Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh: Phơi trong miền ký ức (*)
Sau 3 tập thơ Hoa ven sông, Khi xa mặt đất và Thơ tình Nguyễn Ngọc Hạnh, đầu năm nay, tác giả vừa trình làng một ấn phẩm mới có cái tên đầy gợi cảm: Phơi cơn mưa lên chiều. Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh nhiều hoài niệm, sự hoài niệm của một người từng trải đã và đang sống trong những tháng ngày không yên tĩnh. Cái biển đời vô định ấy, êm dịu chỉ là khoảnh khắc, bão giông luôn rình rập thử thách con người. Qua muôn nẻo buồn vui, khi cuộc đời đã tà tà chiều buông, người ta thường hay hồi tưởng quá vãng. Không ồn ào, chỉ là sự cảm nhận từ quỹ đạo rơi của một chiếc lá mùa thu trùng với quỹ đạo rơi của một người chẳng còn trẻ nữa:
Một chiếc lá vàng rơi rất thấp
Rơi theo chiều tôi đang rơi
(Thu rơi)
Tâm hồn của người làm thơ thật nhạy cảm, vì thế họ mới "nhìn" được sự vật bằng trái tim để đồng nhất hóa vô tri với ý thức. Khách thể và chủ thể đã hòa làm một trong sự chia sẻ thân thiện. Chất lượng sáng tạo thi ca chủ yếu được đo bằng hình ảnh trong bài thơ. Hình ảnh tầm thường không dung chứa những phát hiện cuộc sống và trống rỗng về ý nghĩa. Nguyễn Ngọc Hạnh biết đan cài cái thực và cái ảo trong các thi ảnh vì thế nó tạo nên được hiệu ứng cảm thụ thú vị: Thôi đành lỡ với đò ngang/Đi không cùng chuyến ngỡ ngàng/Chiêm bao/Biết là chân thấp trời cao/Vầng trăng phía trước bèo ao phía này (Câu thơ mắc cạn).
Trải nghiệm và hoài niệm là "cặp bài trùng" trong nhiều bài thơ của Nguyễn Ngọc Hạnh. Bằng hai yếu tố đó, anh đã mở cửa vào miền ký ức của mình một cách suôn sẻ. Miền ký ức ấy, trước hết là làng quê, nơi nhà thơ sinh ra, lớn lên và đi theo anh suốt cả cuộc đời. Cho đến bây giờ, sau những rộng dài ngang dọc của đường đời, chạm vào bao nhiêu mùi thiên hạ, anh vẫn cứ thương hoài/mùi bếp lửa chiều quê (Chạm đáy sông đầy). Dẫu rằng, như anh thành thực tự nhận, cái tình cảm mình dành cho quá khứ còn chậm muộn, trễ tràng: Khi tóc bạc mới thương ngày thơ bé/Để bây giờ yêu muộn thuở còn xanh (Muộn)
Tâm trạng này không chỉ riêng anh có, tôi nghĩ thế. Đâu ít người thời trai trẻ đã muốn "trốn chạy" khỏi làng quê nghèo khó của mình. Rồi sau đó do rong ruổi, mải mê làm ăn mà nhạt nhòa hình bóng quê nhà. Đến khi tạm gọi là yên ổn, chợt giật mình nhớ tới ngày xưa. Cảm giác ngỡ ngàng, hụt hẫng khi về quê của Nguyễn Ngọc Hạnh cũng là điều dễ hiểu:
một mình/đứng tựa bơ vơ/sông xưa
đã lấp đôi bờ cỏ khô/sông giờ
cạn hẹp thành ao/người về/đâu biết ngõ nào là quê (Lạc). Cái mặc cảm đánh rơi tuổi thơ day dứt trong anh, có lẽ không chỉ một lần, mà cả những "khi ngồi đếm từng đồng tiền lời/ chìm nổi/ mới hay tôi lỗ vốn tuổi thơ mình" (Nhớ tôi). Chính những kỷ niệm đến từ xa xưa đã giúp anh cân bằng tâm trạng. Quá khứ dường như đã làm cho tâm hồn con người lắng lại, sống chậm rãi, bình tĩnh hơn trước dòng chảy ào ạt của hiện tại. Tôi nghĩ, nhiều nhà thơ viết về quá khứ như là một cách giải tỏa bức bối, ẩn ức trước muôn vàn hỗn tạp nhiễu nhương của xã hội đương thời trong đó có Nguyễn Ngọc Hạnh. Đây, cảnh xưa, người xưa sống lại trong những vần thơ của anh, đẹp đến nao lòng: Ngã ba này là bến sông xưa/Hồn phố cổ chứa trong tà áo đẹp/Bao năm rồi người xa biền biệt/Bóng trăng quê giữa phố vẫn rằm/ (Ngã ba tình).
