Nhà báo trẻ làm gì để thành công trong thời đại 4.0?

Thứ hai, 18/03/2019 09:34

Đó là câu hỏi được quan tâm nhất tại diễn đàn “Nhà báo trẻ và đào tạo, bồi dưỡng nhà báo trẻ” và giao lưu “Nhà báo trẻ với các thế hệ nhà báo” do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức ngày 17-3, tại Hà Nội. Hoạt động nằm trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2019.

Sinh viên Đoàn Văn Phương, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông - Đại học Thái Nguyên đặt câu hỏi với Ban tổ chức.

Tại diễn đàn, các đại biểu cùng nhau trao đổi về vấn đề đào tạo, bồi dưỡng nhà báo trẻ, trong đó có việc đào tạo những kỹ năng làm nghề; sinh viên, nhà báo trẻ cần chuẩn bị những gì để hội nhập với báo chí thế giới trong thời đại công nghệ 4.0; nguyên nhân dẫn đến những tai nạn nghề nghiệp, nhất là đối với các nhà báo làm điều tra...

Cập nhật kiến thức, kỹ năng

Đa số các nhà báo cao niên, nhà quản lý báo chí, những người giảng dạy trong lĩnh vực báo chí đều cho rằng: Để làm báo thành công trong thời đại 4.0, các nhà báo trẻ cần có kiến thức, kỹ năng, biết cập nhật và sử dụng tốt công nghệ hiện đại, có năng lực kết nối và dẫn dắt dư luận...

Trả lời câu hỏi trước khi trở thành nhà báo có kỹ năng giỏi, các nhà báo trẻ cần hiểu kỹ năng là gì? Tiến sĩ Trần Bá Dung, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng: Kỹ năng trước hết là kiến thức, tri thức về hoạt động cụ thể. Những tri thức, kiến thức này được thường xuyên sử dụng một cách nhuần nhuyễn, thuần thục sẽ trở thành kỹ năng. Kỹ năng đầu tiên sinh viên, nhà báo trẻ cần học là đọc nhiều, “va chạm” nhiều từ đó mới có được kiến thức, kinh nghiệm, kiến giải thuyết phục về vấn đề  mình viết.

Cùng chung quan điểm đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Dững chia sẻ thêm rằng ông đã đi khoảng 30 nước trên thế giới, trong quá trình đó, ông thấy Việt Nam là một nước tổ chức đào tạo kỹ năng làm báo sớm. Theo ông, ngày nay phải khẳng định rằng nhà báo trẻ có thế mạnh hơn các nhà báo cao niên ở năng lực tư duy mới, nhất là tư duy phát triển, phản biện; ngoại ngữ “siêu” hơn; hiểu biết hơn về các phương tiện kỹ thuật công nghệ. Những điểm mạnh này giúp các nhà báo trẻ có khả năng phân tích, tổng hợp để thể hiện những tác phẩm báo chí tốt. Tuy nhiên, để trở thành nhà báo thành công, các nhà báo trẻ phải có kiến thức, có tư duy trong đó quan trọng nhất là tư duy kết nối, tư duy phản biện và dẫn dắt dư luận. Những điều này có được khi các bạn thường xuyên, cập nhật kiến thức mới, có sự rèn luyện của riêng mình.

Bên cạnh đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Dững cũng hy vọng các cơ sở đào tạo báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam nên có những chương trình lớn để đào tạo, tập huấn các kỹ năng, kiến thức nhất trong việc viết về xây dựng Đảng, viết chính luận... để giúp các nhà báo, phóng viên trẻ nâng cao kỹ năng làm báo.

Nhà báo có thể thắng mạng xã hội

Tiến sĩ, nhà báo quốc tế Lê Hoàng Anh Tuấn lại cho rằng: Thách thức lớn nhất của nhà báo trẻ trong thời đại 4.0 chính là ngoại ngữ. Các nhà báo trẻ cần biết nhiều ngoại ngữ để có thể kiểm chứng thông tin đa chiều, bởi vậy nên đầu tư cho việc học ngoại ngữ hàng ngày. Với những nhà báo làm điều tra phải công bằng, có kiến thức để đánh giá sự việc, hiện tượng. Để làm được như vậy, các nhà báo cần tiếp cận thông tin đa chiều, ứng dụng đa phương pháp để tìm ra tính xác thực của thông tin đồng thời cũng biết cách để tự bảo vệ mình, bảo vệ những thông tin mình đưa ra.

