Nhà, mẹ và bé!

Thứ bảy, 12/09/2015 10:32

(Cadn.com.vn) - Hơn 1 năm hoạt động, Nhà từ thiện Mẹ và Bé Đà Nẵng đã nâng đỡ, giúp sức cho hàng trăm hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận. Họ là những người phụ nữ trẻ trung, đôn hậu, vẫn hay gọi nhóm từ thiện của mình với cái tên thân thương: "Nhà"...

Xuất phát từ tâm

Thành lập từ tháng 7-2014, Nhà từ thiện Mẹ và Bé ban đầu chỉ có 5 thành viên là một nhóm bạn chơi thân với nhau. Đến nay, số lượng thành viên chủ chốt đã tăng lên 12 người và số người tham gia công tác từ thiện cùng với Nhà tại địa chỉ facebook trên đã lên đến gần 2.000 người. Là những người phụ nữ bận rộn với nhiều công việc khác nhau, thế nhưng chính tình thương và lòng nhân ái đã kéo họ lại gần nhau, lập ra một mái nhà chung với ý nghĩa gieo thêm niềm hy vọng sống cho những mảnh đời bất hạnh, đặc biệt là những em bé chẳng may mắc bệnh hiểm nghèo, đang phải giành giật sự sống từng giờ.

Chia sẻ về động lực thôi thúc thành lập Nhà từ thiện, chị Ngọc Thùy (33 tuổi, kế toán), cho hay: "Chúng tôi đều là những phụ nữ đã có gia đình có con nên hiểu được những vất vả, nỗi lo của các mẹ khi con mình đau ốm, huống gì lại là bệnh hiểm nghèo, lại không có khả năng chữa trị. Do vậy, Nhà được lập ra với mong muốn giúp đỡ phần nào những khó khăn của các mẹ, các con, giúp họ tìm lại được niềm tin vào cuộc sống". Thời gian đầu, các chị gặp rất nhiều trở ngại do nhân lực không đủ mạnh, Nhà chưa được nhiều người biết đến nên việc kêu gọi ủng hộ cho các bé còn hạn chế. Dần dà, chính cái tâm làm từ thiện minh bạch, rõ ràng của các chị đã khiến nhiều người đồng cảm và tin tưởng, để ngày hôm nay, Nhà đã là một nhóm lớn mạnh, thu hút được sự quan tâm của nhiều Mạnh Thường Quân và tổ chức được nhiều chương trình gây quỹ.

Các thành viên Nhà từ thiện Mẹ và Bé trong chuyến trao quà "Cùng em đến trường"
hồi tháng 8-2015 tại thôn Pa Dú, xã Cà Ry, huyện Nam Giang (Quảng Nam).

Cứ đều đặn mỗi tháng một lần, tranh thủ giờ nghỉ trưa ít ỏi, các chị lại ngồi họp với nhau, lên kế hoạch đi thăm các bé có hoàn cảnh đặc biệt. Có khi là ở trong thành phố, cũng có khi xa hơn như Tam Kỳ, Nam Giang (Quảng Nam) hay sắp tới là A Lưới (TT - Huế)... Nghe các chị thống kê các việc phải làm, tôi thấy mọi thứ cứ... rối như tơ vò, thế nhưng các chị làm việc rất khoa học, mọi khoản thu - chi, quyên góp cho quỹ Nhà đều được công bố rạch ròi, chi tiết đến từng đồng lẻ. Dù là công việc tự phát, mất khá nhiều thời gian nhưng các chị vẫn cẩn thận, chu đáo làm mọi thứ mà không nề hà, kể công.

Chị Nguyễn Thị Hằng (34 tuổi, cán bộ kỹ thuật), một thành viên của Nhà nói vui: "Vì chúng tôi đều là phụ nữ nên có những đợt phân phát quà, chở hàng nặng thì khá lúng túng. Lúc đó cứ "xông" vào khiêng hết thùng hàng này đến thùng hàng khác. Đến khi xong rồi mới bật cười vì không biết sức đâu ra mà khiêng giỏi đến vậy". Có lẽ, chính tình thương và lòng nhiệt thành đã khiến những người phụ nữ ấy trở nên mạnh mẽ hơn, sẵn sàng làm bất cứ việc nặng nhọc nào, chỉ cần những cố gắng của các chị được đáp trả bằng niềm vui, nụ cười của các cháu khi được Nhà giúp đỡ, đó đã là một niềm hạnh phúc.



