Nguyễn Quang Sáng - cây đại thụ văn chương bên bờ sông Tiền
(Cadn.com.vn) - Như tin đã đưa chiều 13-2, nhà văn Nguyễn Quang Sáng - cây bút hàng đầu thuộc dòng văn học cách mạng Việt Nam, đã qua đời ở tuổi 82. Ông ra đi để lại một văn nghiệp đồ sộ, nồng thắm tình yêu quê hương, con người, đất nước Việt Nam và những tác phẩm này đã ăn sâu và sẽ còn sống mãi trong trái tim độc giả.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng |
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng sinh ngày 12-1-1932 tại làng Mỹ Luông bên bờ sông Tiền, thuộc H. Chợ Mới, tỉnh Long Xuyên nay là An Giang. Cha làm chủ một lò thợ bạc, từng kết thân với nhà cách mạng Châu Văn Liêm khi ông về hoạt động cách mạng ở đây. Làng quê Nguyễn Quang Sáng là suối đường cho cả một vùng của H. Chợ Mới, ai muốn đi Sài Gòn cũng phải đến chợ làng này để đón tàu. Tiếng kèn xe hơi và tiếng vó ngựa gõ trên mặt đường đã trở thành âm thanh quen thuộc của tuổi thơ ông. Làng Mỹ Luông ấy vừa là nơi chôn nhau cắt rốn, vừa là quê hương văn học của Nguyễn Quang Sáng, mà hầu như tất cả các nhân vật của ông đều được đưa về “sống” ở làng cho “họ” tắm sông Cửu Long, hay đi trên con đường giữa vườn đầy hoa trái.
Năm 14 tuổi, ông đã đi bộ đội. Từ 1948-1950, ông học trung học và bắt đầu làm thơ, viết kịch. Truyện ngắn Con chim vàng, tác phẩm đầu tay được người đọc chú ý vì cách viết tự nhiên, giản dị. Cuộc sống chiến đấu và nhiều kỷ niệm sâu sắc, đẹp đẽ đã thôi thúc Nguyễn Quang Sáng tiếp tục cầm bút. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, năm 1966, ông trở về chiến trường miền Nam với bút danh Nguyễn Sáng. Cả đời ông chuyên sáng tác văn học, ông có cách viết truyện ngắn độc đáo, chi tiết, sống động, tình huống bất ngờ, ngẫu nhiên nhưng tự nhiên, hợp lý, không gượng ép, có nhiều kịch tính.
Ông nói, viết thế nào thì tùy từng người. Riêng ông hình thành truyện trong đầu từng chi tiết, lắm khi cả câu chữ nữa, tới khi thấy thật chín rồi, ngồi vào bàn chép “cái ào” là xong. Nhà văn nói “cái ào” rất Nam Bộ như vậy. Cả đời cầm bút nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã có một “gia tài” đầy thán phục với đủ các thể loại: Truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký, kịch bản phim... Ông là một trong những nhà văn Nam Bộ tiêu biểu của thế kỷ XX, là cây đại thụ bên bờ sông Tiền.
Ông bà ta thường nói: Ngọc quý tự nó phát ra ánh sáng và phô ra vẻ đẹp. Những tác phẩm của Nguyễn Quang Sáng đã và sẽ nói lên điều đó. Ngày đau buồn tiễn ông về cõi vĩnh hằng, về với dòng sông thơ ấu của mình, nhiều người lại nhớ về những tác phẩm nổi tiếng: Con chim vàng; Người quê hương; Nhật ký người ở lại, Đất lửa; Chiếc lược ngà; Bông cẩm thạch; Cái áo thằng hình rơm; Mùa gió chướng; Bàn thờ của một cô đào; Tôi thích làm vua; con mèo Furica; Dòng sông thơ ấu; Tổ quốc tiếng gà xưa; Con gà trống; Con khỉ mồ côi... Ông nguyên là Phó Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam và Tổng thư ký Hội Nhà văn TPHCM nhiều khóa, được giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (năm 2000); Huy chương vàng liên hoan phim Moscow (1981) cho kịch bản phim "Cánh đồng hoang" và rất nhiều giải thưởng cao quý khác...
Nhiều lần tôi gợi ý với nhà văn Nguyễn Quang Sáng rằng ông nên viết hồi ký. Nếu không viết ra thì ngay đến người thân ruột thịt cũng không sao hiểu được mình đã làm gì và tại sao để cả đời say mê làm mỗi một việc như vậy. Ông từ chối thẳng thừng: “Hồi ký là phải trung thực. Nhưng vì nhiều lý do, có mấy ai trung thực một trăm phần trăm đâu. Tôi thấy ai viết hồi ký cũng cho mình là ngon hết trơn, mà thật sự mình có ngon đâu. Khó lắm! Với tôi tính chất của hồi ký nằm rải rác trong tất cả các tác phẩm của tôi. Vậy cũng đủ rồi!”. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng là người Nam Bộ, luôn lấy ngực để ở với đời. Trái tim ông để trên lòng bàn tay. Ông làm việc hết mình, mà chơi cũng hết mình! Nhậu càng hết mình. Nhiều anh em bạn bè gọi ông là “ đại ca” là vì vậy.
Nhân Ngày thơ Việt Nam lần thứ XII năm nay tại TPHCM, tôi xin nhắc lại câu chuyện thơ của Nguyễn Quang Sáng. Chúng ta chỉ biết Nguyễn Quang Sáng qua văn xuôi, nhưng ta khá ngạc nhiên thấy ông viết bài thơ “Rượu” trong tập thơ giấy dó bán đấu giá trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ V của ban thơ hiện đại, Hội Nhà văn TPHCM (thu được 286 triệu đồng) làm quà tặng trẻ em nhiễm chất độc da cam.
Nhiều người hỏi ông về bài thơ này, ông nói: “Tôi làm thơ từ nhỏ, nhưng thơ tôi dở, không dám đưa in, đành quay sang viết văn xuôi, “Rượu” là một trong những bài thơ dở của tôi”. Chúng ta hãy đọc lại bài thơ đó như ly rượu biệt ly, tiễn ông: Trong mâm rượu/Nếu nói xấu người vắng mặt/Rượu sẽ thành thuốc độc/Trong mâm rượu/Nhắc nhớ người vắng mặt/Rượu sẽ thành nước thánh/Ta rót vào hồn nỗi nhớ thương. Có một nhà thơ nói rất nghiêm túc: “Nguyễn Quang Sáng cho đây là “một trong những bài thơ dở nhất” khiến anh không làm thơ nữa mà chuyển qua viết văn xuôi. Nếu được phép đổi chục bài thơ “hay” khác lấy một bài thơ dở này, tôi cũng đổi”.
Trần Thanh Phương