Nguyễn Bá Thanh - một người con của Đà Nẵng

Thứ bảy, 30/01/2016 10:02

(Cadn.com.vn) - Cuốn sách "Nguyễn Bá Thanh- một người con của Đà Nẵng" của soạn giả Nguyễn Kim Thành vừa được ra mắt hôm 29-1, đúng vào dịp kỷ niệm 1 năm ngày mất của Cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.

Bìa cuốn sách "Nguyễn Bá Thanh - một người con của Đà Nẵng".

Những ký ức xúc động

Chia sẻ lý do thôi thúc biên soạn cuốn sách, soạn giả Nguyễn Kim Thành nói: Một năm trôi qua thật nhanh, thời gian rồi sẽ phủ bóng mờ lên bao ký ức và hoài niệm. Nhưng hình ảnh anh Nguyễn Bá Thanh với phong cách giản dị, thái độ cởi mở, chân tình trong mỗi lần chị được tiếp xúc, làm việc vẫn mãi là những hình ảnh sâu đậm trong ký ức. Soạn giả Kim Thành nhận xét, ông Thanh không chỉ là một người anh, người đồng chí mà cũng là người thầy đã dạy dỗ chị những bài học quý giá từ chính sự chân thành, lòng nhiệt huyết, sự tận tâm cống hiến. Những gì ông làm cho Đà Nẵng, cho người dân TP khiến chị ngưỡng mộ, nể phục, thôi thúc chị viết sách này. Chị tâm sự, để hoàn thành cuốn sách về một người lãnh đạo được cả thành phố yêu mến, ngưỡng mộ thực sự là thách thức lớn. Từ tuyển chọn tài liệu, tư liệu đến lắng nghe ý kiến đóng góp rồi gặp gỡ những cộng sự đã từng một thời sát cánh bên ông Thanh, những người thân đã gắn bó với ông trọn đời, thậm chí cả những người dân có thể đã gặp hoặc chưa một lần gặp ông trực tiếp, tất cả họ đều có chung một nhận xét: Nếu không có ông Bá Thanh "đánh thức" Đà Nẵng, liệu thành phố còn như võ sỹ "múa gậy gầm giường" biết bao lâu nữa.

Cuốn sách dày 392 trang, với phần 1 nói về quê hương nơi đã sinh ra một người con mạnh mẽ và trở thành vị lãnh đạo có tâm, tầm, tài ngay từ khi còn rất trẻ. Phần 2 là trọng tâm với những đột phá mang dấu ấn Nguyễn Bá Thanh khi ông giữ cương vị lãnh đạo thành phố, đưa Đà Nẵng tiến những bước ngoạn mục trong hai thập niên qua, và vì thế mà đến nay người dân Đà Nẵng vẫn thường truyền nhau rằng: Cái được lớn nhất của Đà Nẵng là có vị lãnh đạo như Nguyễn Bá Thanh và cái được lớn nhất của đồng chí Nguyễn Bá Thanh chính là được lòng dân". Phần 3 thể hiện một khoảng lặng, chứa đựng rất nhiều cung bậc cảm xúc, tình cảm của người thân, bạn bè, cộng sự dành cho ông Nguyễn Bá Thanh. Mỗi bài viết là một câu chuyện, qua 22 bài viết dung dị đã phác thảo ra một chân dung Nguyễn Bá Thanh giản dị, chân thành, tình nghĩa trong cuộc sống đời thường nhưng lại kiên quyết, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành.

Trong phần 3 này, có lẽ xúc động hơn cả  là những kỷ niệm, ký ức về ông Nguyễn Bá Thanh qua lời kể của gia đình, người thân. Đó là những kỷ niệm giản dị, chan chứa tình nghĩa vợ chồng qua lời kể của bà Lê Thị Quý (vợ ông Thanh), là kỷ niệm rưng rưng nước mắt qua bài thơ gửi ba của con gái Hoài An, là kỷ niệm sâu đậm với người em trai Nguyễn Bá Bình. Đây là những câu thơ mà Hoài An viết khi ông Thanh mất: Có một điều con luôn tự hào và mỉm cười/Là ba yêu và lo cho má con vô hạn/Mặc dù má hay kể ba không phải người lãng mạn/Hồi yêu nhau, họ tặng hoa, ba tặng mấy ký thịt bò/Ba lúc nào trước hết cũng lo cho má và hai con/Luôn dặn dò anh và con cẩn thận giao thông, tệ nạn/Có chuyện gì, ba thần kinh thép còn chịu được/Chớ má tụi bây suy sụp, đổ bệnh liền".

Còn đây là những kỷ niệm xúc động qua lời kể của người em trai: "Mười ngày trước khi mất, anh gọi tôi đến bên anh, lúc ấy chỉ còn hai anh em, anh căn dặn tôi rất nhiều việc phải làm cho mồ mả, gia tộc... và câu nói cuối cùng của anh mà tôi không thể nào quên được: "Không có anh, em phải khôn lên". Hoặc kỷ niệm khác: "Anh dắt chiếc xe Honda 67 ra định chở tôi đi ăn sáng nhưng sờ lại tiền thì không đủ cho cả hai anh em nên anh dắt xe vào, suy nghĩ mãi lại dắt xe ra, sau đó lại dắt xe vào, cứ mấy lần như vậy rồi thì anh bảo tôi đi ăn một mình, tôi không đành lòng nên cuối cùng anh lại dắt xe vào và hai anh em cùng nhịn ăn sáng". Một kỷ niệm khác được ông Bình kể: "Tôi nhớ có lần theo anh lên HTX Hòa Nhơn, tối không có giường ngủ, hai anh em tôi cùng ngủ trên chiếc bàn làm việc của anh, anh đã làm mấy câu thơ mà đến nay tôi nhớ mãi: "Đời Chủ nhiệm thật là sang/Ngày ăn mắm cái, tối ngủ bàn/Bàn ngắn, người dài thật là khổ/ Lấn cả thằng em rớt xuống sàn".

