Nguyễn Trần Thiên Lộc: “Tôi viết truyện cho thiếu nhi và làm thơ cho người lớn”

Thứ năm, 07/11/2013 13:07

(Cadn.com.vn) - Nguyễn Trần Thiên Lộc sinh năm 1990 tại Quy Nhơn, Bình Định, cựu sinh viên Khoa Ngôn ngữ & Văn học - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn học. Từ khi học lớp 7, Thiên Lộc đã bắt đầu viết văn. Năm đó, Lộc đoạt giải nhì cuộc thi viết thư Quốc tế UPU tại tỉnh Bình Định. Tác phẩm Kèng kẹc học chữ của chàng sinh viên này đoạt giải ba (không có giải nhất, nhì) cuộc thi “Thiên nhiên, môi trường, khuyến đọc, bình đẳng giới và các nghề thủ công truyền thống” của Room to Read phát động năm 2012. Những tác phẩm xuất bản của Nguyễn Trần Thiên Lộc: Lắng nghe muông thú, Những cuộc phiêu lưu của Mũi Đỏ và Răng Nhỏ (in riêng), Cà-phê Văn Khoa, Truyện ngắn 1.200 chữ (in chung)…

Tôi biết anh từ 4 năm trước khi tham gia CLB Văn học của trường, anh là chủ nhiệm CLB. Ai đã một lần tiếp xúc với anh hẳn sẽ ấn tượng bởi sự dí dỏm, hài hước mà cũng vô cùng thâm thúy. Là con trai của nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng và nhà văn Trần Thị Huyền Trang (Hội nhà văn tỉnh Bình Định), Nguyễn Trần Thiên Lộc có cơ duyên với văn chương từ rất sớm. Mới học cấp 2 anh đã có thiên hướng sáng tác nhưng từ khi trở thành sinh viên khoa Văn, anh mới có dịp bung tỏa hết đam mê với văn chương. Ở anh tôi luôn thấy một sự mâu thuẫn đồng thời cũng vô cùng thống nhất giữa một tâm hồn trẻ thơ và sự già dặn của một con người luôn suy tư, chiêm nghiệm mọi thứ quanh mình.

Ngay từ khi mới viết, Nguyễn Trần Thiên Lộc đã bỏ công cày xới, thâm canh trên mảnh đất văn học thiếu nhi. Như một chuyến tàu ngược thời gian, truyện của anh đưa ta lạc vào thế giới đồng thoại, những miền quê của Việt Nam với những nhân vật là con vật bé nhỏ, hiền lành. Trong khi những cây bút trẻ ngày nay có xu hướng viết về sự trải nghiệm, về sự lạc lõng cô đơn giữa cuộc đời thì riêng mình anh chọn cho mình một ô cửa khác.

Nguyễn Trần Thiên Lộc trong ngày tốt nghiệp.

Như một sứ mệnh, anh không phải chỉ viết cho mình mà còn tạo ra một cánh đồng mênh mông của tuổi thơ, nơi những người lớn cũng khát khao được quay lại. Trong những trang viết của anh ta thấy hiện lên sự trong trẻo của đôi mắt lần đầu tiên tiếp cận với thế giới. Đó là đôi mắt an lành chưa bị thế giới hỗn tạp chạm tới. Hay cũng có khi cái phần “nghiêm nghị” trong anh không cho phép làm phương hại đến sự an lành của thế giới trẻ thơ. Những ai đã đọc, đã yêu truyện đồng thoại của Nguyễn Trần Thiên Lộc đều thấy rằng anh như chú dế mèn trong truyện Tô Hoài, đi qua những trường đời bằng tấm lòng đầy bỡ ngỡ nhưng rất mực chân thành. Chăm bón cho mảng văn học này là một quá trình đầu tư và đam mê không mệt mỏi...

Đã 5 năm qua kể từ khi cuốn sách Lắng nghe muông thú của anh xuất bản đầu tiên đánh dấu con đường văn chương chuyên nghiệp của Nguyễn Trần Thiên Lộc. Quãng thời gian đó không phải là dài trong nghiệp viết nhưng cũng đủ để chúng ta thấy được một tài năng với sự đầu tư nghiêm túc và một khát khao cháy bỏng được cống hiến. Sau bước dạm ngõ ấy với nhiều sự khen ngợi, anh dừng lại một thời gian để lắng nghe dư vị của cuốn truyện với bạn đọc cũng như chuẩn bị cho mình những hành trang mới hơn.

Nguyễn Trần Thiên Lộc là một nhà văn nhưng thơ của anh lại được rất nhiều đồng môn khoa Văn  yêu thích. Anh làm thơ không nhiều nhưng mỗi một bài thơ đều là tiếng lòng thổn thức của một người trẻ với những tâm sự về nhân thế, cuộc đời. Anh bảo rằng viết văn cho thiếu nhi đã là đam mê cả đời của anh bởi chỉ có ở đó anh mới thấy mình tồn tại một cách chân xác nhất. Còn việc làm thơ, viết thơ là ngẫu hứng, anh muốn viết cho người lớn để họ không cảm thấy bơ vơ, và trong số những người lớn ấy có cả anh nữa.

Sau một thời gian thai nghén, cuốn truyện thiếu nhi “Những cuộc phiêu lưu của Mũi Đỏ và Răng Nhỏ” đã thực sự khẳng định tài năng và chỗ đứng của anh trong làng văn. Nhân vật của Nguyễn Trần Thiên Lộc đã chỉn chu hơn, hoàn thiện với những nét tính cách tinh nghịch mà cũng rất đáng yêu. Câu chuyện xoay quanh gia đình nhà chuột Mũi Đỏ và Răng Nhỏ với những người bạn Ánh Trăng, Thầy Cóc Cọt, Ong Phệ... Những chi tiết rất đời thường được anh miêu tả với góc nhìn hóm hỉnh.  Truyện như một cánh cổng dẫn vào thế giới an lành cổ tích, cứ mỗi bước chân lại một lần chạm ngõ tuổi thơ. Tắm mình vào không gian mát lành ấy thấy mình lại nhẹ nhàng, thanh thoát hơn mà cũng an lành hơn.

Vừa rồi anh có việc ghé Đà Nẵng, chúng tôi lại có dịp hàn huyên những câu chuyện vụn vặt không đầu không cuối như thời sinh viên. Tin chắc rằng chỉ một thời gian ngắn nữa thôi chuyến phiêu lưu mới của anh sẽ lại bắt đầu.

Hà Dung