Nhân kỷ niệm 50 năm ngày anh hùng Nguyễn Văn Trỗi hy sinh:

Nguyễn Văn Trỗi - tên anh vọng mãi

Thứ tư, 15/10/2014 08:33

(Cadn.com.vn) - Ngày 14-10, H. Điện Bàn phối hợp với Tỉnh đoàn Quảng Nam đã long trọng tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày anh hùng Nguyễn Văn Trỗi anh dũng hy sinh. Nửa thế kỷ đã trôi qua, song khí tiết và phẩm chất cách mạng người thanh niên Nguyễn Văn Trỗi vẫn còn vọng mãi.

Anh Trỗi hiên ngang ra pháp trường. (ảnh tư liệu).

Hãy nhớ lấy lời tôi!

Những ngày qua, người dân làng Thanh Quýt (Điện Thắng Trung) cùng nhau dọn dẹp đường làng, cờ Tổ quốc được cắm dọc lối đi, trong lúc đó đoàn viên thanh niên lo trang hoàng cho khu tưởng niệm anh hùng Nguyễn Văn Trỗi tại nghĩa trang H. Điện Bàn, tất cả cùng chờ đợi sự kiện quan trọng của quê hương, kỷ niệm 50 năm ngày anh Trỗi hy sinh. Vì thế mà những câu chuyện về anh Trỗi lại được kể cho nhau nghe. Trong căn nhà từng là nơi sinh sống của gia đình, bà Nguyễn Thị Thoàng (chị anh Trỗi) vẫn còn nhớ như in hình ảnh về người em mình.

Bà kể, ngày trước cuộc sống gia đình rất khó khăn, đến năm 1947 thì mẹ mất, cha tham gia cách mạng ở Sài Gòn, nên mình bà phải tất tả lo cho 3 đứa em nhỏ, trong đó có Nguyễn Văn Trỗi. “Còn nhỏ nhưng thằng Trỗi hiểu biết lắm, lo phụ tôi làm việc kiếm tiền. Sau tôi cho nó đi học nghề may ở Đà Nẵng, nhưng học được vài hôm thì nó không học nữa, nói rằng “nghề may là của con gái, chị bắt em đi học thì coi sao được, với lại con trai phải làm chuyện lớn lao”. Vào năm 1955, nó về xin tiền để đi Sài Gòn, tôi hỏi đi làm chi thì nó không nói, thấy em quyết tâm như thế nên tôi đã đưa 1200 tiền Đông Dương để nó đi tàu thủy vào Sài Gòn. Lúc đó nó chỉ mới 14 tuổi”, bà Thoàng nhớ lại.

Bà Thoàng đâu ngờ rằng chuyến đi đó là bước ngoặc trong cuộc đời người em nhỏ Nguyễn Văn Trỗi, tạo nên sự kiện chấn động địa cầu. “Trước khi hy sinh, Trỗi có gởi thư về cho tôi nói rằng nó đã dứt khoát tư tưởng rồi, khuyên tôi cứ yên tâm, đừng lo lắng gì hết. Lúc đó tôi có kêu cưới vợ nên nghĩ em mình nói về chuyện đó, chứ không ngờ là thực hiện nhiệm vụ cách mạng. Tôi nhớ vào năm 1963, Trỗi có về quê và khi qua thăm người anh cô bác thì Trỗi có khắc lên cây cau hàng chữ “kỷ niệm ngày về thăm anh, 15-10-1963” và nó đã hy sinh vào ngày 15-10, một năm sau đó”, bà Thoàng rơm rớm nước mắt kể.

Tuổi trẻ Quảng Nam tưởng niệm và tri ân sự hy sinh anh dũng của anh Nguyễn Văn Trỗi.

Năm 1964, Nguyễn Văn Trỗi được tập huấn cách đánh biệt động nội thành ở căn cứ Rừng Thơm (Đức Hòa -Long An). Anh được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ đặt mìn tại cầu Công Lý để ám sát phái đoàn quân sự chính trị cao cấp của Hoa Kỳ do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Robert McNamara dẫn đầu. Tuy nhiên kế hoạch bị bại lộ, anh cùng với đồng đội Nguyễn Hữu Lợi bị địch bắt vào sáng 9-5-1964. Dù bị đánh đập dã man, nhưng kẻ địch vẫn không lay chuyển được lòng trung kiên của anh, chính quyền Ngụy Sài Gòn đã kết án tử hình.