Bức ảnh ông Nguyễn Bá Thanh giản dị ngồi vỉa hè đánh cờ với người dân rất nổi tiếng
nay đã được chính người đánh cờ với ông Thanh trong bức ảnh tặng lại
cho con trai ông, anh Nguyễn Bá Cảnh.

Con trai ông Thanh tặng hoa cảm ơn soạn giả Kim Thành.

Một nén tâm nhang

 Nhà sử học Dương Trung Quốc viết: "Những bài viết không to tát, những cảm nghĩ rất đời thường, những kỷ niệm thật khó quên... của những người viết thuộc nhiều tầng lớp xã hội, nghề nghiệp khác nhau, chỉ là những nén hương thơm góp lại thành một bó hương tưởng nhớ tới người vừa mới chia tay chúng ta, những người thân và những người còn nhớ tới Nguyễn Bá Thanh như một phần ký ức của mình mỗi khi nghĩ tới Đà Nẵng thân yêu của Ông, đến nay vẫn không ngừng phát triển...".

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí nói, việc giới thiệu tác phẩm viết về Nguyễn Bá Thanh nhân kỷ niệm 1 năm ngày mất của ông là một việc giàu ý nghĩa, nên làm, phải làm, thể hiện tình cảm của chúng ta với quê hương, với ông Thanh. Càng đặc biệt hơn khi người soạn cuốn sách này "không có bà con gì ở Đà Nẵng", chỉ xuất phát từ tình cảm khâm phục, ngưỡng mộ ông Thanh. Cũng theo ông Trí, viết về ông Thanh chắc không có sách vở nào viết hết, viết đủ, nhưng mỗi tác phẩm là một góc nhìn. Ông Thanh trên các cương vị lãnh đạo, quản lý từ cấp cơ sở hay cấp trên cơ sở đều là người sắc sảo, có tầm nhìn vượt trước thời gian. Về phương diện đời thường, ông Thanh là người giản dị, chân thành, đến người đạp xích lô, xe thồ hay du khách chỉ một lần tiếp xúc với ông đều quý mến, ngưỡng mộ. Lối sống và cách hành xử của ông Thanh mang đậm phong thái của người xứ Quảng, đôi khi mộc mạc đến thô ráp.

Ông Trí nói: "Anh là người chân thành, giản dị nhưng không đơn giản và đặc biệt không có ngõ ngách nào của cuộc sống với những lừa lọc, lươn lẹo qua được mắt anh. Anh có thể thân với người này, trông cậy vào người kia, nhưng tuyệt nhiên không phụ thuộc, lệ thuộc vào ai". Phó Bí thư Võ Công Trí cũng đánh giá, trong nhiều năm qua trên từng con phố, trên mỗi công trình, trên mỗi bước chân đi ở TP Đà Nẵng đều in đậm hình bóng ông Thanh, nhất là những gia đình nghèo, những trẻ em không có điều kiện đến trường, những phụ nữ đơn thân, đối tượng hoàn lương... Một năm trôi qua, người già, người trẻ vẫn chưa nguôi ngoai nỗi nhớ, nỗi đau và sự thương tiếc về ông Thanh. Trong nguồn mạch cảm xúc ấy, Đà Nẵng rất trân trọng tác phẩm của soạn giả Kim Thành, để tưởng nhớ đến ông Nguyễn Bá Thanh- một người con của Đà Nẵng vừa bỏ lại sau lưng bao hoài bão, khát vọng vì một Đà Nẵng đáng sống.

Hải Quỳnh

* Một mẩu chuyện mà soạn giả Kim Thành kể khá xúc động khi thực hiện cuốn sách, liên quan tới HLV Lê Huỳnh Đức. Chị kể: Qua một vài câu giới thiệu, Đức đã vui vẻ nhận lời và bảo "trong lúc khó khăn, chú Nguyễn Bá Thanh đã nhận và giúp đỡ để em có được như ngày hôm nay. Bây giờ nghe tin có người viết về chú Thanh, giúp được gì là em làm liền. Chúng tôi nói chuyện qua điện thoại hơn 1 giờ đồng hồ, trong lúc Đức đang bị sốt, vì em bảo, nếu khỏe, em lại bận công việc nay đây mai đó, sợ không kịp tiến độ của chị. Đức kể cho tôi nghe tại sao em đến với Đà Nẵng, tại sao ngưỡng mộ chú Thanh, và chú còn thương em như con cho đến lúc tiếng của Đức bé dần vì họng em bị rát...

* Chia sẻ kỷ niệm về ông Nguyễn Bá Thanh nhân buổi ra mắt cuốn sách, Giám mục Châu Ngọc Tri nói: "Trong 8 năm có 2 lần ông Thanh tới Tòa giám mục ăn cơm cùng tôi, lần nào cũng trò chuyện rất lâu, hơn 2 giờ đồng hồ. Lần cuối cùng là lúc ông Thanh chuẩn bị ra Hà Nội nhận nhiệm vụ mới. Tôi phân vân mãi cuối cùng quyết định tặng ông một món quà, là bức tranh với lời trích dẫn "Trong anh em ai muốn làm lớn hãy phục vụ mọi người". Sau đó ông Thanh có gọi điện lại nói lời cảm ơn giám mục đã tặng lời quý báu đó. Nhưng đâu ngờ đây là lần cuối cùng tôi gặp ông".