Nhạc sĩ Đình Thậm &những giai điệu tình quê
Nhắc đến Đình Thậm, người nhạc sĩ tài hoa của thành phố bên sông Hàn không thể không nhắc đến “Đà Nẵng tình người”, ca khúc phổ từ thơ Ngân Vịnh, chuyển tải tình yêu sâu nặng với thành phố xinh đẹp này, và cũng là mạch nguồn cảm hứng trong sự nghiệp sáng tác âm nhạc của ông.
Với âm hưởng dân ca Nam Trung Bộ, bài hát “Đà Nẵng tình người” đã vinh dự nhận giải Nhất cuộc thi sáng tác ca khúc do Bộ Văn hóa- Thông tin tổ chức, đúng vào dịp Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương 1997. Ca khúc cho người nghe cảm nhận thêm nhiều về con người nơi đây với tình người sâu đậm cùng nghĩa cử giúp đỡ, đùm bọc qua bao thử thách khó khăn. Và gần đây, ca khúc “Lá rơi” (phổ thơ Lê Ngọc Nam) của Đình Thậm cũng vinh dự nhận giải Nhất của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2021... Hầu hết, sáng tác của nhạc sĩ Đình Thậm có giai điệu gần gũi, sâu lắng, chinh phục lòng người như những khúc dân ca thấm đẫm hồn quê, vừa rộn ràng hơi thở của phố biển trẻ trung, năng động. Bên cạnh, những sáng tác về thành phố đầu biển cuối sông đầy ấn tượng như “Đà Nẵng tình người”, “Huyền diệu sông Hàn”, “Đà Nẵng thành phố tôi yêu”, “Người nhạc sĩ trong tôi”, “Đà Nẵng tự hào”…; Đình Thậm còn giành nhiều giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam qua chùm ca khúc phổ từ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh: “Nhớ mùa hoa ven sông” (Giải Ba, năm 1998), “Làng trong tôi” (Giải Ba, 2014) và đặc biệt là ca khúc “Đêm xa làng” (Giải Nhì, không có giải Nhất, năm 2019).
Thật vậy, không dễ có những khúc ca phổ thơ thành công nếu không có mối lương duyên giữa người làm thơ và người soạn nhạc. Mỗi bài thơ được cất lên từ nỗi niềm, tâm trạng riêng của thi sĩ khi bắt gặp sự tương giao đồng điệu cùng những kỹ thuật tiết tấu, giai điệu, thanh âm riêng biệt độc đáo của người nhạc sĩ, thi phẩm ấy sẽ trở thành khúc nhạc giao hòa của những tâm hồn “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm và nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh đã gặp gỡ và trở thành đôi bạn thân ở ngoài đời còn bởi mối lương duyên đẹp đẽ đó. Trong một lần tình cờ, tôi gặp nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, khi nghe ông nhận xét về sự đồng điệu của đôi bạn này đã tinh tế nhận ra: “Đình Thậm là người đã phát hiện ra cái chất làng quê riêng biệt trong thơ của Nguyễn Ngọc Hạnh và thông qua âm nhạc, nhạc sĩ đã tôn vinh điểm đặc sắc đó đến từng tiết điệu, đắm chìm trong hồn quê dung dị”. Với trái tim mẫn cảm, nhiệt huyết đắm say với nghề và niềm gắn bó máu thịt với làng quê, nhạc sĩ Đình Thậm đã cảm thấu được nỗi đau đáu của người con xa quê Nguyễn Ngọc Hạnh; để rồi “hồn thơ dâng ý nhạc”, thổi vào hồn thơ người bạn của mình, đem lại nhiều giải thưởng lớn trong con đường âm nhạc của ông. Và cũng chính từ đỉnh cao của ca khúc “Đêm xa làng” đã nâng tầm sáng tác của Đình Thậm sau này.