Để cứu anh, một tổ chức du kích Venezuela đã tổ chức bắt cóc trung tá không quân Hoa Kỳ là  Michael Smolen để đổi lấy sự tự do của anh Trỗi. Tuy nhiên, sau khi viên sĩ quan Hoa Kỳ vừa được trả tự do thì chúng lật lọng, vội vàng xử bắn anh. Nhưng cái chết không làm anh khiếp sợ, trước lúc làn đạn quân thù cắm vào lồng ngực,  anh Trỗi đã giật phắt mảnh băng đen trên mắt và hô to: “Hãy nhớ lấy lời tôi! Đả đảo đế quốc Mỹ! Đả đảo Nguyễn Khánh! Hồ Chí Minh muôn năm!  Hồ Chí Minh muôn năm!  Hồ Chí Minh muôn năm! Việt Nam muôn năm”.

Con gái của ông Ivan Emilio Turmero Crespo thắp hương tưởng nhớ anh Trỗi tại nhà riêng.

Lời anh vọng mãi

Những lời nói của anh Trỗi trên pháp trường đã được phóng viên truyền đi khắp thế giới, trở thành bất tử, biểu tượng của thế hệ thanh niên Việt Nam thời kỳ chống Mỹ, truyền cảm hứng cho nhiều phong trào đấu tranh giành độc lập trên thế giới. Tham dự lễ 50 năm ngày anh Trỗi hy sinh, ông Ivan Emilio Turmero Crespo – Bí thư thứ 2, Đại sứ quán Venezuela tại Hà Nội tâm sự: “Tôi có hai đứa con và đều cho chúng học tại Việt Nam, hôm nay tôi đã đưa con mình đến dự buổi lễ này để chúng có thể học tập tấm gương của anh Trỗi. Cái chết của anh Trỗi không chỉ thể hiện ý chí kiên cường của dân tộc Việt Nam mà nó còn truyền cảm hứng đấu tranh cho thanh niên trên khắp thế giới, trong đó có thanh niên Venezuela”.

Trong nhiều tư liệu và hình ảnh được trưng bày trong nhà lưu niệm anh Nguyễn Văn Trỗi,  có một hình ảnh khiến người xem xúc động, đó là cuốn nhật ký của một liệt sĩ khuyết danh đã hy sinh, trong đó có bức ảnh anh Trỗi hiên ngang trước pháp trường và dưới đó là dòng chữ “một anh Trỗi ngã xuống, sẽ có hàng nghìn anh Trỗi khác đứng lên”.

Ngày 14-10, tại Nhà lưu niệm anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, H. Điện Bàn phối hợp với Tỉnh đoàn Quảng Nam long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm ngày anh hy sinh (15-10-1964 - 15-10-2014). Dự lễ có Ngài Ivan Emilio Turmero Crespo - Bí thư thứ 2, đại diện Đoàn Đại sứ quán nước Cộng hòa Bolivaria de Venezuela tại Hà Nội.

Dịp này, Tỉnh đoàn Quảng Nam phối hợp với UBND H. Điện Bàn tổ chức tổng kết trao thưởng cuộc thi tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi; H. Điện Bàn cũng phát động cuộc thi sáng tác tượng đài anh Trỗi đặt tại công viên Thanh niên Điện Bàn để chào mừng H. Điện Bàn công nhận thị xã vào năm 2015.

Th. Hà

Quả vậy, khí tiết và lòng can đảm của anh Trỗi đã thôi thúc bao lớp thanh niên Việt Nam lên đường tranh đấu để giành độc lập cho nước nhà. Và đến bây giờ, vẫn là biểu tượng cho nhiệt huyết và cống hiến của thanh niên. Bạn Lê Thanh Nhân (Duy Trung – Duy Xuyên – Quảng Nam), đạt giải nhất trong cuộc thi tìm hiểu về anh Nguyễn Văn Trỗi tâm sự: “Càng tìm hiểu về cuộc đời của anh Trỗi, em càng cảm phục lòng dũng cảm, quên thân vì đất nước của anh. Vì độc lập dân tộc, anh sẵn sàng hy sinh mà chẳng đòi hỏi điều gì cho riêng mình, điều đó thôi thúc thế hệ thanh niên chúng em bây giờ phải lao động, sản xuất tốt hơn, góp phần xây dựng quê hương, đất nước”.

Nửa thế kỷ đã trôi qua, hình ảnh người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi vẫn sống mãi trong lòng người dân và dân tộc. Như lời Bác Hồ từng nói - “Vì Tổ quốc, vì nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của anh hùng Trỗi là một tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước, nhất là cho các cháu thanh niên học tập”.

Hoàng Anh