Nguy cơ tiềm ẩn từ chương trình tiêm chủng kép của Indonesia

Thứ năm, 18/03/2021 15:54

Giới phân tích cho rằng, chương trình “Gotong Royong" (Cùng nhau hợp tác) do các Cty tư nhân tài trợ, vốn chỉ dành vaccine tiêm chủng riêng cho nhân viên Cty và gia đình của họ khiến người dân lo ngại khi cho rằng, những người giàu được hưởng ưu đãi tiếp cận với vaccine chống COVID-19 đang rất khan hiếm.

Người cao tuổi ở thủ đô Jakarta, Indonesia tiêm vaccine ngừa COVID-19.   Ảnh: REUTERS

Đại dịch COVID-19 đã bộc lộ sự bất bình đẳng xã hội trên toàn thế giới, gồm cả việc quản lý vaccine. Tuy nhiên, Indonesia nổi bật với chính sách tiêm chủng có chủ ý thu hút - và khuyến khích - những nhóm người giàu có nhất. Một nghị định mới của Bộ trưởng Y tế quy định 2 chương trình tiêm chủng riêng biệt nhưng đồng thời, một chương trình cho nhân viên các Cty và một chương trình khác cho phần còn lại của người dân. 

Là quốc gia có dân số nội địa khổng lồ (hơn 280 triệu người), Indonesia sở hữu năng lực sản xuất vaccine đáng gờm. Indonesia cũng có thể đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu đáng kể cho vaccine Coronavac từ Sinovac của Trung Quốc. Cùng với nguồn cung cấp được hứa hẹn từ các nhà sản xuất khác, bao gồm AstraZeneca và Novavax, Indonesia đặt mục tiêu cung cấp dịch vụ tiêm chủng cho 181 triệu công dân vào cuối năm nay. Hôm 15-3, phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban IX thuộc Hạ viện, Bộ trưởng Y tế Indonesia, ông Budi Gunadi Sadikin cho biết chính phủ đang có kế hoạch đặt mua tổng cộng 426 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho chương trình tiêm chủng quốc gia. Tuy nhiên, đã bùng lên những tranh cãi và lo ngại.

Chương trình “Gotong Royong" là gì?

Vào tháng 2, một diễn đàn gồm 100 Giám đốc điều hành (CEO) của các Cty đã được triệu tập họp cùng Tổng thống Joko “Jokowi” Widodo và đề xuất một sáng kiến cho “Vaccine tự cung cấp”, có tên “Vaksinasi Mandiri” (sau đó đổi tên thành Gotong Royong). Các CEO, dưới sự đánh giá của Phòng Thương mại (Kadin), đã đề nghị xử lý tiêm chủng cho nhân viên của Cty họ, cùng với những người thân của nhân viên, để đổi lấy quyền tự mua và nhập khẩu nguồn cung cấp vaccine. 

Tổng thống Jokowi đã chấp thuận yêu cầu và vào cuối tháng, Bộ trưởng Y tế đã ban hành một sắc lệnh đặt ra một khuôn khổ pháp lý cho việc này. Kadin đã thu hút hơn 8.300 Cty đăng ký tham gia và đặt mục tiêu mua 40 triệu liều cho 20 triệu người.  Theo quy định về chương trình tiêm chủng Gotong Royong ban hành ngày 5-3, chính phủ đã giao cho Cty dược phẩm quốc doanh PT Biofarma phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia (Kadin) mua sắm vaccine. Theo đó, Biofarma sẽ mua vaccine cho chương trình Gotong Royong trước khi bán lại cho các Cty tư nhân để cung cấp miễn phí cho các nhân viên và gia đình họ. Nhằm đảm bảo chương trình Gotong Royong không ảnh hưởng đến việc triển khai chương trình tiêm chủng quốc gia, các công ty tư nhân sẽ sử dụng các vaccine khác với các loại đang được chính phủ tiêm miễn phí cho người dân. Ngoài ra, Gotong Royong sẽ chỉ được triển khai tại các cơ sở y tế tư nhân.

“Gotong Royong” là “thuật ngữ mới đề cập đến phong tục truyền thống của người Java (gotong royong) về việc chịu đựng đói nghèo bằng cách tập hợp các nguồn lực để chia sẻ những khó khăn. Tuy nhiên, trớ trêu thay, điều này hoàn toàn ngược lại với một kế hoạch như vậy.

Những tranh cãi và lo ngại

Giới phân tích cho rằng, chương trình “Gotong Royong" khiến người dân lo ngại khi cho rằng, những người giàu được hưởng ưu đãi tiếp cận với vaccine chống COVID-19 đang rất khan hiếm.

Đáp trả, các thành viên của Gotong Royong lập luận rằng việc tiêm chủng nhanh hơn cho lực lượng lao động trong lĩnh vực chính của đất nước sẽ mang lại sự phục hồi kinh tế nhanh hơn. Trên thực tế, bản thân việc vượt qua đại dịch là cách duy nhất để đảm bảo phục hồi - và điều này đòi hỏi sự tập trung vào những người dễ bị tổn thương nhất và dễ bị lây truyền nhất. Ở Indonesia, nhân viên của các tập đoàn về cơ bản khá giả hơn so với dân số chung, với tình trạng sức khỏe tốt hơn và các phương tiện tốt hơn để tự bảo vệ mình thông qua cách điều chỉnh và các biện pháp phòng ngừa khác. Những người Indonesia có thu nhập thấp thường sống trong những khu nhà chật chội và làm những công việc rủi ro hơn.

Các quan chức của Gotong Royong cũng cho rằng, việc các Cty sẵn sàng chi trả tiền vaccine sẽ giảm bớt gánh nặng cho chính phủ, do đó giải phóng nguồn lực cho chương trình tiêm chủng quốc gia. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Sri Mulyani Indrawati đã tuyên bố rõ rằng, “tài chính không phải là vấn đề chính đối với tiêm chủng” - đúng hơn, đảm bảo nguồn cung cấp là thách thức chính, theo sau là những khó khăn trong việc vượt qua các rào cản hậu cần.

KHẢ ANH