KỶ NIỆM 95 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM:

Nhà báo Nguyễn Hữu Hương: Một "chủ bút" nhiệt huyết

Thứ sáu, 19/06/2020 18:28

Ngày 17-6, nhân dịp 10 năm ngày mất nhà báo Nguyễn Hữu Hương (1955-2010), những bạn bè thân hữu, đồng nghiệp đã tề tựu tưởng nhớ và giới thiệu cuốn sách "Nhà báo Nguyễn Hữu Hương - Một thời và Một đời", do các nhà báo Trần Tuấn, Trần Trung Sáng và doanh nhân Lê Tấn Hòa thực hiện...

Doanh nhân Lê Tấn Hòa (trái) tặng sách "Nhà báo Nguyễn Hữu Hương - Một thời và Một đời"cho con trai nhà báo Nguyễn Hữu Hương.  ẢNH: N.H.T

Nhà báo Nguyễn Hữu Hương (bút danh An Tiêm) sinh năm 1955 tại thôn Thanh Quýt nay là xã Điện Thắng Trung (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) đã từng "nắm" tờ Tạp chí Khoa học và Phát triển TP Đà Nẵng, Doanh nghiệp Chủ nhật và đã biên soạn các cuốn sách đình đám: Chào năm 2000, Chuyện thời chúng ta đang sống...     

Nói về duyên cộng tác cho Tạp chí Khoa học và Phát triển, nhà thơ Thanh Thảo nhớ lại: "Khi anh Hương nắm tờ Khoa học và Phát triển thì tờ tạp chí này có vị thế rất khiêm nhường trong làng báo. Tôi nhận lời viết cho Khoa học và Phát triển từ một cú điện thoại của anh Nguyễn Hữu Hương. Khi đó, nói thật tôi cũng chưa thấy mặt tờ báo mà mình sẽ cộng tác". "Nhưng tôi tin ngay vào tờ báo, chính là tin qua giọng nói thành thật và khiêm nhường của anh Hương. Tôi biết, với những tờ báo còn khiêm tốn như thế, thì nhiều khi Tổng biên tập (thực sự chứ không phải danh hiệu) lại kiêm luôn thư ký tòa soạn, kiêm luôn người đặt bài, kiêm luôn biên tập, kiêm luôn cả phát hành", nhà thơ Thanh Thảo trải lòng rồi nhấn mạnh: "Những người làm báo nhiệt huyết và lặng lẽ như anh Nguyễn Hữu Hương là không nhiều và ngày càng ít đi".

TS. Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư cho rằng trong vấn đề dân chủ và tự do, ý kiến của anh Nguyễn Hữu Hương khá phong phú, mạch lạc. "Là một trong số những bạn bè của tôi ở Đà Nẵng có nhận thức sớm và đúng về nhà nước pháp quyền, nhà nước của dân, thể chế dân chủ, tự do bầu cử, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và báo chí, về tranh luận và đối thoại, về các quyền con người... Tôi nghĩ, nhiều ý kiến của anh là đúng đắn, đi trước, có ích cho cuộc đời và xây dựng một xã hội văn minh", TS. Vũ Ngọc Hoàng, đúc kết về nhà báo Nguyễn Hữu Hương... Và còn rất, rất nhiều những tâm sự, tình thương quý chân thành của những anh em đồng nghiệp, thân hữu khắp mọi miền như: nhà văn Nguyên Ngọc, nhà thơ Đông Trình, Phạm Xuân Nguyên, Trần Kỳ Trung, Võ Thị Hảo, Trương Điện Thắng, Lê Hưng, Nguyễn Ngọc Hạnh, Bùi Mai Hạnh, Trần Hân, Nguyễn Hữu Hồng Minh,... đã gửi gắm nỗi nhớ, sự trân trọng dành cho anh qua tập sách "Nhà báo Nguyễn Hữu Hương - Một thời và Một đời" tại buổi giới thiệu cuốn sách.

Cũng trong tập sách này, lần đầu tiên nhiều người mới được biết Nguyễn Hữu Hương không chỉ giỏi làm báo, "luôn luôn có những ý tưởng, nhưng lại biết biến ý tưởng của mình thành ý tưởng của cộng tác viên, những người sẽ triển khai những ý tưởng ấy qua những bài viết" như lời nhà thơ Thanh Thảo, mà anh còn để lại những bài thơ hay. "Nhớ đừng có tìm nơi trú ẩn/Đừng tin vào đức hạnh của những đức hạnh bền lâu/Phá nó đi bằng thứ gia vị nồng cay/Khiến vô vị cũng thành ra mùi vị… (Du hành)", để rồi bình thản về miền cực lạc giữa tình thương nồng ấm của bạn bè, đồng nghiệp và người thân trong gia đình: "Tôi đã ngả mũ và giơ tay/Chào quá khứ lên đường/Không đi bằng ngựa/Cũng không bằng thuyền/Không bằng ô- tô hay ngựa sắt/Đi bằng đôi chân nện gót lữ hành"... (Lữ hành).

Hữu Trà