Nguy cơ tái lạm phát cao
(Cadn.com.vn) - Ngày 28-9, tại TP Huế (TT-Huế), Ủy ban Kinh tế (UBKT) của Quốc hội (QH) tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 9 nhằm thảo luận tình hình KT-XH năm 2013; phương hướng, nhiệm vụ năm 2014 và đánh giá 3 năm thực hiện Kế hoạch 5 năm (2011 - 2015); đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Tham dự và chủ trì phiên họp có các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch QH; Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên T.Ư Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm UBKT của QH.
Tại cuộc họp, ông Cao Sĩ Kiêm- nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho rằng năm 2013 kinh tế Việt Nam cũng có nhiều điểm sáng như kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tỉ giá ổn định... Tuy nhiên, 3 chỉ tiêu (tăng trưởng, đầu tư và việc làm) vẫn chưa đạt. Hệ thống DN đang co lại, lối ra chưa thanh thoát, ngân sách giảm, đầu tư giảm. Trên cơ sở đó ông Kiêm nhận định kinh tế năm 2014 còn gặp nhiều khó khăn, sản xuất phục hồi chậm. Nguyên nhân do chính sách đề ra sớm nhưng triển khai chậm và phối hợp không đồng bộ. Dù có nhiều lãnh đạo nhìn sâu sát vấn đề nhưng khi chỉ ra và tập trung khắc phục thì không mấy người thực hiện...
Ông Đào Quang Thu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, dựa vào kinh tế hiện nay thì dự báo năm 2014, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 5,8%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 10%,; tỉ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP 5,3%; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm 30% GDP; tốc độ tiêu dùng 7%; xuất khẩu đạt 144 tỉ USD; nhập khẩu 150 USD... T.S Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, cho rằng trong giai đoạn kinh tế trì trệ như hiện nay thì mức tăng trưởng kinh tế 5,8% là chấp nhận được, vì mức này nó sẽ không làm tăng tỉ lệ thất nghiệp. Nếu không có mức tăng trưởng cỡ đó thì tỉ lệ thất nghiệp sẽ cao kéo theo nguy cơ cho nền kinh tế. Ông Lịch nhận định, dù năm 2013 đã kiềm chế được lạm phát nhưng năm 2014 có nguy cơ tái lạm phát cao do nguyên nhân phi kinh tế. Nếu không đề phòng kỹ nó sẽ làm tác động tâm lý dẫn đến bất ổn giá cả...
Tại phiên họp, các đại biểu cùng nhau đánh giá những yếu kém, hạn chế của nền kinh tế trong thời gian qua và đưa ra những giải pháp cấp bách để triển khai thực hiện trong thời gian tới. Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian tới, Chính phủ nên duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, không nên thiên quá về tốc độ tăng trưởng để ổn định kinh tế vĩ mô. Cân đối thu, chi, nâng bội chi ngân sách lên để đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu trong DNTN, DNNN. Phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ...
Cũng tại phiên họp, các đại biểu cho rằng, sau 9 năm thi hành Luật phá sản (LPS) ban hành năm 2004, việc sửa đổi LPS trình QH lần này hết sức cần thiết, phù hợp với thực tiễn nền kinh tế đất nước trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Trong đó, tập trung vào việc xác định đối tượng áp dụng; tiêu chí xác định doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản; việc quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp; thẩm quyền của tòa án các cấp đối với việc tiến hành thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã; kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam... Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm UBKT của QH cho rằng, nên làm rõ đối tượng áp dụng; trong đó, chú ý đến đối tượng là các trường đại học vì đây vừa là đơn vị sự nghiệp vừa là doanh nghiệp...
Hải Lan