Nhạc sĩ Minh Đức: Vẫn duyên “Chín đợi mười chờ”

Thứ tư, 07/02/2024 00:14
Cận tuổi 80, phong thái nhạc sĩ Minh Đức vẫn trẻ trung, mở lòng đến ngạc nhiên khi gặp những ai tri kỷ. Không như những đồng nghiệp nhận xét “nghiêm túc đến khắt khe” trong sáng tác, những lúc như thế, ông có thể hé lộ vài câu chuyện chưa kể trong sự nghiệp sáng tác hơn 55 năm, chuyện “nhả tơ” đều đặn từ lúc “hưu” cho đến tận bây giờ...
Nhạc sĩ Minh Đức trong một chuyến về thăm quê hương Thăng Bình.
Nhạc sĩ Minh Đức trong tuyển tập “Thương em chín đợi mười chờ”.

Đã ấn tượng từ tuổi thơ với “Thương em chín đợi mười chờ”, tôi càng đắm mình trong giai điệu “Mẹ quê hương” của ông thời niên tráng. Sau đó, sự nghiệp, công việc lôi cuốn khiến cơ duyên nói chuyện với tác giả những lời mời “Hãy hát lên em” của tôi với ông lỡ nhịp, dù từng nhiều lần gần đạt đến độ “tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu”. Đến khi biết ông ra tuyển tập “Thương em chín đợi mười chờ”, tôi cương quyết tìm cách bắt ông vào thế “phải tặng”.

Bất ngờ nối tiếp bất ngờ. Thì ra tác giả của “Tổ quốc ơi! Có chúng tôi sẵn sàng”, “Người chiến sĩ bên bờ biển xanh”, “Thành phố đầu biển cuối sông”, “Mười năm yêu em”... vẫn âm thầm “nhả tơ”. Trong 55 ca khúc của tuyển tập được Hội đồng Quốc gia đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước, ít nhất 1/2 là sáng tác sau tuổi nghỉ hưu. Vẫn những âm hưởng ấy, như ca dao, như dân ca, như điệu ru quen thuộc cứ nhẹ nhàng đi vào lòng người nghe thuở “một nong tằm là năm nóng kén/một nong kén là chín nén tơ” - Thương em chín đợi mười chờ - đến “con về thăm ngôi nhà xưa/mẹ ơi có phải mẹ vừa ra đi/lắng trong sóng biển, con nghe...” - Mẹ quê hương - và cả “Có một người con gái sống nơi đây/giữa thành phố có rất nhiều con gái/chân bước nhẹ tôi nghe lòng tự nhủ/em có còn là em gái của tôi không? - Thành phố và em...

Mượt mà và sâu lắng, gần gũi và thân thương, tha thiết và đắm say, dân dã và tinh tế... là “con đường đi đến trái tim” của ca khúc gắn liền với nghệ danh Minh Đức. Là riêng song rất chung, là tôi nhưng vẫn là chúng ta. Ai cũng cảm nhận thấy bóng dáng mình từ các sáng tác, sáng tạo của Minh Đức, từ tuổi thơ, gia đình, quê hương với tất cả tình yêu, nỗi nhớ, tự hào, hy vọng... Chính vì thế, các ca khúc của Minh Đức không những vượt qua không gian, thời gian đến với người yêu nhạc cùng thời ở mọi miền thay vì xứ Quảng quê ông, mà còn chinh phục các thế hệ kế tiếp. Cũng có lẽ vì thế mà hầu hết ca khúc gắn với tên Minh Đức đều dễ nhớ, dễ hát, dù không phải là ca sỹ chuyên nghiệp.

