Nhà rôi trăm tuổi – hồn cốt làng quê Việt

Thứ tư, 21/01/2015 09:00

(Cadn.com.vn) - Tre phản ánh cốt cách Việt: giữ làng, giữ nước, làm vật dụng, cấu kiện nhà. Thời của bê-tông, nhà tre với những vật dụng xưa cũ đã dần vắng bóng...

Theo từ cổ, nhà tre còn được gọi là nhà rôi. Ở Quảng Nam, hiếm hoi, có một ngôi nhà rôi hơn 120 năm tuổi, là nhà ông Lương Hoài Nam (1946, thôn Trung Phú 2, xã Điện Minh, Điện Bàn). Với mái lợp tranh săng, nhà rôi 1 gian 2 chái của ông Nam rộng chừng 40m2, xoay mặt về sông Khúc Lũy -địa danh gắn liền với thành cổ La Qua, dinh trấn Quảng Nam thời chúa Nguyễn. Nền nhà nện đất, giàn cột lim cùng vì kèo, đòn tay, khu đĩ bằng tre ngâm, đã sẫm màu và không hề hư hại. Vách hai đầu hồi là những tấm phên lương trét phân trâu trộn nước cây bời lời. Giữa những tấm phên thưng vách để lộ ra những song cửa tre cật, được tháp dây mây tinh tế.

"Ai bảo tre không bền. Mỗi cây ngâm dưới bùn chục năm mới vớt lên. Tôi thử đặt mẩu tre ngâm dưới khúc gỗ, mối phải lèn qua tre để ăn gỗ"-ông Nam nói. Ông nhớ về cái thời xóm làng dọc sông Thu Bồn rợp bóng tre. Người ta đan nan cót, giỏ mang xuống phố Hội bán cho thương thuyền. Có người làm cả khung nhà tre ngâm, chuyển ra cửa Hàn bán. Thời ấy đã xa xôi. 3 năm trước, phên thủng, ông Nam sửa lại bằng cách... xây tường. Thành ra, nhà rôi thành nhà mái tranh, vách... xi-măng. Rồi mái tranh săng cũng dột, ông lợp tôn, chừ, lợp lại tranh, nhưng gắng thế nào vẫn không thể làm mái y hệt xưa. Nhức mắt khi nhìn cột lim, thanh tre láng bóng xen vào bức tường xây!

Nhà của họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ.

Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, nhiều năm lui tới ngôi nhà này để nghiên cứu, nói: “Cả nước mình, chừ tìm không ra nhà rôi có tuổi trăm năm thế này đâu”. Theo họa sĩ, cùng những di tích còn lại của dinh trấn Thanh Chiêm, ngành chức năng nên có cách đưa ngôi nhà vào bảo tàng nhà Việt. Thời xưa, chỉ hào phú mới làm nhà rường cột gỗ kê đá, còn hầu hết ở nhà rôi. Bởi vậy, có thể nói những ngôi nhà rôi như nhà của ông Nam mang đủ hồn cốt dân giã làng quê Việt. Con cháu bảo phá đi, ông Nam không chịu bởi đó là kỷ niệm 4 đời người. “Tôi biết tấm lòng cha tôi với ngôi nhà, nhưng bảo tồn và bảo quản là hai chuyện khác nhau, bảo tồn thì tôi bất lực bởi hai chữ “tiền đâu"?- ông Nam ngậm ngùi.

Thế nhưng, cũng có người, giữa rộn rịp phố thị, lại thích ở nhà rôi. Đó là họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, người có nhiều năm nghiên cứu về nhà cổ. Tháng 10 vừa qua, họa sĩ là người nước ngoài duy nhất nhận giải Daifumi của Trường ĐH Toyama (Nhật), giải thưởng ghi nhận công lao những người bảo tồn kiến trúc cổ.

3 năm trước, ở TP Tam Kỳ, ông dựng một căn nhà theo phong cách mái lá Bình Định: hai trần mái, trần thứ nhất đắp bằng đất sắt trộn rơm, trần thứ hai lợp tranh, tường đắp bùn đất. Họa sĩ bị kiện vì nhà mái tranh như vậy, giữa phố xá dễ gây cháy! Tức mình, bán nhà, họa sĩ lên gần khu thánh địa Mỹ Sơn (thôn Mỹ Sơn, Duy Xuyên, Quảng Nam), mua 1.000m2 đất, làm một cái nhà mà ai cũng gọi là “quái”. Nhà một gian hai chái, bề ngang 9m, bề sâu 4m, bao quanh là một hồ nước có sen, có cá, để lúc rảnh, họa sĩ ngồi trong buồng, phóng cần câu ra hồ.

Giàn cột lim cùng toàn bộ vì kèo, đòn tay, khu đĩ bằng tre ngâm vẫn còn nguyên vẹn.

Nhà có hai mái. Mái đất dùng bùn trộn rơm được đỡ bởi mành tre. Mái trên đan tranh. Tường nhà, Thượng Hỷ dùng bùn trộn rơm, rồi phết một thứ hóa chất nào đó làm tường lộ ra những vân nứt nhưng sờ tay vào không hề bị dính chút đất, bóng loáng. Tất cả các kiện cấu cột, kèo, tránh đều bằng tre, nối với nhau bởi dây mây. Các gian phân nhau cũng bằng những khung họa tiết tre, hoặc mành. “Nhà chỉ có 4 chất liệu, tranh tre nứa đất; tre trong làng, tranh trong núi, đất trong ruộng, rơm ở đồng; bốn mươi triệu đồng có cái nhà, quá rẻ”–họa sĩ nói.

Thậm chí đòn ghế, bàn cũng bằng tre. Theo họa sĩ, nhà có 2 trần tranh - đất này thuộc kiểu nhà Thang Lâm, chỉ có từ sông Gianh trở vô. Giả thuyết rằng người Việt di cư vô Nam, ở chỗ xa trung tâm gạch ngói, học văn hóa Chăm mà làm một kiểu nhà chống cháy: nếu cháy trần tranh thì lửa không lan xuống dưới vì đã có trần đất; lại chống bão: trần đất đè nặng lên cấu kiện nhà. Bản thân họa sĩ đã nhận giải khuyến khích với đề tài “Tìm hiểu về văn hóa cổ truyền Việt Nam: nhà lá mái – kiến trúc sinh thái cần phải bảo tồn” của Viện kiến trúc Việt Nam.

Đã có người của công ty du lịch tới ngỏ họa sĩ làm homestay, cho khách Tây ở lại qua đêm. Nhưng, với họa sĩ, ai tới ngủ lại cũng được. Nhìn ra trước nhà, um tùm cỏ dại; giàn bầu, dây bí trĩu quả. Thượng Hỷ nói không thích trồng cây cảnh. Tối, râm ran ếch kêu quanh hồ. Sáng mai, sương nhuộm mấy vạt rau muống; xa xa, mây hồng nhuốm hòn Đền…

Mai Thành Dũng