Rất lạc quan về năng lực, khả năng của các nhà báo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Hằng (Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng tương lai của báo chí Việt Nam phụ thuộc nhiều vào lớp nhà báo trẻ, những sinh viên báo chí đang ngồi trên ghế nhà trường. Để có nền báo chí phát triển, chúng ta cần có những nhà báo giỏi. Việc làm này bắt đầu từ nhà trường với trách nhiệm đào tạo cơ bản. Cơ quan báo chí khi tiếp nhận phóng viên nên đào tạo lại theo yêu cầu công việc, tiêu chí của đơn vị mình. Bên cạnh đó, các đơn vị đào tạo, sử dụng cũng cần quan tâm đến việc đào tạo về đạo đức làm nghề cho phóng viên, nhà báo. Thực tế cho thấy kiến thức, kỹ năng và đạo đức làm nghề như cái kiềng ba chân giúp các nhà báo trẻ vững bước trên con đường để trở thành nhà báo chuyên nghiệp.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, nhà báo Hồ Quang Lợi khẳng định diễn đàn là cuộc đối thoại sôi nổi, thể hiện sự gắn kết giữa các thế hệ; thể hiện trách nhiệm của những người làm báo đi trước đối với thế hệ làm báo trẻ. Theo ông, trong thời đại công nghiệp 4.0, công nghệ rất quan trọng nhưng không phải là linh hồn của các tác phẩm báo chí. Trong quá trình phát triển của công nghệ ngày nay, tâm thế, trách nhiệm, đạo đức nhà báo quan trọng nhất bởi nền tảng công nghệ chỉ là phương tiện để truyền tải nội dung, nhận thức tới công chúng.

Nhà báo Hồ Quang Lợi tin rằng các nhà báo chúng ta có thể thắng mạng xã hội bằng sự tin cậy, thuyết phục của bài báo, bằng đạo đức người làm báo. Điều này gắn với việc xây dựng đội ngũ làm nghề từ trên ghế nhà trường có bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp. “Nếu có được đội ngũ những người làm báo như vậy chắc chắn chúng ta sẽ có một nền báo chí giàu tính chiến đấu, đầy nhân văn phục vụ tốt nhất lợi ích của đất nước, nhân dân” - Nhà báo Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.

THU THỦY – TTXVN

------------------- 

Bế mạc Hội Báo toàn quốc 2019

Hội Báo toàn quốc 2019 với chủ đề “Báo chí Việt Nam đổi mới, sáng tạo, trách nhiệm vì lợi ích của đất nước và nhân dân” đã bế mạc vào chiều 17-3, sau 3 ngày hoạt động sôi nổi, hào hứng, tại Bảo tàng Hà Nội. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình tham dự và trực tiếp trao giải đặc biệt của Giải “Gian trưng bày ấn tượng, đặc sắc”. Hội Báo toàn quốc 2019 với 76 khu vực trưng bày đã thu hút sự tham gia nhiệt tình của 200 đơn vị, gồm các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo, các cơ sở đào tạo báo chí, 8 cụm Hội Nhà báo tỉnh, thành phố. Đáng khích lệ là có 9 Hội Nhà báo địa phương có gian trưng bày riêng, có bản sắc. Hội Báo toàn quốc là sự kiện văn hóa, báo chí lớn nhất, nơi hội tụ nghề nghiệp của giới báo chí và công chúng cả nước được tổ chức hàng năm. Tại lễ bế mạc, Ban Tổ chức trao 6 loại giải.

P.V

-------------------

Mỗi một tác phẩm báo chí là một sản phẩm văn hóa

Hội thảo “Vai trò của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 16-3, tại Hà Nội trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2019. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tới dự và phát biểu chỉ đạo hội thảo. Theo Phó Thủ tướng, văn hóa được xác định là nền tảng tinh thần, động lực phát triển kinh tế xã hội. Báo chí là một bộ phận của văn hóa, báo chí sáng tạo, phổ biến, lưu truyền văn hóa. Mỗi một tác phẩm báo chí là một sản phẩm văn hóa, mỗi nhà báo là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa.

Đặt câu hỏi phải làm sao cho văn hóa thấm sâu vào quần chúng?, Phó Thủ tướng cho rằng muốn được như vậy, ngoài kết hợp những lý thuyết về truyền thông hiện đại, báo chí còn phải tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa để thể hiện tốt những thông tin tuyên truyền về văn hóa ứng xử. Các nhà báo, nhà văn hóa phải kết hợp với nhau để có những tác phẩm báo chí, sản phẩm tuyên truyền chất lượng, cổ động giá trị văn hóa ứng xử chuẩn mực.

Phó Thủ tướng kêu gọi các báo, đài, các địa phương hình thành các chuyên mục; tăng lượng bài viết về hành vi ứng xử văn hóa, hướng vào những việc làm cụ thể để tăng sức lan tỏa trong xã hội. Các cơ quan báo chí truyền thông kết hợp chặt chẽ với các bộ, ngành chức năng liên quan có những động viên tác giả, chuyên mục đề cao chuẩn mực văn hóa. “Nếu làm được như vậy, công cuộc xây dựng nền văn hóa phát triển con người Việt Nam sẽ đạt được kết quả tốt, sự phát triển của đất nước mới ổn định”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

P.V

-------------------