Nhân vấn đề này, nhạc sĩ Minh Đức kể rằng, xuất thân ông là một người yêu ca hát. Tham gia hoạt động nội thành những năm 1963/64, ông và những đồng đội vẫn bí mật trao nhau những bản chép các ca khúc cách mạng. Đến năm 1965, khi Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, ông thoát ly, sau đó gia nhập Đoàn Văn công Giải phóng Quảng Nam. 10 năm lăn lộn, phục vụ nhân dân, bộ đội và du kích trên các vùng giải phóng Quế Sơn, Tiên Phước, Núi Thành, Thăng Bình..., Tham gia đủ các vai diễn với các thể loại ca kịch, múa, đồng ca, đơn ca... hay nhạc công, vũ công, thậm chí tăng gia sản xuất, ông thẩm thấu những gì mà đội ngũ văn nghệ sĩ, mà khán thính giả nói riêng và cuộc sống nói chung cần nhất. Đó là sự chân thực, dung dị đôi khi đến tối giản; là thực cảnh không cần tỉa tót, thêm thắt và thậm chí cần vài từ ngữ động viên, hô hào... “Từ trái tim đến trái tim” là con đường ngắn nhất của nghệ thuật, trong đó có âm nhạc.

Nhạc sĩ Minh Đức trong một chuyến về thăm quê hương Thăng Bình.

“Tôi may mắn trải qua những giai đoạn từ chiến tranh khốc liệt đến không khí hòa bình hân hoan, từ sự tụt hậu và giai đoạn phát triển... nên cảm thụ và cảm xúc là chất liệu có thật. Vậy tại sao các ca khúc của tôi vẫn mượt mà, tràn đầy yêu thương như chưa từng có bĩ cực, chưa có máu xương chất chồng và những nỗi buồn hậu chiến? Tôi không quên nhưng tôi không muốn nói, bởi còn quá nhiều điều tốt đẹp để ngợi ca”, người chiến sĩ, ca sĩ, nhạc sĩ 78 cái xuân xanh khẳng định.

Nhưng, vẫn thoáng một chút gợn trong đôi mắt từng mở thâu đêm để cho ra đời những giai điệu ngợi ca con người, quê hương đất nước với những mỹ từ “Hạt giống mẹ gieo nay thành hạt ngọc”- Sắc xanh vườn mẹ - hay “Ai ở ai đi trăng vẫn nguyệt bên trời” - Chốn quê nhà tôi.

Minh Đức không muốn nhắc về chiến tranh, nhưng chiến tranh không quên ông. Như vận vào danh phận nhạc sĩ “chín đợi mười chờ”, cô con gái nhiễm chất độc màu da cam do bố truyền ở tuổi 42 vẫn lại buộc người bố phải “báo cáo” lịch rời nhà, nếu không sẽ “rất khác”. Đây là nỗi đau Minh Đức ít thổ lộ với đồng nghiệp, bạn hữu, tương tự là di chứng hàng trăm đợt sốt rét và 3 lần bị thương trong những lần địch càn, địch phục, địch pháo kích. Ngày ngày, như “con tằm nhả tơ”, ông vẫn khát khao lặn lội tìm nguồn cảm hứng sáng tác và liên tục cho ra đời những tác phẩm hướng đến ngày mai tươi đẹp, về quê hương đất nước. Vẫn như ngày nào, như chàng trai tuôn trào cảm xúc với ca khúc hát đầu tay “Chiến thắng về em hát tặng anh một bài ca” trong Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1968, vẫn như sau hòa bình năm 1975, người chiến sĩ - nhạc sĩ Minh Đức cùng đồng nghiệp bắt tay vào xây dựng phong trào văn hóa văn nghệ Quảng Nam - Đà Nẵng; vẫn như khi ông trở lại chiến khu Sơn - Cẩm - Hà cầm đàn guitar hát những bài hát kháng chiến...

Hình như, với nhạc sĩ Minh Đức, thời gian, không gian chẳng khiến nhạc sĩ bận tâm, bởi cái duyên, cái vận “chín đợi mười chờ” chưa dứt, như ông “tuyên ngôn” trong Ánh sáng cuộc đời: “Đêm tối tan đi và bình minh sẽ tới” ...

HỒNG NHẬT