Trong tập thơ này, Nguyễn Ngọc Hạnh có những bài viết về người thân xúc động. Cha, mẹ là hai nhân vật mang nhiều kỷ niệm nhất đối với anh. Có thể viết ra hàng trăm trang, kể đủ mọi chuyện về cha mẹ nếu là văn xuôi. Còn thơ lại khác, tối kỵ sự rậm rạp nhiều lời. Chọn bối cảnh, không gian, thời gian, chi tiết nào để kiệm lời mà nói được nhiều nhất tình mẫu tử, phụ tử đòi hỏi sự tinh tế ở mỗi nhà thơ. Nguyễn Ngọc Hạnh ít nhiều đã làm được điều đó. Anh viết về mẹ, từ một ý của dân gian "Nơi ướt mẹ nằm, nơi ráo con lăn": nơi mẹ nằm yêu thương đến vậy/nên suốt đời chỗ ướt vẫn chưa khô (Chỗ mẹ nằm).
Niềm tri ân canh cánh cũng là nỗi ám ảnh khôn nguôi. Đời mẹ gánh gồng bao vất vả lo toan, cái khổ cái nghèo đeo đẳng chưa bao giờ dứt. Tất cả cũng chỉ vì con; từng miếng cơm manh áo đổi biết bao mồ hôi mặn mòi của mẹ. Một mẹ nuôi được mười con chứ mười con không nuôi tròn một mẹ. Đúc kết của dân gian đấy, ít ai không chạnh lòng khi nghĩ về mẹ của mình. Thế mới càng đồng cảm với Nguyễn Ngọc Hạnh khi anh về chợ quê để được ngồi vào chỗ của mẹ ngày xưa: Ai bày, nào có ai bày/Mình tôi ra chợ chiều nay/Ngồi chỗ mẹ ngồi thuở ấy/Mà sao đôi mắt cay cay (Chợ quê).
Đồng hành với mẹ là cha giữa cuộc sống gian truân. Bao nhiêu nỗi buồn nhân thế còn đọng kết trong anh nên thơ ít hân hoan là vậy. Buồn khi nghĩ đến mẹ như tôi đã dẫn. Buồn khi nghĩ đến cha: Cả một đời lội suối trèo non/Cha gánh hết muôn phần khó nhọc/Thương mẹ tảo tần, nuôi đàn con ăn học/Bao đau buồn đều dành hết cho cha (Cha)
Buồn khi đứng trước mộ con là nỗi buồn thiên thu còn chưa tắt: Ai dán tiếng cười con tôi/rong rêu bia đá
lấp lánh hoàng hôn giữa nghĩa trang/
(Viếng mộ con)
Phần êm dịu nhiều thương mến nhất của tập thơ anh dành cho tình yêu. Đấy là tình yêu đã đằm chín, thắm đượm. Có vị ngọt của sự lãng mạn, có hương thơm của lòng nhung nhớ trong một thái độ ân cần, trân trọng: Thơ tôi không làm thêm nhan sắc/Em cứ lặng thầm mà chín vào trong (Nhan sắc). Tình yêu hòa cùng đất trời, cái nhỏ bé không bị choáng ngợp trước bao la và thơ bỗng hóa thành bản bolero dịu dàng trong buổi chiều mưa rơi thánh thót: Cơn mưa phơi lên chiều trôi/Như tóc em bay lưng trời/Cứ thong thả thế không cần vội/Mưa rơi chầm chậm cùng tôi (Phơi cơn mưa lên chiều). Chuyển động của đời, chuyển động của thơ đã được điều tiết về tốc độ chậm. Chậm để được nhìn thấy, được lắng nghe rõ hơn, kỹ hơn. Của cái bây giờ và của cả cái xa xưa. Như sự lắng lại của tâm hồn từng vượt qua nhiều biến động. Ta bắt gặp những khúc chậm đáng yêu trong thơ Nguyễn Ngọc Hạnh: Tôi vẽ giấc mơ mình lên cây/Viết tên em trên từng chiếc lá/Theo chân về mưa trưa nắng lạ/Cứ dò tìm từng bước em qua (Nhớ Hội An).
Thế cũng đủ làm nên một miền thơ man mác có rất nhiều xa xăm, vời vợi. Chẳng cần tới sự ồn ào, rậm rạp, thơ Nguyễn Ngọc Hạnh thoáng đãng, thong thả, dễ đọc, dễ cảm. Cái mới nằm trong sự phát hiện chi tiết, trong ý thơ, kiểu như:
-Phơi cơn mưa lên chiều
-Mỗi đời người là một ánh chớp, có thể lóe sáng rồi tắt lịm.
Và, em là vì sao ấy
Nở bung ra
Bầu trời
(Có một ngày)
Có thể, tôi chưa đi hết các lối nẻo trong miền ký ức của anh. Chỉ là những nét chấm phá về một tâm hồn đa cảm, nhiều hoài niệm. Phần cảm nhận còn lại, đầy đủ hơn thuộc về các bạn, khi chúng ta cùng Nguyễn Ngọc Hạnh đọc chậm tập thơ Phơi cơn mưa lên chiều của anh.
NGUYỄN HỮU QUÝ
(*) Tập thơ Phơi cơn mưa lên chiều của Nguyễn Ngọc Hạnh, Nxb Hội Nhà văn, 2018