"Nhà văn Nguyễn Chí Trung- một lòng son với Tổ quốc"

Thứ sáu, 28/07/2017 09:29

Ngày 26-7 tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam đã diễn ra buổi ra mắt sách "Nhà  văn Nguyễn Chí Trung-một lòng son với Tổ quốc" với sự tham dự của đông đảo bạn bè, người thân và giới cầm bút. Trong lời giới thiệu cuốn sách, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã dành những lời đánh giá cao về nhà văn Nguyễn Chí Trung: "Một con người bình dị, có quan điểm vững vàng, lập trường kiên định. Suốt cuộc đời trung thành với lý tưởng đã chọn, không hề suy suyển trong bất kỳ hoàn cảnh nào... Nhờ vốn kiến thức tự học mà Nguyễn Chí Trung tích lũy được tri thức phong phú, giúp anh sống và trưởng thành trên mặt trận văn nghệ, báo chí. Nguyễn Chí Trung viết báo, làm văn từ rất sớm, những truyện ngắn, bài báo đăng ở Quân khu mang tên Nguyễn Chí Trung được bạn đọc đánh giá cao, góp phần cổ vũ bộ đội chiến đấu, công tác. Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, Nguyễn Chí Trung đã thực hiện mở trại sáng tác, tập hợp nhiều cây bút chuyên và không chuyên, bồi dưỡng kiến thức văn chương, hướng dẫn, tạo cơ hội cho họ sáng tác. Nhiều người trong số đó sau này trở thành những cây bút tên tuổi, đóng phần quan trọng vào việc hình thành một đội ngũ lớn các nhà văn và tác phẩm viết về chiến tranh".

Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Cuốn sách "Nhà văn Nguyễn Chí Trung-một lòng son với Tổ quốc" dày gần 800 trang, do gia đình các bạn văn tổ chức thực hiện, như nén nhang tưởng nhớ đến nhà văn nhân một năm ngày mất. Cuốn sách gồm 5 phần: Thiếu tướng- Nhà văn Nguyễn Chí Trung trong lòng bầu bạn; Truyện và ký Nguyễn Chí Trung; Nguyễn Chí Trung qua những cánh thư; Nguyễn Chí Trung, người mãi còn đây; và phần cuối là phần ảnh. Các bài viết về nhà văn Nguyễn Chí Trung đều do các bạn văn: Thu Bồn, Mai Quốc Liên, Nguyễn Bảo, Vương Trọng, Hồ Duy Lệ, Ngô Thảo, Thanh Thảo, Thanh Quế, Thái Bá Lợi, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Bá Thâm, Anh Ngọc, Văn Công Hùng, Phùng Văn Khai, Đỗ Bích Thúy, Phạm Duy Nghĩa, Uông Triều...

Tại buổi ra mắt sách, nhiều bạn văn như Vũ Quần Phương, Vương Trọng, Lương Sĩ Cầm, em gái nhà thơ Trần Mai Ninh...  đã xúc động chia sẻ kỷ niệm và những việc làm chí tình, chí lý, nhân ái, ứng xử hồn hậu của nhà văn Nguyễn Chí Trung.  Trong đó, đáng chú ý phần kể của em gái nhà thơ Trần Mai Ninh, nhờ có nhà văn Nguyễn Chí Trung mà gia đình biết được nhà thơ Trần Mai Ninh hy sinh như thế nào và sau này được công nhận liệt sĩ... Cuốn sách đã phần nào khái quát được cuộc đời và sự nghiệp của ông-một nhà văn tận tụy với nghề, một chiến sĩ cách mạng luôn trung thành với lý tưởng, cống hiến trọn đời cho cách mạng, cho Tổ quốc. Những bài viết trong sách chỉ là một phần rất nhỏ về con người, cuộc đời của nhà văn bởi khó có thể kể hết những hy sinh mà ông đã cống hiến cho Cách mạng. Chính những điều không nói hết ấy khiến bạn đọc, người thân, đồng nghiệp càng nhớ và yêu quý ông hơn.

Nhà văn Nguyễn Chí Trung tên thật là Thái Nguyên Chung, sinh năm 1930, tại tỉnh Quảng Nam; quê tại TT-Huế. Cách mạng tháng Tám thành công, mới 15 tuổi, ông đã có mặt trong hàng ngũ những người chiến đấu ở mặt trận Đèo Cả. Ông đã kinh qua nhiều vị trí công tác, trên cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Để ghi nhận những cống hiến của Thiếu tướng-Nhà văn Nguyễn Chí Trung, Đảng, Nhà nước trao tặng ông nhiều phần thưởng cao quý. Trong lĩnh vực văn học, ông cũng được nhận Giải thưởng của Bộ Quốc phòng về Văn học Nghệ thuật, Giải thưởng Văn học Đông Nam Á, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật...

Tại buổi ra mắt sách, đa số bạn bè, đồng nghiệp của nhà văn ghi nhận: Với Nguyễn Chí Trung, lòng yêu nước, lý tưởng cách mạng và hành động chiến sĩ đã trở thành yếu tố hình thành nhân cách. Ông nhập cuộc văn chương cùng lúc với chiến đấu. Viết văn, viết báo và ra trận đánh giặc hòa lẫn vào nhau. Tác phong sống cụ thể, quyết liệt và cách hành xử nghiêm khắc đã theo ông cả cuộc đời. Ông có một vốn sống rất phong phú với biên độ rộng. Văn ông chưa tải hết những điều ông chất chứa trong lòng.

Nhiều nhà phê bình nhận xét văn tùy bút của Nguyễn Chí Trung có tình cảm đất đai, xứ sở chân thật, mộc mạc và đằm thắm. Ông yêu người dân nắng sương lam lũ và có lòng vị tha cao cả. Ông yêu đất đai nắng mưa bao đời vun xới thành phì nhiêu có sức nuôi người. Ông yêu cả truyền thuyết xứ sở, cổ tích về dòng giống, phong tục, lối sống. Tiểu thuyết của Nguyễn Chí Trung là tự sự hiện thực xen kẽ với những đoạn trữ tình mượn từ huyền thoại, dã sử và sự chiêm nghiệm của đời ông, chứ ít khi là sự trộn lẫn hai yếu tố đó từ trong cốt lõi của hình tượng nhân vật, sự kiện đời sống. Nhà văn Chí Trung viết không nhiều nhưng viết rất cẩn thận, có trách nhiệm với con người, quê hương, đất nước.

T.Q