Nguyễn Sáng–danh họa có tranh được công nhận bảo vật quốc gia

Thứ ba, 14/01/2014 10:11

(Cadn.com.vn) - Cùng với các họa sĩ Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí, họa sĩ Nguyễn Sáng là một trong 4 tác giả vừa được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận tác phẩm mỹ thuật là bảo vật quốc gia (trong số 37 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia, đợt 2). Tuy nhiên, trước đó, hầu hết những tác phẩm của ông cũng đã được xem là vốn quý của nền mỹ thuật Việt Nam, bởi nó gắn liền với lịch sử cách mạng, lịch sử nghệ thuật của dân tộc.

Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ được công nhận là bảo vật quốc gia.

Họa sĩ Nguyễn Sáng sinh ngày 1- 8-1923. Quê xã Điều Hòa, H. Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Ông mất ngày 16-2-1988 tại TPHCM. Từ năm 1936–1938, ông học Trường mỹ thuật Gia Định. Năm 1939,  ông thi đỗ vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa 14 (1940 - 1945). Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, các tác phẩm chính của Nguyễn Sáng chủ yếu là những ghi chép. Hai tác phẩm đáng ghi nhớ nhất của ông là bức Tình quân dân, khắc gỗ màu năm 1951; tác phẩm Giặc đốt làng có thể coi là sáng tác sơn dầu có kích thước lớn và hoàn chỉnh nhất của ông trong hoàn cảnh kháng chiến hết sức khó khăn, thiếu thốn. Năm 1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc, ông vẽ minh họa cho báo Văn, báo Tổ quốc, tạp chí Văn nghệ và sáng tác các tác phẩm với nhiều chất liệu về tranh phong cảnh, chân dung phụ nữ và trẻ em và các đề tài khác.

Trong đó Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ là tác phẩm được giới chuyên môn đáng giá cao nhất về kỹ thuật sơn mài truyền thống của Nguyễn Sáng, đậm chất sử thi và chất anh hùng ca. Bức tranh cuối cùng của Nguyễn Sáng và cũng là  bức tranh đắt nhất đời sáng tác của ông, khi được một doanh nhân người Mỹ trả giá 1 triệu đô la, có tên là “Vũ trụ”. Bức tranh từng được Nguyễn Sáng giới thiệu ở triển lãm cá nhân duy nhất của ông tại Hà Nội năm 1984. Tại triển lãm này, “Vũ trụ” vượt lên trở thành một bức tranh lạ, được trả giá rất cao nhưng Nguyễn Sáng chỉ bán cho người bạn tri âm Phạm Văn Bổng với giá hữu nghị...

 Tính đến trước ngày qua đời, số lượng tranh của Nguyễn Sáng để lại không nhiều, bởi như trong nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã ghi: “Nghĩ thương cho Sáng không có thuốc (màu nước, thuốc nước), không có màu để vẽ, trong khi đó có nhiều họa sĩ có thuốc mà không vẽ, chỉ để thỉnh thoảng mở ra ngắm. Và thảm hơn, để đem bán...”. Vậy mà, trong nhiều năm qua, Nguyễn Sáng là một trong những danh họa Việt Nam có nhiều tác phẩm bị giả mạo lưu hành trên trường quốc tế nhiều nhất. Nhà sưu tập Gérard Chapuis, người đang lưu giữ nhiều tranh gốc của danh họa Việt Nam, cũng cho rằng: “Hiện nay, trên thị trường tìm được tranh của Nguyễn Sáng là rất hiếm, bởi vậy nếu phát hiện được tranh nào của ông, chúng ta nên giới thiệu để công chúng tìm hiểu, thưởng ngoạn”.

Là một trong các danh họa bậc nhất của Việt Nam, thế nhưng cho đến cuối đời, Nguyễn Sáng luôn là người túng quẫn và cô độc. Tại lễ tang ông, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết: “Tôi chưa bao giờ đến viếng một đám tang nào lặng lẽ, cô đơn đến thế. Đêm tối càng làm cho cái thân xác nằm yên trong những tấm gỗ hòm trơ trọi hơn thêm. Tội cho anh Sáng quá. Tranh của anh thì hào hoa mà đời rượu của anh thì tồi tàn tội nghiệp quá thể”. Còn nhà điêu khắc Diệp Minh Châu đọc điếu văn, kể lại một chuyện đùa của Nguyễn Sáng: “Khi liệm tôi, các ông trổ hai lỗ tròn ở hai vách áo quan để hai bàn tay tôi thò qua đó cho thiên hạ biết rằng khi vào đời Nguyễn Sáng chỉ có hai bàn tay không và khi ra đi cũng vậy”.

Trần Trung Sáng