Nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng: Tái lập HĐND huyện, quận, phường, tốc độ phát triển phải nhanh hơn trước!

Thứ bảy, 27/02/2016 09:51

(Cadn.com.vn) - Từ năm 2009, Đà Nẵng là một trong 10 địa phương thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, bộ máy gọn lại, thành phố vẫn giữ được tốc độ phát triển trên nhiều mặt. Nay thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương(TCCQĐP), TP Đà Nẵng sẽ tái lập tổ chức HĐND huyện, quận, phường nhưng phải làm sao để tốc độ phát triển của thành phố phải nhanh hơn trước chứ không được bằng. Đó là yêu cầu  chất lượng của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Báo Công an TP Đà Nẵng trao đổi với ông Đặng Công Ngữ, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng về vấn đề này.

Ông Đặng Công Ngữ, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ, nguyên Chủ tịch UBND H. Hoàng Sa.

P.V: Thưa ông Luật Tổ chức chính quyền địa phương có những điểm mới nào nổi bật?

Ông Đặng Công Ngữ: Thứ nhất, về đơn vị hành chính: Luật TCCQĐP xác định các đơn vị hành chính gồm có tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; xã, phường, thị trấn và đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.

Thứ hai, về tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính: Điều 4 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định cấp chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính gồm có HĐND và UBND. Chính quyền địa phương ở nông thôn gồm chính quyền địa phương ở tỉnh, huyện, xã. Chính quyền địa phương ở đô thị gồm chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc trung ương, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phường, thị trấn.

Đối với HĐND: Luật quy định rõ hơn về cơ cấu tổ chức của HĐND tạo cơ sở pháp lý để củng cố, hoàn thiện tổ chức và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp. Về cơ cấu tổ chức của HĐND, Luật TCCQĐP quy định HĐND thành phố trực thuộc trung ương được thành lập thêm Ban đô thị vì đây là những đô thị tập trung, có quy mô lớn, mức độ đô thị hóa cao và có nhiều điểm đặc thù khác với các địa bàn đô thị thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Đối với UBND: Về cơ cấu tổ chức của UBND, tất cả người đứng đầu của các cơ quan chuyên môn của UBND đều là ủy viên của UBND. Đây là quy định nhằm phát huy trí tuệ tập thể của các thành viên UBND, tăng cường hiệu lực giám sát của HĐND đối với UBND cùng cấp thông qua cơ chế lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu.

Thứ ba, về việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính: Luật TCCQĐP quy định khi có trên 50% tổng số cử tri trên địa bàn đồng ý với đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính thì cơ quan xây dựng đề án mới được hoàn thiện đề án, trình HĐND các cấp thông qua chủ trương. Luật còn bổ sung quy định về thẩm quyền đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính và giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính giữa các đơn vị hành chính. Theo đó, Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh; đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính cấp tỉnh; giải quyết tranh chấp liên quan đến địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; giải quyết tranh chấp liên quan đến địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Thứ tư, về cơ cấu tổ chức HĐND, Trưởng các Ban của HĐND cấp tỉnh, huyện có thể hoạt động chuyên trách, Phó trưởng ban HĐND cấp tỉnh, cấp huyện hoạt động chuyên trách. Trưởng, Phó ban của HĐND cấp xã hoạt động kiêm nhiệm. Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện (số lượng là 2) và Phó Chủ tịch HĐND cấp xã (số lượng là 1) hoạt động chuyên trách.

Về các Ban của HĐND cấp xã, đây là quy định mới, gồm Ban pháp chế và Ban kinh tế - xã hội, Trưởng ban, Phó trưởng ban và các thành viên khác của Ban của HĐND hoạt động kiêm nhiệm; Trưởng ban không nằm trong Thường trực HĐND nên không dẫn đến tăng biên chế và bộ máy ở cấp xã. Luật quy định Thường trực HĐND phê chuẩn Ủy viên của các Ban của HĐND theo đề nghị của Trưởng ban; HĐND chỉ tiến hành bầu Trưởng ban, Phó trưởng ban. Ban Đô thị của HĐND chỉ tổ chức ở thành phố trực thuộc trung ương vì đây là những đô thị tập trung, có quy mô lớn, mức độ đô thị hóa cao và có nhiều điểm đặc thù khác với các địa bàn đô thị đơn lẻ khác là thị xã, thành phố thuộc tỉnh. 

Thứ năm, Cơ cấu Thường trực HĐND tỉnh gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Trưởng các Ban và Chánh Văn phòng HĐND; Thường trực HĐND cấp huyện gồm Chủ tịch, hai Phó Chủ tịch và Trưởng các Ban của HĐND. Luật cũng quy định rõ cơ cấu tổ chức chính quyền địa phương ở nông thôn và đô thị và hải đảo, vùng kinh tế xã hội đặc biệt.

Thứ sáu, về cơ cấu tổ chức của UBND: Một điểm mới đáng chú ý khác là luật đã bổ sung những điểm mới nhằm quy định chi tiết hơn về số lượng, cơ cấu thành viên UBND, nguyên tắc hoạt động của UBND; phiên họp UBND; phạm vi, trách nhiệm giải quyết công việc của các thành viên UBND. Theo đó, cơ cấu tổ chức và hoạt động của UBND có những nội dung mới. Trong đó, nổi bật là việc quy định số lượng Phó Chủ tịch UBND các cấp theo phân loại đơn vị hành chính.

