Nhà báo Hàn Quốc chân chính, yêu hòa bình

Thứ ba, 12/12/2017 09:54

Ngày 11-12, tại Hà Nội, Trường Đại học Nguyễn Trãi, Hội Hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc phối hợp tổ chức "Giao lưu về cuộc đời Giáo sư, nhà báo Lee Yong Hy và Việt Nam". Đây là một hoạt động trong Tuần lễ văn hóa kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc. Giáo sư, nhà báo Lee Yong Hy sinh năm 1929  tại Hàn Quốc. Ông tốt nghiệp Trường Đại học Quốc gia Hải dương Hàn Quốc,  đã có 7 năm phục vụ trong quân ngũ. Từ năm 1957-1971, ông là nhà báo công tác tại Thông tấn xã Hapdong và Nhật báo Chosun. Sau đó, ông là Phó giáo sư khoa Châu Á học, Trường Đại học California - Berkeley (Hoa Kỳ) và Giáo sư Trường Đại học Hanyang đến khi nghỉ hưu năm 1995.

Phu nhân của Giáo sư Lee Yong Hy và con gái ông đã sang Việt Nam dự cuộc giao lưu để chia sẻ về cuộc đời, nỗ lực không mệt mỏi của Giáo sư trong xây dựng, hoạt động phong trào phản đối đội quân Park Chung Hee - Hàn Quốc tham chiến tại Việt Nam.

Chị Lee Mi Jung, con gái của Giáo sư Lee Yong Hy cho biết: Sinh thời, Giáo sư Lee Yong Hy luôn trăn trở về cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Đầu năm 1965, từ nhà báo phụ trách mảng ngoại giao của Ban chính trị thuộc Nhật báo Chosun, ông Lee Yong Hy được giao trọng trách về Ban quốc tế. Bắt đầu từ đó cho đến khi Việt Nam giành độc lập vào năm 1975, nhà báo Lee Yong Hy luôn mang tâm trạng, nỗi lòng nặng trĩu khi nghĩ đến những sinh mạng trong chiến tranh. Vào những ngày mà các bài viết hay bài phân tích về chiến tranh ở Việt Nam do ông biên tập buộc phải loại bỏ hoặc thay hình đổi dạng do áp lực bên ngoài thì nỗi đau này còn lớn hơn gấp bội...

Vào thời điểm đó, trang quốc tế của nhật báo Chosun là trang báo duy nhất ở Hàn Quốc phê phán việc cử quân đội Hàn Quốc đi tham chiến và phê phán cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam. Nhà báo Lee Yong Hy đã gắng sức để giới thiệu một cách thận trọng những phát ngôn phản đối cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam của các nhà trí thức trên thế giới. Trách nhiệm của một người làm báo khiến ông quyết định phải cho độc giả biết những điều này một cách công bằng, không thiên vị... dù những thông điệp này luôn bị can thiệp bởi nhiều thế lực. Vào khoảng giữa năm 1966 đến năm 1967, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc lần lượt đưa các trưởng ban của nhiều cơ quan ngôn luận đến Sài Gòn và tiếp đãi hết sức thịnh soạn, nhằm tạo ra dư luận trong nước rằng "Người Việt Nam hoan nghênh binh lính Hàn Quốc được phái đến tham chiến và yêu quý quân nhân Hàn Quốc". Tuy nhiên, nhà báo Lee Yong Hy đã từ chối vì ông chỉ viết bài theo lương tâm và theo nguyên tắc, luân lý của một nhà báo chân chính, yêu hòa bình. Sau lần đó, Bộ chính quyền trung ương đã đề nghị ông Lee Yong Hy sang Việt Nam khoảng một tháng với tư cách là đặc phái viên tại Sài Gòn. Vì chính quyền tin rằng nếu nhà báo Lee Yong Hy chuyên phê phán về cuộc chiến tại Việt Nam viết rằng "Người Việt Nam thích quân lính Hàn Quốc" thì mọi độc giả sẽ tin. Ông Lee Yong Hy còn được hứa sẽ có thêm một khoản gấp 2 lần lương tháng trưởng ban khi đó...

Phu nhân nhà báo Lee Yong Hy chia sẻ, lúc đó, gia đình đang chật vật trong cảnh nghèo túng nhưng ông vẫn kiên quyết không đến Việt Nam vì mục đích lấy tiền trang trải cuộc sống. Sau lần đó, Lee Yong Hy bị sa thải và không tiếp tục làm báo nữa. Ông chuyển sang giảng dạy tại các trường đại học và liên tục có các bài viết về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Những bài viết này góp phần thay đổi căn bản nhận thức của người dân Hàn Quốc về cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Tuy nhiên, những bài viết ấy cũng khiến ông bị bắt vào năm 1977 vì vi phạm luật chống cộng của Hàn Quốc và bị phạt 2 năm tù giam.

Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, năm 1985, Giáo sư Lee Yong Hy đã tổng hợp các bài viết để in thành cuốn sách "Cuộc chiến tranh Việt Nam". Năm 1993, Giáo sư Lee Yong Hy lần đầu tiên sang thăm Việt Nam và bày tỏ sự ngưỡng mộ với nhân dân Việt Nam.

VIỆT HÀ