Nhà báo Đinh Chương - "Năm mươi năm bút không mòn"

Thứ ba, 27/09/2016 10:53

Tôi vinh hạnh quen biết với nhà báo Đinh Chương, công tác tại văn phòng Thông tấn xã Việt Nam tại Quảng Nam- Đà Nẵng thông qua nhà báo Đặng Minh Phương khi ấy là Trưởng đại diện báo Nhân dân miền Trung đóng tại Đà Nẵng. Tôi rất quý trọng anh vì anh là nhà báo nghiêm túc và trực tính, là kho tư liệu về bài viết, bài phát biểu về Bác Hồ trong thời gian anh được phân công tháp tùng theo Bác. Nhân dịp ngày Báo chí Cách Mạng 21-6-1995 anh đã gửi tặng tôi bài viết "50 năm bút không mòn"-tập hợp những dòng thư, những câu thơ vui mà bạn bè tặng anh- gọi là tài sản tinh thần giúp anh-nhà báo "xác xơ" có thêm niềm vui khi về nghỉ ngơi với gia đình, vợ con... Để tưởng nhớ anh, tôi giới thiệu bài viết này để khắc họa chân dung một nhà báo dù vô vàn khó khăn vẫn lạc quan, yêu đời.

Nhà báo Đinh Chương (ảnh do nhà báo Hồ Duy Lệ chụp tại nhà riêng của ông ngày 13-4-2016)

(Cadn.com.vn) - "Năm mươi năm bút không mòn", đó là lời thơ của anh bạn ở Hội Văn nghệ Đất Quảng "lưu bút" cho tôi-anh Đỗ Văn Đông, quê chính anh ở Xứ Thanh kết nghĩa đậm tình. Anh viết: "Bác Đinh Chương ơi!, có người sắp đến lúc về hưu, đã cảm thấy buồn thiu.  Sự thật thì họ chẳng sợ cái hưu, nai nào cả, mà là sợ cái tuổi già ập đến. Theo thói quen, người ta có quan niệm "về hưu là về già". Tuy bác đã về hưu nhưng tôi vẫn thấy bác không về già. Những lúc gặp bác tại nhà, vẫn thấy bác khà khà, bên ấm nước trà và chất đầy nhà toàn báo, tôi có cảm tưởng về bác: già chỉ là:

Già tuổi, già tóc, già râu

Còn nhiều thứ khác, bác đâu có già?

Bác về hưu, chẳng qua là đi từ Thông tấn xã đến thông tấn nhà. Bút giấy còn đấy, vợ nhà còn đây. Tôi rất sung sướng mỗi khi được đọc, được biên tập và được in những bài viết mới của bác. Tôi có cảm giác như bác lại đang vào xuân ở cái độ tuổi "theo chân Bác" đi từ chiến khu Việt Bắc về lại với Quảng Nam ta. Bàn chân thì liên tục đi, còn bàn tay thì luôn ngọ nguậy. Nhà thông tấn nhận thấy ở bác "bàn tay không bẩn"-nhạc sĩ thấy "bàn tay không viết bậy bạ". Nhà chính trị thấy "bàn tay ấy, ngày và đêm không phút giây nào nghỉ", không thấy anh bon chen trong ngõ hẹp. Lúc nào cũng ung dung, rực rỡ như tấm "Bích Chương" để nhiều người, và khiến nhiều người trông thấy mà ngắm nghía, mà chiêm ngưỡng. Tôi biết, nhiều lúc bác vẫn nghĩ và nhớ đến những ngày xa xưa, chìm nổi ấy mà:

Hai mươi mốt năm một bậc lương

Ăn cơm nhà vợ, ngủ giường cơ quan.

Nhưng cũng rất may, trước cảnh "ba chìm bảy nổi" thì cái nổi vẫn được nhiều hơn, chính vì vậy mà khó chìm. Nghĩ vậy, mừng quá, tôi sắp phải thốt lên:

Bác Đinh, ơi hỡi bác Đinh

Người còn, cái tỉnh tình tinh cũng còn

Năm mươi năm, bút chẳng mòn

Bút bác còn cứng vợ con còn nhờ...

Nhân dịp năm mới, mong chúc bác xông lên và tấn tới.                    (Xuân Chín Tư).

Cùng với bạn Đông, nhiều anh em thân thiết đã vịnh cái bút Đinh Chương rằng:

Ơi anh Đinh Chương

Sáng trong Ngọc Bích

Dẫu tuổi về hưu

Bút còn nhúc nhích

                   (Huỳnh Văn Chính)

"Đinh Chương, ơi hỡi Đinh Chương

Tuổi già, bút cứng tình thương càng bền

Mai này, dẫu bút còn mềm

Mong anh vẫn viết tặng em... nhiều bài..."

                        (Mai Thúc Long)

vân vân...

Theo tôi biết, nhà báo Đặng Minh Phương trong một lần đến thăm anh cũng đã cảm khái tặng anh hai câu thơ:

"Đinh Chương ơi hỡi Đinh Chương

Thịt đi đâu hết còn xương thế này?"

...Vâng anh Đinh Chương ơi! Khi tôi viết những dòng này cũng là lúc bạn bè điện hỏi tôi về nơi ở mới của anh để đến thắp nén nhang tiễn biệt anh. Một đồng chí lãnh đạo Trung ương là người con xứ Quảng đang công tác tại Hà Nội, sau chuyến công tác Đà Nẵng trở về mới hay tin anh qua đời. Biết tôi quen với anh, ông đã điện hỏi tôi để xác nhận tin này và lấy làm tiếc vì được tin quá trễ nên không đến tận nhà viếng anh. Theo ông, anh là nhà báo chân chính đáng quý trọng-nhà báo suốt đời chỉ biết cống hiến cho sự nghiệp báo chí Cách Mạng, giàu tư liệu Bác Hồ và đã sống một cuộc đời vô cùng thanh bạch.

Huỳnh Văn Chính