Nguy cơ phải “giải cứu” vùng trồng rau trọng điểm

Thứ hai, 05/11/2018 09:56

Chưa bao giờ cụm từ “giải cứu” và điệp khúc “được mùa, mất giá” lại được nhắc nhiều như hiện nay ở H. Đơn Dương – huyện nông thôn mới – vùng trồng rau, củ, quả trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng. Là địa phương đi đầu trong phát triển sản xuất nông nghiệp với gần 26.000 ha diện tích canh tác rau thương thẩm, trong đó diện tích ứng dụng công nghệ cao chiếm gần 85%, tuy nhiên các mặt hàng nông sản sản xuất ra đều bán theo thị trường tự do. Vậy nên khó tránh khỏi cảnh “được mùa, mất giá”.

Sản xuất ớt xanh tại 1 Cty tư nhân. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước khi gieo trồng nhiều hộ dân thực hiện theo hình thức bán nguyên vườn. Đầu ra không ổn định, lại phải qua nhiều khâu trung gian nên nông sản làm ra bị ép giá là điều không tránh khỏi. Ông Lưu Vũ Trường Duy, một nông dân ở xã Lạc Lâm, H. Đơn Dương chân tình: “Người nông dân sau khi trồng, gặp giá thị trường lên thì người đi buôn họ sẽ mua nguyên vườn, khi giá thị trường xuống thì người ta không mua nữa mà chờ giá lên. Vì vậy người dân sẽ không thể bán được và nông sản chặt bỏ là điều dễ xảy ra”. Còn ông Nguyễn Chí Kiên – một người chuyên thu mua nông sản tại H. Đơn Dương cho rằng: “Nông dân đa số là hợp đồng với các thương lái và chỉ là hợp đồng miệng nên đâu có gì để đảm bảo”.

Một lý do nữa khiến cho nông sản của H. Đơn Dương mất giá là, một số chủ vựa kinh doanh nhập khẩu hàng nông sản Trung Quốc với giá rẻ về trà trộn, gắn mác nông sản địa phương để đánh lừa người tiêu dùng. Cơ quan chuyên môn của H. Đơn Dương đã kiểm tra tại 21 cơ sở kinh doanh hàng nông sản đóng chân trên địa phương và xác định có khá nhiều cơ sở vi phạm kinh doanh hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Thực tế bằng mắt thường rất khó phân biệt được hành tây và khoai tây Trung Quốc với hàng nông sản trồng tại H. Đơn Dương nên người kinh doanh cố tình tạo sự nhầm lẫn để hưởng chênh lệch giá, làm ảnh hưởng đến giá nông sản tại địa phương. Bà Lê Thị Bé - Trưởng phòng nông nghiệp H. Đơn Dương cho biết: “Trong số 3 nông sản là tỏi, khoai tây và hành tây thì H. Đơn Dương chỉ trồng được 2 loại là khoai tây và hành tây. Khoai tây thì cơ bản có liên kết sản xuất tiêu thụ bằng hợp đồng nên đã có đầu ra. Cây hành tây, H. Đơn Dương chỉ xuống giống tháng 11, 12, thu hoạch vào tháng 1, tháng 2 năm sau và nông sản này lại không để được lâu nên không thể có hàng quanh năm.

Một vườn cà chua phải bỏ quả chín trên cây vì mất giá.

Cũng ghi nhận tại H. Đơn Dương, nông sản làm ra chỉ có 25% được tiêu thụ qua hợp đồng với các đơn vị thu mua. Số còn lại, người dân chủ yếu tự tìm đầu ra cho sản phẩm nên số lượng rau, củ, quả liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị còn hạn chế. Trong khi đó một số hợp tác xã nông nghiệp còn được gọi là “bà đỡ của nông dân” thì hoạt động không hiệu quả và hiện tại đã có 5 hợp tác buộc phải giải thể. Ông Trần Thiện Thanh – Giám đốc HTX nông nghiệp Thiện Thanh, H. Đơn Dương cho rằng: “Một HTX chỉ có thể tồn tại và phát triển khi có được những đối tác tốt. Nếu sản phẩm của mình chưa hoàn thiện, mình đang còn tạo ra những sản phẩm chưa phù hợp với thời đại, không theo kịp thị trường thì sẽ chưa tìm được đầu ra và như vậy việc HTX phá sản là đương nhiên”.

Thêm một lý do nữa khiến vùng trồng rau Đơn Dương lâm cảnh “được mùa – mất giá” là, diện tích rau, củ, quả công nghệ cao còn phân tán, mẫu mã và công nghệ bảo quản sau thu hoạch còn nhiều hạn chế, phần lớn sản phẩm làm ra còn phụ thuộc vào thị trường nên giá cả thiếu ổn định. Vì thế, liên kết chuỗi tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, từng bước nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp là điều mà người trồng rau, củ, quả ở H. Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng cần hướng tới.

ĐỨC HUY