Theo quy định của Luật, thì cơ cấu UBND bao gồm người đứng đầu của các cơ quan chuyên môn của UBND nhằm phát huy trí tuệ tập thể của các thành viên UBND, tăng cường hiệu lực giám sát của HĐND đối với UBND cùng cấp thông qua cơ chế lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu. Thành phần của UBND các cấp gồm người đứng đầu các cơ quan chuyên môn của UBND và quy định rõ 1 Ủy viên phụ trách quân sự và 1 Ủy viên phụ trách công an để phụ trách về các lĩnh vực hoạt động quan trọng này ở địa phương.

Thứ bảy, một trong những điểm mới của luật là phân định thẩm quyền giữa trung ương, địa phương và giữa các cấp chính quyền nhằm cụ thể hóa Điều 112 Hiến pháp năm 2013. Theo đó, để tạo cơ sở pháp lý cho việc phân quyền, phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương, Luật đã quy định các nguyên tắc phân định thẩm quyền, các trường hợp phân quyền, phân cấp, ủy quyền.

Thứ tám, Luật đã quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính theo hướng chủ yếu tập trung ở cấp tỉnh, giảm dần xuống cấp huyện đến cấp xã để tránh tình trạng dồn việc về cấp cơ sở mà không tính đến khả năng đáp ứng của từng cấp chính quyền; nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở địa bàn nông thôn tập trung thực hiện quản lý theo lãnh thổ; ở địa phương đô thị chú trọng thực hiện quản lý theo ngành, lĩnh vực. Luật quy định chung về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương phải thực hiện như tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn; quyết định những vấn đề của địa phương trong phạm vi được phân quyền, phân cấp; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan hành chính nhà nước cấp trên ủy quyền... Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND trên các lĩnh vực nhằm thể hiện rõ sự gắn kết chặt chẽ, thống nhất giữa hai thiết chế HĐND và UBND hợp thành chính quyền địa phương. Đặc biệt, luật đã quy định nhiệm vụ, quyền hạn đặc trưng của chính quyền đô thị nhằm thể hiện sự khác biệt với chính quyền nông thôn.

* Trên cơ sở kết quả hiệp thương lần 1 của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng, Thường trực HĐND TP khóa VIII vừa tiến hành điều chỉnh cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở thành phố được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND thành phố khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021. Theo đó, tổng số đại biểu HĐND thành phố khóa IX được bầu là 50 đại biểu. Tổng số người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND thành phố khóa IX ít nhất là 94 người, tăng 6 người được dự kiến tại Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố. Số lượng đại biểu HĐND thành phố khóa IX đại diện cho các quận, huyện được cơ cấu đủ đại diện của 8 quận, huyện. Như vậy, H. Hoàng Sa sẽ có đại diện trong HĐND thành phố Đà Nẵng khóa IX.

P.V: Thưa ông, trước đây ta ủng hộ việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường nay thực hiện Hiến pháp 2013 và Luật TCCQĐP chúng ta sẽ tái lập HĐND huyện, quận, phường thông qua cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 sắp đến. Như vậy phải làm gì để đảm bảo cuộc bầu cử tái lập HĐND huyện, quận, phường đảm bảo chất lượng, không rơi vào hình thức?

Ông Đặng Công Ngữ: Làm gọn bộ máy, giảm tầng nấc trung gian để tăng hiệu lực, hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước là xu thế chung của sự phát triển. Thực tiễn đã chứng minh từ năm 2009, Đà Nẵng là một trong 10 địa phương thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, bộ máy gọn lại, giảm họp, tiết kiệm ngân sách hàng chục tỉ đồng mỗi năm. Thành phố vẫn giữ được tốc độ phát triển trên nhiều mặt, hiệu lực, hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước vẫn đảm bảo. Tại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, ta sẽ tái lập lại HĐND huyện, quận, phường với những điểm mới như tôi đã nói. Vậy thì không có lý do gì mà tốc độ phát triển của thành phố không nhanh hơn trước. Nếu chỉ bằng với lúc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường thì không thể nói là thành công. Vì vậy phải làm tốt công tác tư tưởng vì sao cần tái lập HĐND huyện, quận, phường để tổ chức tốt cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp, đặc biệt là bầu được những đại biểu HĐND huyện, quận, phường thật sự chất lượng.

P.V: Ông có bình luận gì về kết quả hiệp thương lần thứ nhất thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu HĐND thành phố khóa IX, Ủy ban MTTQ Việt Nam đã biểu quyết để có một đại diện H. Hoàng Sa trong HĐND thành  phố ?

Ông Đặng Công Ngữ: Tôi rất đồng tình với kết quả này. Đây là việc cần phải làm từ rất lâu rồi, nay không thể trì hoãn được nữa. Quan điểm đấu tranh bảo vệ chủ quyền của ta đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa là bằng biện pháp ngoại giao trên cơ sở luật pháp quốc tế. Việc cơ cấu một đại diện H. Hoàng Sa trong HĐND thành phố chính là cụ thể hóa quan điểm này. Bên cạnh đó cần phải tiến hành tách một số phường để có thực thể đơn vị hành chính cũng như bộ máy chính quyền của H. Hoàng Sa hoạt động bình thường như các quận, huyện khác.

Minh Chính
(thực hiện)