Nhà thơ Hoàng Lộc, tác giả bài thơ “Viếng bạn”
Nói đến đấy, ông bạn vong niên của tôi ngừng bặt, mắt dõi xa xăm vào khoảng không vô định, như thể đang đối diện với Hoàng Lộc trong cõi u huyền, kỳ bí nơi miền tâm linh. Sau câu chuyện không đầu không cuối ấy, chúng tôi chia tay nhau, ai về nhà người đó. Tuy vậy, lòng tôi vẫn cứ vương vương một điều gì đấy, trĩu nặng nhưng mơ hồ. Tối đến, tôi không làm sao chợp được mắt. Những câu thơ của Hoàng Lộc cứ lởn vởn mãi trong đầu, ray rứt. Thế là lại lọ mọ ngồi dậy bật đèn viết, vừa viết vừa bồi hồi.
Viếng bạn được Hoàng Lộc sáng tác vào năm 1947, giữa lúc phong trào toàn dân kháng Pháp đang dâng cao. Bài thơ vỏn vẹn chỉ có 6 khổ thơ 5 chữ, lặng thầm từ mạch nguồn rung cảm cho đến thủ pháp nghệ thuật, nhưng sức ngân rung của nó thì chừng như vô tận. Ngân rung bằng những câu ít có vẻ thơ nhất: “Đứa nào bắn anh đó/ Súng nào nhằm trúng anh/ Khôn thiêng xin chỉ mặt/ Gọi tên nó ra anh!/ Tên nó là đế quốc/ Tên nó là thực dân/ Nó là thằng thổ phỉ/ Hay là đứa Việt gian?”.
Cái tài của Hoàng Lộc là không câu nệ thủ pháp, câu cú mà cứ mặc cho cảm xúc tự va đập vào tâm khảm, để rồi từ trong thẳm sâu ẩn ức thơ bật ra như một lời nấc nghẹn. Thơ ấy mới thực là thơ. Thơ rút ruột ra mà viết. Thơ trào lên từ tim óc. Chẳng thế mà nhà thơ Pháp Lamartine từng cho rằng “Những tiếng hát hay nhất là những tiếng nấc”. Và đây là tiếng nấc nghẹn của Hoàng Lộc trong tâm khúc Viếng bạn đầy tiếc nhớ, đắng đau: “Khóc anh không nước mắt/ Mà lòng đau như cắt/ Gọi anh chửa thành lời/ Mà hàm răng dính chặt”. Chẳng cần thêm một chữ nào nữa. Nỗi đau đến thế là tận cùng. Nó vang động tận đáy lòng ta. Vang động cả tâm hồn dân tộc bằng một nỗi đau chôn chặt, câm nín. Có lẽ cũng bởi vậy mà thơ Hoàng Lộc lay được chúng ta, lay bằng những tiếng nấc trần tình. Rồi chẳng hiểu sao khi đọc những câu thơ ấy, tôi lại chợt rùng mình liên tưởng đến cái chết của người lính vệ quốc trong bản tráng ca Tây Tiến: “Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/ Áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành”, và ngỡ đấy là sự ra đi của Kinh Kha. Chính cái chất trầm hùng, bi tráng mang dáng dấp hiệp sĩ này đã làm dậy cả hồn thiêng non sông, trở thành tượng đài bất tử về hình ảnh người lính ngã xuống cho đất nước trọn niềm vui, tấu lên khúc khải hoàn ca chiến thắng.
Sự ra đi của người lính vệ quốc trong thơ Hoàng Lộc không đậm một màu hiệp sĩ như ở Quang Dũng, nhưng vẫn ánh ỏi được sự mặn nồng, thiêng liêng giữa tình đồng chí, đồng đội và nhân quần: “Ở đây không gỗ ván/ Vùi anh trong tấm chăn/ Của đồng bào Cửa Ngăn/ Tặng tôi ngày phân tán”. Giá trị nhân bản của Hoàng Lộc là ở đó. Chính cái tình của Hoàng Lộc đã quyết định sức sống lâu bền của bài thơ: Tuy có sắc buốt, có đau thương, mất mát nhưng vẫn ấm nóng tình người, tình đời. Đấy chính là đốm lửa nhân ái cứu rỗi bài thơ không bị chìm vào cảnh ngộ bi lụy, não nề.
Bài thơ Viếng bạn ra đời chẳng được bao lâu thì chính tác giả của nó (vào năm 1949) đã ngã xuống trong một chuyến đi công tác. Và lại có người thổn thức cái điều mà trước đó Hoàng Lộc từng thổn thức: “Khóc anh không nước mắt/ Mà lòng đau như cắt/ Gọi anh chửa thành lời/ Mà hàm răng dính chặt”.
Hoàng Lộc khép lại bài thơ Viếng bạn với hình ảnh: “Mai mốt bên kia rừng/ Anh có nghe súng nổ/ Là chúng tôi đang cố/ Tiêu diệt kẻ thù chung”, cứ găm mãi vào lòng người thảng thốt, day dứt mà cũng đầy kiêu hãnh về lẽ sống của những con người oanh liệt trong một thời đại oanh liệt.
Trịnh Chu