Nguy cơ thất truyền nghề làm gốm thủ công của đồng bào Ba Na
(Cadn.com.vn) - Đồng bào dân tộc Ba Na ở tỉnh Kon Tum vốn có nghề gốm thủ công truyền thống nhưng đáng tiếc, hiện nay nghề làm gốm thủ công này đang dần bị quên lãng. Ở làng Kon Săm Luh, xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy (Kon Tum), bà Y Pư là người duy nhất còn biết nghề làm gốm được gia đình truyền lại. Nhưng đáng tiếc là hiện nay bà cũng không còn làm nghề này nữa. Bà Y Pư cho biết, để làm ra được một sản phẩm gốm truyền thống mất rất nhiều thời gian và công sức. Bây giờ, cần cái chén, cái nồi, mọi người ra chợ mua nhanh hơn, đẹp hơn. Giá sản phẩm gốm thủ công đắt hơn ngoài chợ nên rất khó bán. Bà cũng mong muốn truyền nghề cho con cháu nhưng không ai muốn học nghề. Theo bà Y Pư, trước đây, mẹ bà là cụ Y Nhanh nổi tiếng khắp vùng với nghề làm gốm thủ công. Sau đó, mẹ truyền cho chị gái của bà là bà Y Ber. Đến năm 2013, bà Y Ber lại truyền dạy cho bà Y Pư. Lúc học nghề, bà Y Pư đã 50 tuổi, sau khi được học nghề, bà Y Pư đã làm được một số sản phẩm gốm thủ công là nồi hong xôi và cái ghè rượu nhỏ. Hiện nay, những vật dụng ấy vẫn còn được bà Y Pư trưng bày trong tủ kính làm kỷ niệm.
Bà Y Pư đã được mời trình diễn kỹ thuật làm gốm thủ công của đồng bào dân tộc Ba Na tại Liên hoan nghệ thuật dân gian Tây Nguyên gắn với Tuần Văn hóa- Du lịch tỉnh Kon Tum năm 2016. Theo bà, để làm một sản phẩm gốm thủ công, đất sét được lấy từ khu vực suối Đăk Gơga, cách làng khoảng 2 km. Đất mang về được phơi khô trong khoảng 3 ngày dưới trời nắng gắt. Sau đó, đất sét được bỏ vào cối đá giã thật nhỏ rồi sàng kỹ bột lấy đất sét thật mịn rồi đem nhào với nước giếng, trộn thật đều rồi mới đem nặn gốm.
Để làm một sản phẩm gốm, người Ba Na không dùng bàn xoay như người Kinh mà lại nặn gốm trên một tấm phên tre được đan chắc chắn. Đầu tiên, người làm gốm lấy lượng đất sét đã nhào đập kỹ tương ứng với món đồ cần làm bỏ lên trên một tấm lá chuối hay lá bàng bằng phẳng rồi đặt lên trên tấm phên để đất không dính vào tấm phên. Tất cả được đặt trên một khúc cây vững chắc hay chiếc cối lật úp để tạo trục, tiện cho việc di chuyển của người làm gốm. Sau đó, bằng bàn tay khéo léo, người thợ gốm sẽ nặn riêng từng bộ phận của vật dụng và ghép chúng lại với nhau... Công cụ làm gốm chỉ gồm có một thanh tre, nứa nhẵn mịn và bàn tay khéo léo của người thợ. Điều đặc biệt trong nghề làm gốm thủ công của đồng bào Ba Na là người thợ gốm phải liên tục xoay quanh trục để nặn thành hình chiếc nồi hay chiếc bát, chiếc bình... như ý. Sau đó, người thợ sẽ lấy đá cuội chà cho bóng mặt ngoài của sản phẩm rồi đem phơi khoảng một tuần và đem nung trong lò. Quá trình sản phẩm gốm được phơi, khi thấy sản phẩm đã đạt đến độ khô vừa phải, người thợ sẽ vẽ lên đó các họa tiết hoa văn rồi lại đem phơi tiếp. Còn ở công đoạn nung gốm, người thợ sẽ lấy nước của vỏ cây rừng bôi lên vật nung để gốm có màu đen bóng và chắc hơn. Một điều đặc biệt nữa trong nghề gốm thủ công của người Ba Na tại Tây Nguyên là nghề này chỉ được truyền lại cho con gái, con trai tuyệt đối không được học nghề. Đáng tiếc là các con gái của bà Y Pư và nhiều phụ nữ trong dòng họ của bà đều không học nghề làm gốm truyền thống vì sản phẩm không có thị trường tiêu thụ.
Ông Phan Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum cho biết: Mặc dù, ngành chức năng đã vận động, tuyên truyền về việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc cho đồng bào Ba Na qua nghề làm gốm nhưng hiện nay chỉ còn vài người biết nghề nặn gốm thủ công. Do chi phí làm ra sản phẩm gốm thủ công quá cao, tốn nhiều công sức, sản phẩm lại không có "đầu ra" nên người dân nản và bỏ nghề.
Hồng Điệp