Nhạc sĩ Châu Kỳ: Khơi hương theo gió...
(Cadn.com.vn) - Châu Kỳ là nhạc sĩ hàng đầu thể loại bolero ở Việt
Châu Kỳ có người cha là bậc thầy về ca Huế, chị ruột là một “ngôi sao” biểu diễn thời bấy giờ, cùng thời với nữ nghệ sĩ Phùng Há, Năm Phỉ, Ái Liên, Bích Hợp. Châu Kỳ có thiên hướng đam mê âm nhạc từ khi còn là một cậu học trò, học khá giỏi về nhạc lý, sáng tác, kỹ thuật thanh nhạc. Ông hát hay, nên người chị ruột lập đoàn ca kịch hiệu Hồng Thu, đã năn nỉ em... bỏ học để theo nghiệp cầm ca. Từ cú sốc mất mẹ trong trận bão lớn, năm 1943, Châu Kỳ viết ca khúc đầu tay “Trở về”, gây được tiếng vang trong giới tân nhạc, sau đó ông lần lượt cho ra đời các nhạc phẩm: Khúc ly ca, Từ giã kinh thành, Mưa rơi, Khi ánh trăng vàng lên,...
Viết một số lượng đồ sộ khoảng 200 tác phẩm, có lẽ ông cũng mãn nguyện, bởi cho đến nay, gần nửa thế kỷ, một số ca khúc vẫn sống trong lòng công chúng như: Đón xuân này nhớ xuân xưa, Miền Trung thương nhớ, Đà Lạt thơ, Đàn không tiếng hát, Chiều trên đồi thông, Huế xưa, Hương Giang tôi còn chờ, Tìm nhau trong kỷ niệm, Mùa thu còn đó...
![]() |
Vợ chồng NS Châu Kỳ những năm cuối đời. |
Xuất phát từ bản tính hiền hậu, dân dã, sống chan hòa với mọi người, đã làm nên một Châu Kỳ tài hoa, xếp vào thứ bậc “trưởng lão” của thể loại nhạc buồn bolero. Chỉ riêng việc khai sinh ban nhạc “Tiếng Thùy Dương”, tên ông đủ sức nặng để ghi vào hành trình phát triển của nền tân nhạc Việt
Nếu chỉ nhìn nhận từ góc độ, nhạc Châu Kỳ là dòng nhạc “thị trường”, chúng ta không khỏi giật mình nếu nhớ rằng, cuối năm 2010 vừa qua, tại thủ đô Hà Nội, show trình diễn của ca sĩ Tuấn Vũ đã “cháy” vé bạc triệu với dòng nhạc bolero, mà trong chương trình gần 1/3 nhạc phẩm được dân Hà thành yêu thích là của Châu Kỳ! Tuổi đời và tuổi nghề, Châu Kỳ xứng đáng là “đại thụ” của làng tân nhạc, cùng thời với Lê Thương, Dương Thiệu Tước, Phạm Duy, Lữ Liên, Trần Văn Trạch, Thẩm Oánh, Hoàng Trọng, Văn Phụng, Châu Hà, Thu Hồ... Chọn đất miền nam làm nơi sinh sống, nhưng Châu Kỳ vẫn dành tình cảm yêu thương nhất đối với quê mẹ, với những ca khúc “để đời” như: Thương về miền Trung, Miền Trung thương nhớ, Huế xưa, Hương Giang tôi còn chờ, Tìm nhau trong kỷ niệm...
Giờ đây nhạc sĩ đã yên nghỉ giữa lòng quê mẹ, trên đồi thông Nam Giao êm đềm. Thời gian dù có phôi pha, nhiều nhạc sĩ theo thể loại trữ tình quê hương hiện nay, đều không phủ nhận là ít nhiều đã chịu ảnh hưởng từ ông.
Một chiều cuối tháng Giêng, tròn 3 năm ông mất (tháng Giêng 2008), tôi ngồi bên ngôi đình làng Dưỡng Mong ngắm dòng sông Như Ý lặng lờ trôi. Xuân đã muộn, nhưng đâu đây, trong những xóm làng yên ả vẫn cất lên lời ca mượt mà “Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa, một chiều xuân em đã hẹn hò. Như ướm tình trong cánh hoa mơ, khơi hương theo làn gió. Hỏi nhau rằng nên viết thành thơ...”. Lời bài hát cũ gợi một nỗi buồn man mác...
Vũ Hào