Nhà báo nên không ngừng học tập

Thứ năm, 20/06/2024 10:11

Hơn bốn mươi năm làm báo, ấn tượng sâu đậm với tôi nhất vẫn là những lần nghe các đàn anh của mình tâm sự, để được học tập ở họ, dù chỉ là những việc nhỏ nhất.

Cảm nhận.

Báo chí trong thời đại truyền thông đa phương tiện

Trong thời đại của 4.0, sự lấn lướt của các phương thức truyền thông, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, song hành với những ưu thế vốn có như nhanh, hấp dẫn, là chất lượng của những thông tin đăng tải mà trong đó, đôi khi là dạng thông tin mang tính thất thiệt, thật giả lẫn lộn, thông tin một chiều mà đôi khi đơn giản là thông tin

Tôi vốn không được đào tạo làm nghề báo, khônghọc ở các trường vănkhoa, ngữ văn, nhưng lại say sưa với việc cầm bút. Cho nên phải luôn học và đọc ngay từ ngày đầu cho đến cả bây giờ, khi đã nghỉ hưu.

Và tôi đã học như thế nào?

Góc nhìn.

Từ chuyên môn đến đạo đức

Trước khi được chuyển từ ngành nông nghiệp về Tạp chí Đất Quảng, tôi đã làm thơ, viết phóng sự, truyện ngắn, viết tin tức tường thuật nhiều hoạt động. Nhưng để hiểu và thực hành nghề báo, tôi phải tự học hỏi rất nhiều. Tự tìm đọc các thứ sách vở liên quan về nghề, nghe các bậc đàn anh và cả bạn bè mỗi khi có dịp rồi về ghi chép lại. Có khi bài mình được in, lại phải mở bản gốc của mình viết đem so với bài đã được biên tập. Đọc đoạn văn, câu chữ đã biên tập để xem vì sao phải dùng từ như vậy, vì sao phải đảo câu văn như kia...

Tôi cũng đọc những kinh nghiệm viết của nhiều bậc tiền bối. Để biết các nhà thơ Xuân Diệu đã giải nghĩa những câu chữ ra sao trong vốn ca dao tục ngữ. Hiểu nhà văn Nguyễn Tuân đã phải dùng nhiều từ tương đương thế nào bên lề bản thảo của ông, để chọn một từ đắt hơn, hay hơn, xác thực hơn và lạ hơn. Lại đọc các loại tiểu thuyết, dù trước đó mình từng đọc, để hiểu theo cách mới, cách của lao động nghề văn của từng tác giả.Rồi mỗi khi gặp một lĩnh vực mới, lại vào thư viện tìm đọc các tác phẩm liên quan. Có khi là một đề tài khoa học. Để tìm hiểu các khảo hướng mà người ta đã dày công nghiên cứu như thế nào. Một lần đi thực tế với cố giáo sư Trần Quốc Vượng, nghe ông bình phẩm: Hiểu cái gì thì phải mày mò cho hết, đừng có nửa mùa! Dù là ông nói về một người khác, nhưng tôi nghe như ông đang nói với mình. Vậy là mở sổ ra ghi. Rồi từ đó mà làm theo khi cần...

Nghề báo vốn mênh mông mà không học, mà tự phụ, cứ nghĩ cái gì cũng biết, rồi phán như quan tòa, thì chết có ngày! Lần khác nghe một quan chức nói chuyện tiếu lâm. Ông ta kể chuyện một đệ tử có tật nói leo, cái gì cũng xò vào.

Ông nói với người bạn: “Thằng đệ tôi dở lắm, cái gì nó cũng biết. Chỉ có không biết... dị!”. Câu nói vui ấy bám theo tôi nhiều ngày. Sau này, một phóng viên viết chuyện nội chính, anh ta cứ coi người vừa bị bắt và tường thuật với giọng văn coi kẻ đó là tội phạm. Tôi đã phải giảng giải, theo luật, khi ai đó chưa bị tòa kết án, thì nhà báo không được đóng vai công tố viên!

Rồi đến đạo đức người cầm bút trong nghề nữa. Người ta đã bị tổ chức khai trừ, tức người ta đã chết một lần rồi. Anh lại đánh thêm một nhát nữa, đưa họ lên báo. Vợ con họ sẽ đọc, sẽ khổ. Kinh nghiệm vụ Đường Sơn quán là một bài học mà tôi nhớ mãi...

Cho nên cần học chuyên môn mà cần trau dồi đạo đức. Thời nào, chế độ xã hội nào, chắc cũng vậy!

Cảm nhận.

Ghi chép tư liệu là cái kho của nhà báo

Cố nhà văn Phan Tứ là một trường hợp đáng nhớ về việc ghi chép tư liệu. Ông quan sát con người, sự việc rất chi tiết và ghi lại trong từng chuyến đi. Khi tới một nơi nào, trước hết ông cố tìm bản đồ về nơi ấy hoặc hỏi những người địa phương để vẽ vào sổ tay “bản đồ” của vùng đất, từ những con sông, thế núi, những con đường, địa danh và họ tên của mỗi nhân vật...

