Nhà thơ Vạn Lộc: Đau đáu một hồn quê

Thứ ba, 06/09/2022 15:56
Nhà thơ Vạn Lộc tên thật là Võ Thị Hội- sinh năm 1946 tại làng Đông Yên, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ở cái tuổi U80 nhưng trông bà còn rất trẻ, rất khỏe khoắn. Bà đang là hội viên Hội Nhà văn TP Đà Nẵng hội viên thơ Đường Luật Unesco Việt Nam.
Ca khúc "Hà Nội ơi" do tác giả phổ thơ Vạn Lộc.
Ca khúc "Hà Nội ơi" do tác giả phổ thơ Vạn Lộc.

Tuy tuổi đã cao nhưng hoạt động nghệ thuật rất sôi nổi, phải nói rằng bà viết đều tay đầy mãnh lực. Có thể nói, lớp trẻ luôn ngưỡng mộ và khâm phục sức sáng tạo của nhà thơ. Bà liên tục nhận được những giải thưởng về thơ thật đáng tự hào và ngưỡng mộ. Không thể kể hết các giải thưởng và giấy khen, giấy chứng nhận bà đã được gặt hái trong những năm qua.

Tôi quen bà qua facebook, đọc thơ của bà tôi rất thích. Đề tài bà viết rất phong phú: tình cảm gia đình, cuộc sống muôn màu, và đặc biệt là mảng thơ văn về quê hương đất nước. Đọc thơ bà tôi được lạc vào thế giới mộc mạc thanh bình của làng quê, những sinh hoạt, những món ăn dân dã, tình người ấm áp chân thành, giản dị,dạt dào tình quê.

Được tin bà nhận được giải Nhất cuộc thi thơ lục bát tại Ngày hội Mì Quảng - Phú Chiêm tại làng Thanh Chiêm, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn- năm 2022 tôi không ngạc nhiên. Đọc bài thơ này, chúng ta thấy được, cho dù qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời, bà nếm biết bao nhiêu món ngon, món lạ nhưng tô mì Quảng- món đặc sản của nơi chôn nhau cắt rốn đối với bà không chỉ là món ăn mà nó chính là hồn cốt quê hương, niềm tự hào của bà và người dân xứ Quảng: "Tôi về xứ Quảng quê tôi/Cánh đồng chiêm trũng, bãi bồi, cồn dâu/Phù sa sông Thu mỡ màu/Thơm hạt gạo xiệc, ruộng sâu ơn người/Chỉ là tô mỳ Quảng thôi/Mà hồn, mà cốt đất trời Phú Chiêm/Cũng tôm, cũng thịt kho rim/Con cua đồng bãi ngọt niềm hương quê/Ai xa xứ lòng quay về/Bến đò, con nước, bờ tre, tô mỳ…"… (Gánh hồn làng đi).

Bài thơ là nhịp cầu nối cho những du khách thập phương yêu thích món ăn quê hương Quảng Nam. Có thể nói bà đã gánh hồn quê hương giới thiệu cùng bè bạn khắp đất nước. Khơi gợi lòng yêu quê hương - mảnh đất mà tình cảm con người luôn mặn mà như nước biển Tam Thanh- ngọt ngào như giọng nói mô tê răng rứa của người dân xứ Quảng.

Tin vui gần đây nhất là ngày 29-8-2022 nhà thơ Vạn Lộc vinh dự được trao giải nhất cuộc thi thơ Đường luật do Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam - Trung tâm UNESCO nghiên cứu văn chương Việt Nam tổ chức tại thành phố hoa phượng đỏ xinh đẹp- Hải Phòng- với thi phẩm "Ảo ảnh": "Cứ trách tình đầu năm tháng trôi/ Yêu thương chẳng nói được nên lời/Hai lòng khắc khoải, hai tâm cảnh/Mỗi ngả bơ vơ, mỗi hướng đời/Mắt thoáng nhìn gương mà tưởng bóng /Tim dồn ủ áo để tìm hơi/Lần trong ảo ảnh còn chi nữa/Khi cánh chim xưa bạt cuối trời!".

Nhà thơ Vạn Lộc cũng như bao người con xứ Quảng, yêu quê hương tha thiết, luôn góp một phần công sức của mình xây dựng quê hương bằng những việc làm nho nhỏ. Không ngại khó ngại khổ, không ngại tuổi cao, bà luôn tham gia các hoạt động xã hội , tài trợ cho các chương trình vì người nghèo, chia sẻ những khó khăn với các em học sinh nghèo bằng những học bổng rất ý nghĩa.

Nhìn hình ảnh của bà tươi trẻ trong bộ áo dài đi trao học bổng cho các em học sinh tôi rất thích. Không phải ai ở tuổi này cũng làm được những việc như bà đang làm. Qua trang facebook của bà tìm thấy nhiều bài thơ chan chứa tình quê. "Ngày xa đất mẹ Duy Trinh/Lòng tôi vẫn ấm nghĩa tình quê hương/Những bờ tre, những con đường/Quê nghèo mà nặng yêu thương một đời" (Tạ ơn quê"; hay về Đà Nẵng, nơi bà đang sinh sống: "Tôi về thăm miền đất/Tên hiền hòa như sen/Dòng Cu Đê uốn lượn/Hương núi rừng say men/Chiều Hòa Trung xanh ngắt/Trời xanh hay hồ xanh" (Chiều Hòa Liên) và "Vách đá rêu phong chắn bụi trần/Bồng bềnh mặt biển, sóng ôm chân/Tàu qua khói tỏa, trời xa thẳm/Xe đến mây giăng, đất lại gần/Vi vút đèo cao lời lá hát.Rì rầm suối cạn tiếng ve ngân…"(Hải Vân quan".

Đọc những vần thơ như thế, ít ai ngờ rằng tác giả của nó là một cụ bà ngoài bát tuần. Nhưng đó là điều kỳ diệu của hồn thơ, nhưng như Vạn Lộc quan niệm, tuổi tác không làm tâm hồn già đi mà giúp cho tâm hồn nhiều trải nghiệm, tích lũy nhiều niềm yêu con người và thiên nhiên. "Hạc mây, đã níu ánh rằm/Đã thăm thẳm, đã xa xăm một đời/Còn bao nhiêu nữa xuân vui/Thì thôi cây cỏ, núi đồi an nhiên…".

Ngoài những bài viết về quê hương Quảng Nam, Đà Nẵng, bà còn cảm tác khi ngao du đến tỉnh thành khác, trong đó đặc biệt là thủ đô. Tình cảm bà dành cho thủ đô thân yêu theo một cách rất riêng. Ngôn từ không quá khoa trương, lộng lẫy mà cứ nhè nhẹ như một lời thỏ thẻ, như lời ru dạt dào tình cảm. Yêu thích bài thơ này tôi đã phổ nhạc và hát ca khúc này của bà từ sự đồng cảm trong nghệ thuật: "Đêm nay thức với sông Hồng/ta ôm tiếng sóng vào lòng ngủ quên"; "Ơi thu thảo, ơi gió mùa/thoảng như xe ngựa mới vừa qua đây/nắng Hồ Gươm, sương Hồ Tây/câu thơ chuốc rượu đô đầy tim nhau…" (Hà Nội ơi).

Tôi biết thơ bà có nhiều nhạc sĩ nổi tiếng phổ rồi, nhưng tôi muốn góp thêm vào " kho " của bà một tác phẩm giàu chất lãng mạn, trẻ trung, nhẹ nhàng tình cảm, lại là một ca khúc viết tặng thủ đô Hà Nội.

Nhạc sĩ Trần Thu Hường