Báo chí trong thời đại truyền thông đa phương tiện

Thứ năm, 20/06/2024 09:31

Trong thời đại của 4.0, sự lấn lướt của các phương thức truyền thông, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, song hành với những ưu thế vốn có như nhanh, hấp dẫn, là chất lượng của những thông tin đăng tải mà trong đó, đôi khi là dạng thông tin mang tính thất thiệt, thật giả lẫn lộn, thông tin một chiều mà đôi khi đơn giản là thông tin chưa được kiểm chứng... Trong bối cảnh “đa dạng” và “đa chiều” của thông tin, đặt ra cho những người làm báo chính thống một nhiệm vụ, trách nhiệm nặng nề là làm sao để thông tin đến bạn đọc một cách nhanh nhất vừa đảm bảo tính chính xác vừa đảm bảo tính khách quan, từ đó định hướng dư luận, tạo thêm hiệu ứng tích cực trong xã hội.

Xuất phát từ xu thế của cuộc sống với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin trên nhiều nền tảng, loại hình báo giấy đã bị ảnh hưởng không nhỏ trong việc truyền tải thông tin đến bạn đọc, nhưng bù lại, đa số các báo đều có trang báo điện tử, có ít nhất một nền tảng mạng xã hội, nhất là facebook nên việc lan tỏa thông tin cũng kịp thời và nhanh chóng. Sự khác biệt về “chất lượng” thông tin với các trang mạng xã hội của các cá nhân, nhóm hội, tổ chức… là các báo chính thống có độ tin cậy và tính chính thống cao, do có cơ quan chủ quản, có ban biên tập “có nghề”, chính quy nên qua đó tạo được sự tin tưởng của bạn đọc. Cũng chính vì vậy đòi hỏi những phóng viên, biên tập viên phải rất trách nhiệm, chuẩn chỉnh trong làm tin, viết và duyệt bài, không để sa đà vào những thông tin “vô thưởng vô phạt” mà dân gian thường nói là chỉ có trên “báo lá cải”.

Trong “dòng chảy cuồn cuộn” của thông tin như hiện nay, báo chí chính thống có được lợi thế là cơ quan truyền thông “chính danh”, thuộc một cơ quan chủ quản của Nhà nước hoặc cơ quan Đảng, đoàn thể chính trị xã hội. Việc đăng tin bài tuân thủ theo định hướng rõ ràng, có tôn chỉ, mục đích cụ thể nhưng bên cạnh đó vẫn đòi hỏi phải hòa vào dòng chảy của thời đại công nghệ 4.0, không tụt hậu, không lỗi thời. Điều đó đặt ra cho những người làm báo nhiều lo toan, trăn trở trong việc làm thế nào nâng cao chất lượng thông tin đăng tải trên các nền tảng truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội mà mình có được. Đơn cử như việc truyền tải những thông tin về một nội dung, vụ việc nào đó, nhất là những nội dung nổi cộm, mang tính thời sự, đề tài gai góc... Trong vấn đề này, thông tin đa chiều và đặc biệt là sự phản hồi thông tin khi tin bài nêu những hiện tượng, sự việc chưa đẹp, tiêu cực được nêu đích danh, cụ thể về một tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc hệ thống các cơ quan công quyền thường được dư luận đặc biệt quan tâm. Sau khi thông tin được đăng tải, tạo được sự chú ý, quan tâm của dư luận thì sự phản hồi lại của chủ thể được nêu tên có liên quan mật thiết đến uy tín, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, cơ quan đơn vị đó, thể hiện qua thái độ, tinh thần trách nhiệm, tính cầu thị, trọng thị của họ đối với công luận, cụ thể hơn là người dân, người phản ánh và cơ quan báo chí, thông qua những giải trình đi thẳng vào vấn đề, sai thì nhận, lỗi thì tiếp thu và cái chính là khắc phục, điều chỉnh, sửa sai... Ngược lại, sự im lặng, né tránh, đùn đẩy, khất hứa, khất hẹn sẽ tạo ra hiệu ứng tiêu cực, thậm chí là cái cớ để các thế lực xấu, bất mãn, chống phá lợi dụng khai thác để quy chụp, “vơ đũa cả nắm”, từ một sự việc nhỏ xé ra to chỉ vì mục đích phá hoại hạ thấp uy tín của Đảng, Nhà nước và xa hơn là chế độ. Thực tế là có những thông tin được phản ánh trên báo chí qua trang điện tử và nền tảng mạng xã hội, tuy nhanh chóng và khách quan trung thực nhưng sự phản hồi hoặc khắc phục hậu quả, sai phạm lại rất chậm, thậm chí bị lãng quên, gây nên sự thất vọng trong công luận.

Nhớ lại những năm tháng báo giấy còn chiếm vị trí độc tôn, sau này có báo điện tử hỗ trợ, thông tin truyền tải ở “chiều đi” chiếm ưu thế so với “chiều về”. Đó là một thực tế khách quan liên quan đến yếu tố công nghệ. Để có một thông tin phản hồi của cơ quan, tổ chức được “điểm danh” trên mặt báo về những tồn tại, bất cập xảy ra trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong các hoạt động của bộ máy công quyền đôi khi diễn ra rất chậm, rất muộn, nguyên nhân một phần nào cũng do hạn chế của phương tiện truyền thông, thậm chí dẫn đến một số vụ việc bị “chìm xuồng”, rơi vào quên lãng, ít nhiều làm giảm đi hiệu quả của công tác tuyên truyền cũng như chức năng mà báo chí cách mạng được giao phó. Những bất cập đó, nay đã đi vào dĩ vãng khi truyền thông đa phương tiện lên ngôi, đặc biệt là khi có các nền tảng của mạng xã hội. Vai trò “cầu nối” giữa người dân với các cơ quan, tổ chức được gắn kết chặt chẽ hơn qua báo chí nhờ tính linh hoạt của loại hình thông tin. Sự tương tác diễn ra nhanh chóng, công khai qua đó kịp thời điều chỉnh, khắc phục những tồn tại, bất cập, góp phần hạn chế tối đa tình trạng đùn đẩy, né tránh của một bộ phận cơ quan đơn vị thuộc hệ thống công quyền, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội của mỗi địa phương, nâng cao tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ công chức, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo.

Truyền thông đa phương tiện mở ra một thế giới phẳng với đa chiều, đa dạng hóa tiếp xúc giữa người với người. Từ trung ương tới địa phương, từ doanh nghiệp đến người dân, tất cả mọi đối tượng xã hội đều cần tới các phương tiện truyền thông. Trong bối cảnh đó, báo chí cách mạng cần nắm bắt và thích ứng nhanh chóng, hiệu quả và chính xác trong thời đại công nghệ số “lên ngôi”, kịp thời nắm bắt xu thế mới của báo chí hiện đại, chuyên nghiệp, giỏi nghề, tích hợp được những kỹ năng đa phương tiện để cho ra những sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của công chúng.

DIỆP DÂN HÙNG