Các trường hợp cần giúp đỡ đều được các chị trong Nhà đến tận nơi và trao tận tay người nhận.

Buồn vui với mỗi mảnh đời

Vừa phải lo việc ở cơ quan, lại phải lo vun vén gia đình, thế nhưng các chị vẫn dành ra phần lớn quỹ thời gian của mình để đi tìm hiểu từng hoàn cảnh của các bé để kêu gọi hỗ trợ. Với mỗi trường hợp, các chị đều cử người đi xác minh, làm rõ để tránh tình trạng từ thiện sai mục đích. Cứ vậy hơn 1 năm qua, Nhà đã chung tay đỡ đi gánh nặng cho hàng trăm mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống. Đa số, các trường hợp mà Nhà giúp đỡ thường là các bé hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bị tai nạn nghiêm trọng. Tùy vào nhu cầu chăm sóc mà hàng tháng, Nhà sẽ tổ chức đi thăm hỏi, động viên và trao tiền quyên góp, sữa, tã bỉm... cho các bé. Giúp đỡ nhiều hoàn cảnh là vậy, nhưng mỗi khi kể đến bé nào, các chị cũng đều nhớ như in về gia cảnh các bé, bệnh tật ra sao, khó khăn thế nào. Tôi được các chị trong Nhà kể cho nghe về hoàn cảnh bé Hồ Công Quý. Mẹ mất khi vừa chào đời, bố là người dân tộc thiểu số, thiếu kiến thức nên khi được 2 - 3 tháng tuổi, Quý bị bỏ rơi tại bệnh viện. Quý bị viêm phổi, lõm lồng ngực, còi xương, phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt. Các chị hằng tháng đều mua sữa vào thăm bé, thay phiên nhau túc trực trong những ngày bệnh bé trở nặng. Đến khi được 18 tháng tuổi, bé ra đi trong sự xót thương của các chị. "Chúng tôi đã đứng ra lo mai táng và gửi bé vào chùa, hằng năm đến ngày đều làm giỗ cho bé"-chị Phạm Hoài Thương (35 tuổi, giáo viên)-một thành viên của Nhà tâm sự.

Chị Ngọc Thùy vui vẻ kể cho tôi nghe về trường hợp bé Tiên, 7 tuổi, bị viêm màng não. Lúc trước, chân tay bé bị co rút, chỉ nằm một chỗ, không nói được. Nhờ sự ủng hộ của các tổ chức từ thiện và sự quyên góp của Nhà, đến nay bé Tiên đã được chuyển sang Khoa Phục hồi chức năng và có thể nhận biết được mọi vật xung quanh. Đây là sự tiến bộ đáng kể, khiến các chị mừng vui không kém gì người thân của bé. Ngoài việc kêu gọi quyên góp, các chị còn tổ chức nhiều hoạt động khác để gây quỹ như bán đấu giá, tổ chức đêm nhạc từ thiện. Đến nay, ngoài việc giúp đỡ cho các bé, Nhà còn mở rộng đối tượng cần quan tâm là những người già neo đơn, người lao động nghèo trên địa bàn thành phố. Đều đặn hằng tháng, vào mùng 8 âm lịch, các chị tự nấu và phát 200 - 300 suất cơm chay, mì chay tại địa chỉ 93A Nguyễn Chí Thanh (Đà Nẵng) với mong muốn chia sẻ phần nào những bữa ăn tình thương đến với mọi người.

Chúc các chị có đủ sức khỏe và niềm vui trong cuộc sống để tiếp tục góp sức mình trong hành trình gieo mầm sống xanh cho từng mảnh đời bất hạnh...

Thảo Vy