Nhà điêu khắc Trương Đình Quế: Bước phong trần đã mỏi

Thứ hai, 01/02/2016 09:43

(Cadn.com.vn) - Nhà điêu khắc Trương Đình Quế vừa qua đời ngày 21-1-2016 tại TP Hồ Chí Minh. Ông sinh năm 1939,  quê quán Đà Nẵng. Năm 1960, ông tốt nghiệp Trường cao đẳng mỹ thuật Huế khóa đầu tiên, tốt nghiệp trường Mỹ thuật Gia Định năm 1963. Năm 1965, ông có triển lãm đầu tay với hơn 30 tác phẩm gồm tranh, ảnh, tác phẩm điêu khắc. Năm 1971, ông vào Sài Gòn mưu sinh bằng nhiều nghề và đều đặn sáng tác. Sau năm 1975, Trương Đình Quế là giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật, Trường Đại học Kiến trúc và là Ủy viên BCH của Hội Mỹ thuật TPHCM trong nhiều nhiệm kỳ. Ông đã tham gia hàng chục cuộc triển lãm và các trại sáng tác điêu khắc trong nước và quốc tế, đạt nhiều giải thưởng, trong đó có giải thưởng đặc biệt Thụy Điển-Việt Nam (kỷ niệm 10 năm điêu khắc) cho tác phẩm "Khói ô nhiễm"...

Trương Đình Quế và chân dung tượng Bùi Giáng.

Vào khoảng 15 năm trước, trong những lần về  Đà Nẵng, nhà điêu khắc Trương Đình Quế với dáng dấp phong trần bụi bặm cùng chiếc xe phân khối lớn đã để lại trong ký ức những người bạn gặp gỡ một ấn tượng khó quên. Hồi đó, trong những cuộc hàn huyên với bằng hữu quê nhà như họa sĩ Đỗ Toàn, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, nhà văn Nguyễn Văn Xuân... bao giờ sự xuất hiện của ông cũng tạo nên những câu chuyện tranh luận sôi nổi rất đúng phong cách Quảng Nam. Nhận xét về ông, nhà văn Nguyễn Văn Xuân thường nhắc: "Trương Đình Quế sống hồn nhiên, vui chơi hết mình, nhưng thực ra đó là một nghệ sĩ sáng tạo, có nhiều ý tưởng rất sâu sắc...".

Trương đình Quế có vợ là nữ họa sĩ Phan Giáng Hương. Ba người con của ông có 2 người theo nghề cha mẹ (điêu khắc gia Trương Từ Lâm và họa sĩ Trương Mỵ Na) và từng có những cuộc triển lãm chung với gia đình. Trước kia, gia đình ông cư ngụ tại Làng báo chí Thủ Đức, về sau  mua được một mảnh đất nằm ngay thác An Viễn (xã Bình An, H. Long Thành, Đồng Nai). Nơi đây, một khu vườn nằm hiền lành bên thác nước là những tác phẩm điêu khắc đầy ấn tượng của Trương Đình Quế. Trong đó, nhiều người thường nhắc đến là hai pho tượng Trịnh Công Sơn và nhà thơ Bùi Giáng. Bức tượng toàn thân nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ở tư thế ngồi vắt chân chữ Ngũ, một tay chống cằm, một tay cầm đàn guitar chìm đắm trong suy tư. Còn bên cạnh là bức tượng nhà thơ Bùi Giáng, rất sinh động khác với nét tĩnh lặng của tượng Trịnh; người choàng áo mưa, đeo hồ lô rượu bên hông, tay chống gậy, râu tóc phất phơ trong gió, cùng một chú chó nhỏ đu trên vai thật ngộ nghĩnh; và thêm nữa là một con mèo và một con gà trống đi cùng. Cả hai đều hiện lên đúng tính cách rất khác biệt nhưng lại đầy biểu cảm. Hiện hai bức tượng này được đặt tại Làng nghệ thuật Gia Hòa, Q.9, TP.HCM. Tác phẩm sau cùng trước khi Trương Đình Quế  bệnh nặng (2014) là chân dung nhà thơ Nguyễn Đức Sơn tại Phương Bối, Bảo Lộc.

Trên thực tế, dù là nhà điêu khắc nổi tiếng thuộc thế hệ đầu đàn từ trước năm 1975, nhưng hầu như ông ít quan tâm đến những công trình hoành tráng "để đời", mà dọc trên những hành trình rong chơi ta bà, anh em văn nghệ ai muốn nhờ ông tạc tượng "lưu lại cho hậu thế",  ít khi từ chối.  Còn nhận định về những tượng đài trưng bày nơi công chúng, ông thường nói: "Trong các thành phố ở nhiều nước, chỗ nào cũng có tượng gợi suy nghĩ đời thường. Nhiều khi đó chỉ là vài ba cục, hòn gợi sức liên tưởng. Ở ta, do mặt bằng dân trí chưa cao, nếu cục hòn quá người ta chưa cảm thông được. Vì vậy, trên cơ sở cục hòn, một số nhà điêu khắc buộc phải tìm một nội dung nhẹ nhàng dễ tiếp cận với công chúng". Vào khoảng trước năm 2000, một khách Việt kiều  về tìm Trương Đình Quế, nhờ ông chế tác một tượng chân dung của mẹ Teresa, với mức chi phí khá lớn. Vài tháng sau đó, tượng chân dung mẹ Teresa đã được đúc đồng 1 bản và ba phiên bản bằng thạch cao. Bản đúc đồng đã được người khách mang đi và đã an vị trong một tu viện dòng Teresa ở một quốc gia. Ba phiên bản bằng thạch cao còn lại do ông cất giữ. Thạch Cầm, bạn của Trương Đình Quế  kể lại : "Năm 2006 tôi đến chơi nhà Trương Đình Quế bên suối An Viễn và nhìn thấy ba phiên bản này phủ mờ bụi thời gian, nằm trên gác trưng bày tác phẩm của nhà điêu khắc. Tôi thực sự xúc động khi ngắm nhìn sự sống động của pho tượng". Ngoài điêu khắc, Trương Đình Quế còn nổi tiếng với tranh lụa, nhất là tranh vẽ bằng mực tàu...

Cuộc đời sáng tác của nhà điêu khắc Trương Đình Quế gắn với những cuộc rong chơi dường như không bao giờ dừng lại. Giờ đây, bước phong trần đã mỏi, người  nghệ sĩ điêu khắc tài hoa ấy đã đi xa, để lại trong lòng bạn bè ký ức về một con người phóng khoáng, chân tình và trọn nghĩa.

Trần Trung Sáng