Ông từng nói: “Làm báo hay viết văn trước hết phải làm tư liệu cho thật kỹ. Cái gì viết được thì viết ngay để giữ được cái không khí, cảm xúc còn tinh tươm; còn không thì sau này sẽ có dịp dùng lại. Ghi chép không bao giờ thừa cả...”.

Chỉ có vậy, nhưng mỗi lần gặp sai sót trong nghề do không chịu ghi chép, thì lời dặn của ông lại trở thành tươi mới trong tôi. Ví dụ, khi làm phóng sự ở Làng Rô (huyện Nam Giang, Quảng Nam) tôi cứ tưởng cái tên làng Ngói gần đó là không cần ghi lại, nào ngờ khi cầm bút viết lại ghi là làng Gạch! Vì chuyện này mà sau đó Chủ tịch huyện Nam Giang là Bnuơch Bút đã trách tôi một trận nhớ đời. Và tôi xấu hổ cho đến nhiều năm sau!

Có lẽ nhờ làm tư liệu kỹ càng mà nhiều năm sau chiến tranh, khi viết tiểu thuyết “Người cùng quê”, nhất là chương tả hệ thống Thu Bồn, Vu Gia, Phan Tứ mô tả như một cuốn phim sống động!

Cố nhà báo lão thành Đoàn Bá Từ lại cho tôi bài học về việc chuẩn bị tư liệu. Bất cứ vấn đề gì, cụ Từ cũng là người đọc rất kỹ và tổ chức tư liệu thành từng vấn đề chuyên biệt. Tư liệu có khi từ những bài báo đã in, có khi trong sách hoặc hỏi các chuyên gia. Mỗi vấn đề, ông lưu trữ riêng, tìm là có ngay. Ngay đến những lá thư trả nhuận bút, hoặc “thẻ nhà báo” cấp cho ông khi viết báo Tiểu thuyết thứ Bảy những năm 30-40 của thế kỷ trước hoặc khi ông làm phóng viên thường trú của Thông tấn xã ở Campuchia những năm 1960, những bài báo viết tay hồi bị giam ở ngục Đắk Glei, Kon Tum những năm 1940... vẫn được ông lưu trữ cẩn thận để khi cần thì sử dụng lại như những tư liệu quý.

Tôi và vài anh em trẻ khác nhiều khi nghe ai nói chuyện gì chỉ ghi chép rất sơ sài trên những mảnh giấy nào đó, vì chẳng bao giờ có sổ tay. Khi viết lại chỉ sử dụng một ít chi tiết rồi vứt bỏ. Sau này sực nhớ còn nhiều cái trong mảnh giấy ấy mình cần sử dụng, thì không còn nữa...

Cụ Từ có lần nói: “Anh học văn rồi đi làm báo chứ đâu phải lĩnh vực nào anh cũng biết, cho nên làm tư liệu, giữ gìn tư liệu cũng là cách để học, để hiểu biết rộng hơn và viết cho thuyết phục hơn...”.

Tất nhiên, nghề báo cần rất nhiều đức tính, kiến thức, môi trường làm việc... nhưng những bài học tôi học được ở các nhà báo, nhà văn lớn tuổi là rất khó quên và tôi luôn luôn biết ơn họ như những người thầy!

Chỉ tiếc mình chẳng làm thầy được ai, nên chép lại vài kỷ niệm nhỏ trên đây, chỉ mong làm quà cho các nhà báo trẻ nhân ngày giỗ của nghề!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

Giá trị bất biến của nghề báo

Năm nay đã tròn 99 năm, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập tờ báoThanh Niên, khai mở nền báo chí cách mạng Việt Nam. Ngót 100 năm đã trôi qua. Một thế kỷ rất dài với một đời người, nhưng một thế kỷ không dài với một ngành nghề và càng không dài với một lịch sử dân tộc. Vậy mà, thử bình tâm ngoảnh lại, bỗng thấy bao nhiêu thăng trầm của vị trí nghề

Báo chí luôn đồng hành, sát cánh cùng Công an Đà Nẵng trong công tác bảo đảm an ninh trật tự

Nhân dịp Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2024), sáng nay (19-6), Đảng ủy, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng tổ chức gặp mặt lãnh đạo các cơ quan thông tấn, báo chí, các nhà báo đang công tác trên địa bàn TP Đà Nẵng. Thiếu tướng Vũ Xuân Viên - Giám đốc Công an TP Đà Nẵng chủ trì buổi gặp mặt.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa làm việc với Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam

Chiều 17-6, tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã làm việc với Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam. Cùng dự có các đồng chí: Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Tổng biên tập Báo Nhân Dân...