Nhà thơ Cao Phương và "Quán gió lùa"...

Thứ sáu, 04/08/2017 11:11

Nhà thơ Cao Phương vừa ra mắt tác phẩm mới “Quán gió lùa” (NXB Hội nhà văn quý III-2017) tại quê nhà xứ Quảng. Lời giới thiệu ở phần đầu tập thơ, tác giả cho biết, cảm hứng viết tập thơ từ một lần tình cờ về thăm quê mẹ, biết được địa chỉ của anh Trần Phước Ninh, qua chuyện kể của anh, “đánh thức trong tôi một kỷ niệm đã ngủ quên ngót 70 năm trước” về một quán gió lùa chỉ tồn tại mấy tháng nhưng để lại trong tâm thức tác giả nhiều duyên nợ thật đẹp và cũng lắm gian truân. Nhà thơ Cao Phương tên thật là Lê Cao Phương (sinh năm 1933 tại Hội An, Quảng Nam), Hội viên Hội Nhà văn VN từ năm 1977, đã xuất bản 8 tập thơ và 1 tập khảo luận. "Quán gió lùa" là tập thơ thứ 8 của ông, lật mở từng trang thơ có thể thấy quê nhà réo rắt, du dương, se sắt cõi lòng: “Ngồi đây say với gió lùa/ Gửi lòng chợ Được, chợ Chùa/ Bấy nay/ Đau cùng em nỗi heo may/ Vui sao mắt mẹ nắng ngày tín phong”. Nhà thơ Cao Phương có bút lực rất dồi dào, ánh lửa thi ca là “một quần ráng đẹp lung linh”, bằng chứng là từ năm 2010 đến nay, ông đã xuất bản 4 tập thơ: Nhớ, Trong bước trẻ, Trong gánh đường trường và Quán gió lùa. Đọc thơ ông, có thể thấy địa danh quê nhà xứ Quảng bàng bạc, chìm sâu cõi mộng nhưng vẫn rất thực, bởi cái tình cái nghĩa được ông gửi gắm vào đó.  Với một nơi đặc biệt như Hội An, chắc hẳn khi dừng chân qua bao dâu bể cuộc đời, trong ông dâng trào nỗi niềm cảm xúc khó tả: “Có phải ấy/ dung nhan của mẹ?/ cốt cách của cha?/ Nước Thu Bồn/ xanh thẳm tình ta/ hay dải lụa óng ánh duyên nhau/ dáng Phố?”. Hội An, miền đất cổ tích vẫy gọi, đối với ông, dáng phố còn chan chứa duyên nợ, đượm thắm hồn người hòa quyện “dung nhan của mẹ”, “cốt cách của cha”.

26 bài thơ trong "Quán gió lùa", những miền đất của trầm tích, gắn liền vỉa tầng văn hóa, dấu chân tuổi trẻ vẫn là cảm hứng chủ đạo thơ Cao Phương, khiến người đọc dâng trào nỗi niềm quê xứ, khắc khoải và nghẹn ngào. Trong buổi gặp gỡ, ông chia sẻ nhiều về cảm hứng ra đời tập thơ, về nỗi nhớ đất mẹ, về những ngày “xửa xừa” chiến tranh gian nan, chứa chan tình người, về những thân hữu “rút ruột nhả tơ”, hằng ngày vẫn bám víu vào thơ, bởi thơ là sợi dây gắn kết tâm hồn đồng điệu gần gụi với nhau. Qua bao nỗi niềm nơi viễn xứ, ông đã dùng thơ cất tiếng, ghi lại những điều “tai nghe mắt thấy” nơi xứ người, nhưng về với đất Quảng, có lẽ cảm xúc dâng trào đặc biệt hơn bao giờ hết, bởi vì ông đang say đắm vẻ đẹp tuyệt vời của quê hương: “Hoa ư?/ nghìn rạn san hô/ thảm rừng trắng, tím/ bốn mùa khoe tươi/ Rượu quỳnh?/ Đấy vỏ ốc cừ/ ráng sa đáy chén/ lắc lư vú nàng” (Cổ tích Cù Lao Chàm). “Thạnh Mỹ - em” cũng là một bài thơ ghi dấu yêu thương trọn vẹn: “Về Thạnh Mỹ/ không phải như năm xưa/ từ phía Ngọc Linh/ Vất vả dò dòng Đăk Mi từng bước/ Anh đang từ Đò Ba Bến bắt xe lên/ tìm nơi ở đã hằn ký ức/ hơn bốn chục năm trôi/ bồi tích biết bao nhiêu tình!”, có những nơi chốn đã lùi về nơi xa lắm nhưng “đã hóa linh hồn” muộn mằn ký ức, để rồi một ngày nào đó hiện về thật rõ thật gần, bởi tình người đã “bồi tích” tận miền sâu thẳm yêu thương. Khi ta đi biết bao giờ nói trở lại, khi trở lại cõi lòng thấy xanh thêm... Bài thơ “Với vũ khúc gà” là giây phút thư thái bên cháu, nhà thơ bỗng trẻ lại một thuở thần tiên: “Say sưa với vũ khúc gà/ Dáng điệu Văn/ Khiến cả nhà cười no/ Gà thì O ó ò o/ Văn cười/ chân xoáy tròn vo/ liên hồi/ Tết gà trên cánh kia rồi/ Cỏ cây đua sắc/ khắp trời khoe hoa/ Đâu đây/ Cục tác cục ta/ xuân vui mắt trẻ/ lòng già hóa xuân”.

Phần cuối tập thơ là trường ca thể nghiệm “trọn tình yêu biển cả”, lấy cảm hứng từ chiếc ghe bầu và công cuộc xuôi về phương Nam mở cõi của biết bao thế hệ cha ông đi trước. Trường ca có đoạn: Gom bờ bãi Thu Bồn - Vu Gia/ xanh óng tàm tang/ Gom cả vị lịm vị thanh/ đường phổi, đường phèn/ phủ Quảng Ngãi kế cận phía Nam/ Gom trọn/ sáu ngõ nguồn về phố Hội!... Gấp lại tập thơ dày dạn, nhiều nghĩ suy vẫn còn đang khai mở, hy vọng sẽ còn nhiều độc giả đồng cảm và khám phá, như tác giả đã chia sẻ: “mong mọi người có được phút vui với Quán gió lùa”.

 PHAN NAM