông Long nói.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, trước sự gia tăng nhanh chóng ca Covid-19 trên thế giới, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ các nước vào Việt Nam rất lớn. Chỉ riêng ngày 23-11, có 5.000 người nhập cảnh và xuất cảnh, trong đó ở phía bắc đã phát hiện 77 trường hợp nhập cảnh trái phép và 2-3 trường hợp tại phía nam. Điều này là thách thức rất lớn cho Việt Nam trong kiểm soát chặt đường biên…

Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh - Phó tư lệnh BĐBP cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam có 20.161 trường hợp nhập cảnh trái phép, đồng thời chúng ta cũng tiếp nhận 8.340 người Việt Nam được các nước trao trả qua cửa khẩu… Chuẩn bị đến Tết Nguyên đán nên nhu cầu thăm thân nhân của người dân khu vực biên giới rất lớn. Bên cạnh đó, đời sống của nhân dân ở vùng biên còn gặp nhiều khó khăn, thiếu việc làm, đặc biệt trong mùa nông nhàn. Vì nhu cầu mưu sinh, người dân tìm mọi cách để xuất nhập cảnh trái phép… Xác định cuộc chiến chống Covid-19 còn lâu dài, tình trạng xuất nhập cảnh trái phép dự báo gia tăng, để đảm bảo cho lực lượng BĐBP làm nhiệm vụ, đại diện Bộ tư lệnh BĐBP đề nghị Ban Chỉ đạo yêu cầu các cấp, ngành, thôn bản, xã phường tiếp tục tuyên truyền cho nhân dân địa bàn biên giới không xuất nhập cảnh trái phép và tiếp tay cho các hành vi vi phạm. Thiếu tướng Nguyễn Đức Mạnh cũng cho rằng, cần tổ chức chốt chặt nghiêm tại các đường mòn, lối mở biên giới vì về cơ bản các tỉnh hiện đã rút hết lực lượng về và cơ bản chỉ còn lực lượng BĐBP, nên công tác phòng, chống dịch cũng khó khăn...

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, mặc dù Bộ Y tế đã có nhiều hướng dẫn văn bản, kiểm tra giám sát tại khu cách ly, nhưng tại một số địa phương có tình trạng lơ là, chểnh mảng giám sát thực hiện cách ly theo quy định, đặc biệt là việc cách ly ở khu lưu trú dân sự, khách sạn. Đối với việc cách ly tại khách sạn, vai trò chính quyền địa phương giám sát rất quan trọng nhưng hiện nay có nhiều nơi rất chủ quan. Sự phối hợp giữa các cơ quan chưa chặt chẽ. Chúng ta không thể bảo đảm 100% ngăn chặn, kiểm soát tốt dịch Covid-19. Nguy cơ cao vẫn hiện hữu”, ông Long nói.

Luôn luôn chuẩn bị cho tình huống xấu nếu dịch xảy ra

Theo Bộ Y tế, hiện Việt Nam tiến hành xét nghiệm 4.000 mẫu/ngày. So với trường hợp có dấu hiệu cúm, ho, sốt, viêm phổi nặng, con số xét nghiệm này vẫn rất thấp, dễ bỏ lọt trường hợp mắc Covid-19. “Chúng ta có cơ chế chi trả cho xét nghiệm từ nguồn BHYT nhưng các địa phương chưa đôn đốc, mạnh dạn và thực hiện triệt để chỉ đạo”, ông Long nói.

Ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay Việt Nam có khoảng hơn 1 ca mắc/1 triệu dân. Nếu gặp tình huống như Nga, Mỹ, Pháp có cùng lúc 30.000 ca mắc/một triệu dân, Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Theo ông Khoa, các địa phương hiện có trang bị hầu hết các máy thở chức năng cao, nhưng năng lực điều trị hiện nay còn hạn chế. Chỉ có một số bệnh viện làm được kỹ thuật này, còn hầu hết huy động từ bệnh viện tuyến trên. Ông Khoa đề nghị các địa phương ít nhất có 1-2 bệnh viện có phương án chuyển đổi thành bệnh viện điều trị Covid-19. “Phải có phương án thiết lập một đơn vị dã chiến được xây dựng từ một cơ sở dân sự. Ví dụ, với 60% ca mắc không có triệu chứng chỉ cần cách ly điều trị tại ký túc xá hoặc cơ sở dân sự khác, có tổ y tế theo dõi”, ông Khoa nói.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương luôn luôn chuẩn bị cho tình huống xấu nếu dịch xảy ra ở trên địa bàn của mình để khi xảy ra không luống cuống, đối phó bình tĩnh và thực hiện triệt để biện pháp phòng, chống dịch. “Bài học xét nghiệm càng nhanh, phát hiện càng nhanh thì cách ly khoanh vùng dập dịch càng nhanh. Tại sao Trung Quốc triển khai xét nghiệm tới 4-5 triệu dân/thành phố vì quan điểm của họ là xét nghiệm càng nhanh càng tốt. Hiện chúng ta chưa chuẩn bị cho xét nghiệm, tốc độ xét nghiệm chậm tại một số địa phương. Ngay cả khi có năng lực xét nghiệm thì việc tổ chức lấy mẫu cho xét nghiệm cũng là vấn đề. Vì thế, chúng ta cần phải tăng cường năng lực lấy mẫu, tăng cường năng lực xét nghiệm”, ông Long nói.

* Tối 23-11, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP Đà Nẵng tổ chức tiếp nhận 354 công dân Việt Nam trở về từ Hoa Kỳ trên chuyến bay VN431 của Hãng hàng không Vietnam Airlines, hạ cánh tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng khuya 23-11. Lực lượng kiểm dịch y tế sân bay phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện nghiêm ngặt công tác giám sát, kiểm dịch y tế, phân luồng vận chuyển tại cửa khẩu sân bay theo quy định. Các công dân này được lực lượng kiểm dịch y tế sân bay phối hợp với Trung tâm cấp cứu 115 và Bộ Chỉ huy Quân sự TP tổ chức đưa về cách ly tập trung tại Trung tâm huấn luyện bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng An Ninh (Q.Liên Chiểu) và 7 khách sạn, cơ sở lưu trú được chỉ định dùng làm cách ly phòng,chống Covid-19. Sau khi ổn định chỗ ở, các công dân nhập cảnh sẽ được lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 theo quy định.

LÊ HÙNG