Nhà thơ Thanh Quế và trải nghiệm "Nơi phòng đợi"

Thứ sáu, 20/05/2016 09:53

(Cadn.com.vn) - "Nơi phòng đợi" là tác phẩm mới nhất của nhà thơ Thanh Quế, do NXB QĐND ấn hành ra mắt bạn đọc. Tác phẩm gồm 45 bài thơ viết về quê hương xứ sở, tình gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, cùng những chiêm nghiệm về thế thái nhân tình...  Nhà thơ Thanh Quế là người cầm bút thuộc thế hệ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Thanh Quế chuyển động không ngừng, từ thơ, truyện ngắn đến tiểu thuyết, bút ký, chân dung văn nghệ..., song bạn đọc vẫn thường nhớ đến ông là một nhà thơ. Thơ Thanh Quế thường lặng lẽ hướng vào nội tâm. Đặc biệt, ở tập thơ "Nơi phòng đợi" lần này, hầu hết là những  sáng tác mới của ông, với đề tài đa dạng, cảm xúc ngồn ngộn, nhưng ngôn từ chắt lọc kỹ càng, sắc sảo và đôi khi đầy tính minh triết.

Sau gần nửa thế kỷ cầm bút, Nơi phòng đợi là tập thơ thứ 15 và cũng là đầu sách riêng thứ 37 của nhà thơ Thanh Quế. Ông đã từng nhận được nhiều giải thưởng văn học danh giá của Trung ương và địa phương. Thế nhưng, có dịp gần gũi, mới thấy được ít có người cầm bút nào luôn đau đáu, trăn trở về nghề như ông. Một lần trong chuyến đi công tác cùng ông, thấy một bạn đồng nghiệp trẻ suốt ngày dán mắt vào tờ báo trên tay, ông chợt nổi cáu nhắc nhở: "Sao cả ngày cậu cứ đọc báo mãi vậy? Việc đó để cho anh em làm báo. Muốn làm thơ, viết văn thì mỗi ngày phải đọc ít nhất 200 trang sách...". Trong tác phẩm ra mắt lần này, ông không ít lần tự vấn mình trên con đường sáng tạo: "Có hai con đường/ Tài năng/ Và lao động/ Mỗi người đi một đường/ Tôi theo đường thứ hai" (Con đường sáng tạo). Nơi phòng đợi của Thanh Quế làm gợi nhớ đến một nhận định của nhà nghiên cứu Jakobson: "Thi ca, so với những giá trị xã hội khác, tuy không vượt bậc, không lấn lướt, vẫn là thành tố cơ bản của ý thức hệ, luôn luôn quy về một đối tượng. Thơ giúp ta khỏi trở thành máy móc, bảo vệ chúng ta chống lại sự han rỉ đang hăm dọa những công thức về tình yêu và thù hận, về phản kháng và hòa giải, về đức tin và phủ nhận".

Còn theo Thanh Quế: "Mỗi người chúng ta đang sống tức là đang ngồi ở phòng đợi để đi vô căn phòng vĩnh cửu. Cuộc sống hiện tại của chúng ta chính là phòng đợi để đi vào vĩnh cửu". Nói vậy nhưng Thanh Quế chưa bao giờ mệt mỏi, dù có những lúc ông từng trải nghiệm: "Viết/Lại nằm xuống/ Nghĩ thêm/ Câu tiếp.../Xong cả bài thơ/ Lão nằm lẩm nhẩm đọc / Chẳng rõ vì sao/ Lão tự nhiên òa khóc" (Nhà thơ già).

 

T.T.S