Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Tôi viết sách để kéo tuổi thơ về với mình

Thứ năm, 02/05/2019 11:15

Nguyễn Nhật Ánh là cái tên không còn xa lạ với bạn đọc, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên. Ông không ngừng sáng tác những tác phẩm độc đáo với nội dung đa sắc màu cho các bạn trẻ. Đọc tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, chúng ta sẽ chiêm nghiệm thế giới của câu chuyện và có thể nhìn thấy hình ảnh của chính mình-đó là điều đặc biệt khi đến với "câu chuyện nhiều tập" của ông. Có lẽ chính sự chân thật, nồng nhiệt, sâu lắng, an yên và gần gũi toát lên từ nhịp thở câu văn đã làm nên cái tên Nguyễn Nhật Ánh hôm nay. Nhân dịp lễ hội sách Đà Nẵng 2019, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có buổi giao lưu, ký tặng sách cho bạn đọc và dành  cho Báo Công an TP Đà Nẵng cuộc phỏng vấn ngắn.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng sách cho độc giả Đà Nẵng.

P.V: Được biết đây là lần thứ 4 ông trở lại Đà Nẵng giao lưu và ký tặng sách cho bạn đọc. Vậy lần này cảm xúc của ông thế nào?

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Đây là lần thứ 4 tôi về Đà Nẵng giao lưu và ký tặng sách cho độc giả. Lần đầu do Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng tổ chức, ba lần gần nhất là tại Hội sách Hải Châu. Tôi từng nhiều lần gặp gỡ bạn đọc Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, Vũng Tàu, Biên Hòa... nhưng có lẽ bạn đọc Đà Nẵng đem lại cho tôi cảm xúc đặc biệt nhất. Đó là vì tôi là người con xứ Quảng và rất nhiều tác phẩm của tôi lấy bối cảnh Thăng Bình, Tam Kỳ, Đà Nẵng -những nơi tôi từng sống. Lần nào cũng vậy, đang cắm cúi ký tặng thỉnh thoảng tôi lại nghe vang lên bên tai những tiếng reo vui của các bạn trẻ: "Con người Tam Kỳ nè bác", "Hồi trước con học trường Tiểu La đó bác", "Bác ơi, con là người làng Đo Đo nè", "Nhà con ở đường Bạch Đằng nè bác"... Những tiếng reo hớn hở đó tôi chỉ có thể bắt gặp khi gặp gỡ bạn đọc Đà Nẵng. Điều đó luôn khiến tôi cảm động, có cảm giác mình đang trở về nhà.

Hầu hết các tác phẩm của ông sáng tác là dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên, vậy ông có nghĩ là mình sẽ thay đổi cách viết để đáp ứng nhu cầu của nhiều bạn đọc?

Từ năm 14 tuổi, tôi đã xa quê hương nên lúc nào cũng nhớ tiếc những năm tháng ấu thơ nơi quê nhà. Tôi viết sách để kéo tuổi thơ trở về gần với mình. Nói cách khác, tôi sáng tác về đề tài này là để thỏa nỗi niềm sầu xứ trong lòng. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình viết sách là để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc. Có điều, những gì tôi thích, có lẽ bạn đọc cũng thích. Hầu hết tác phẩm của tôi có sự đồng cảm tự nhiên giữa tâm hồn người viết và tâm hồn người đọc. Đó là may mắn trong đời viết văn của tôi.

Hiện nay, có rất nhiều nhà văn trẻ nổi tiếng như Nguyễn Minh Nhật, Kim Hòa với nhiều tác phẩm thú vị xoay quanh đề tài về tuổi học trò được bạn trẻ đón nhận nhiệt tình. Vậy, ông có lo ngại một ngày nào đó những tác phẩm của mình không còn đủ sức "níu chân" bạn đọc?

Càng có nhiều nhà văn viết thành công về đề tài thanh thiếu niên thì bức tranh văn học càng phong phú, đa dạng và bạn đọc trẻ càng có thêm cơ hội để chọn lựa và thưởng thức các món ăn tinh thần. Tôi rất hào hứng với viễn cảnh đó và  không có gì phải ngại. Mỗi nhà văn có một sở trường nhất định và thái độ đúng đắn nhất của một nhà văn là giữ gìn phong độ để phát huy sở trường của mình chứ không phải ngồi lo nghĩ vẩn vơ.

Tiếp nối thành công của "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" thì "Mắt biếc" là câu chuyện tiếp theo của ông được chuyển thể thành phim. Vậy theo ông, điều gì đặc biệt ở tác phẩm này lại thu hút được sự quan tâm của nhà sản xuất phim?

Truyện của tôi hướng đến tuổi thơ và các câu chuyện hầu hết xảy ra ở thôn quê. Có lẽ đề tài đó dễ chạm đến tâm thức của đa số người Việt. Bởi ai cũng có tuổi thơ và tuổi thanh xuân trong ngăn chứa ký ức mình. Bên cạnh những bộ phim hành động hay hài hước, khán giả cũng có nhu cầu để lòng mình lắng lại trước những thước phim trong trẻo, những hình ảnh gần gũi bình dị có khả năng đánh thức kỷ niệm. Các nhà làm phim chọn tác phẩm của tôi để chuyển thể có lẽ vì lý do đó.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này. Xin chúc nhà văn luôn giữ "phong độ" để ngày càng có nhiều tác phẩm hay dành cho giới trẻ. 

THÙY TRANG - LAN PHƯƠNG

(thực hiện)