Hầu như nhà thơ nào cũng có một vài bài thơ được phổ nhạc và Nguyễn Ngọc Hạnh cũng không ngoại lệ. Thơ ông vốn giàu nhạc điệu và đậm chất trữ tình nên được nhiều nhạc sĩ quan tâm, với hơn 100 ca khúc được phổ từ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh đã làm nên một “Khúc ru trầm”, gây nhiều ấn tượng trong giới sáng tác. Trong đó, đáng chú ý nhất là bài thơ “Làng” của Nguyễn Ngọc Hạnh được đến ba nhạc sĩ phổ nhạc và đều thành công; “Làng” qua tài nghệ của Phan Huỳnh Điểu gắn với giai điệu da diết của nỗi nhớ; “Ký ức làng quê” của Trịnh Tuấn Khanh thấm đẫm hoài niệm thuở ấu thơ. Và “Làng trong tôi” của Đình Thậm có hướng đi riêng khi nhạc sĩ đưa hai câu thơ cuối cũng là cái tứ chủ đạo của bài thơ Nguyễn Ngọc Hạnh: “Xưa tôi sống trong làng/ Giờ làng sống trong tôi” lên đầu ca khúc, tạo nên sự bùng cháy mãnh liệt trong cảm xúc của người nghe, đặc biệt đối với những người con tha hương, sống xa làng.
Còn với ca khúc “Nhớ mùa hoa ven sông”, theo nhạc sĩ Đình Thậm là khởi đầu cái duyên thơ nhạc của ông và thi sĩ Nguyễn Ngọc Hạnh. Nhạc sĩ bồi hồi nhớ lại: “Trong đêm VTV1 trực tiếp truyền hình trong một lễ kỷ niệm bên dòng sông Thạch Hãn (Quảng Trị), Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã khóc sau khi nghe Đình Thậm vừa hát xong ca khúc “Nhớ mùa hoa ven sông”. Một giai điệu Slow Ballade qua tiếng hát nồng nàn, sâu lắng của chính nhạc sĩ khiến người nghe thổn thức: “Nhớ về một mùa xuân xưa/ Biết bao người đi không về/ Nằm lại ven bờ sông ấy/ thành hoa nở đẹp làng quê/ Chiều nay ai về bên sông/ Có nghe xôn xao trong lòng/ Nhìn hoa giữa mùa xuân mới/ Người về lòng có bâng khuâng”. Thêm một sáng tác khác cũng rất đáng nhớ trên con đường âm nhạc của Đình Thậm là “Đêm xa làng”, ca khúc phổ từ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2019. Đồng điệu cùng nỗi nhớ về làng quê qua âm thanh tiếng gõ mạn thuyền, tiếng chim dồng dộc cùng hình ảnh con cò, cánh diều đặc biệt là hình ảnh người mẹ tần tảo khuya sớm trên đồng..., Đình Thậm sau một đêm thức trắng đã phổ nhạc thành công bài thơ này. Mỗi lần nghe lại điệu Swing Country của ca khúc “Đêm xa làng”, khán thính giả đều không kìm được nỗi xúc động: “Tôi xa làng từ ngày thơ bé/ Đêm mưa buồn gió rét lạnh căm/ Tiếng ai gõ mạn thuyền trên sông/ Mà mái chèo cằn cựa đến xa xăm…”. Sáng tác của nhạc sĩ Đình Thậm có tiếng vang bởi mỗi ca khúc đều là một câu chuyện, là một kỷ niệm không quên về làng quê, nơi đã chắp cánh cho âm nhạc của ông bay lên. Tình yêu mãnh liệt với quê hương, đất nước cùng niềm say mê được cất tiếng hát, lời ca làm đẹp cho đời đã đem lại cho nhạc sĩ Đình Thậm những giải thưởng âm nhạc danh giá, trong đó chùm ca khúc mang đậm tình quê phổ từ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh là những tác phẩm đáng ghi nhận, khó quên.
NGUYỄN THỊ THU THỦY