Nhạc sĩ Phan Ngọc đã ra đi
(Cadn.com.vn) - Một tin nhắn buồn đến với Hà Nội là nhạc sĩ Phan Ngọc– tác giả của những ca khúc nổi tiếng như “Khúc ca Hơ Rê”, “Người Đà Nẵng”...đã từ giã cõi đời vào sáng Chủ nhật 15-4, hưởng thọ 82 tuổi. Tin nhắn buồn khiến tôi hồi nhớ lại những kỷ niệm với người đàn anh của làng nhạc Việt Nam...
Phan Ngọc tên khai sinh là Phan Bê. Anh sinh ngày 10-10-1936 tại Quảng Ngãi. Năm 18 tuổi, Phan Ngọc đã có mặt ở Đoàn văn công Quân khu 5. Vài năm sau, khi cùng anh em phục vụ chiến trường Tây Nguyên, Phan Ngọc đã viết ra “Khúc hát Hơ Rê” rất độc đáo. Khi ấy, ở miền Bắc, người mến mộ âm nhạc vô cùng mê đắm những ca khúc viết về Tây Nguyên, mang hơi thở Tây Nguyên nồng nàn của Nhật Lai như “Con chim lạc đàn”, “Chim Poong Kle”, “Tiếng hát Mơ nông Tipi”..., rất ngạc nhiên khi nghe “Khúc hát Hơ Rê” của Phan Ngọc qua làn sóng phát thanh với giọng hát Kim Nhớ, qua câu hát mở đầu rất Tây Nguyên: “E ế lêu ê tu lêu – Mùa xuân đến với buôn làng ê – Ê con yêu tu lêu lên ê tu lêu ê ê ế...”. Cái tiếng đệm “tu lêu” cứ xuyên suốt ca khúc, ám ảnh người nghe. Và cái tên Phan Ngọc bắt đầu xuất hiện trong làng nhạc cùng với các nhạc sĩ miền Nam như Tố Hải, Văn Chừng, Thanh Anh...
|
Nhạc sĩ Phan Ngọc. |
Nhưng Phan Ngọc không phải là nhạc sĩ quá lụy vào cảm xúc mà tự dễ dãi với sáng tác của mình. Anh là người sớm ngẫm nghĩ, sớm chắt lọc để đưa đến công chúng những giai điệu ấn tượng hơn. Trong cuộc Tổng tấn công Mậu Thân 1968, Đà Nẵng tuy không nhiều ca khúc như Sài Gòn, nhưng giữa tráng ca “Gửi Đà Nẵng thân yêu trong những ngày bão táp” của Cầm Phong (thơ Lưu Trùng Dương) và “Đà Nẵng chiến thắng” của Thái Cơ, người mến mộ âm nhạc lại gặp Phan Ngọc ở một hành khúc trầm tĩnh, như tính cách Đà Nẵng, đó là “Người Đà Nẵng”. Mở đầu dứt khoát, rất Đà Nẵng được cất lên rắn rỏi: “Trong bao đau thương Đà Nẵng đứng lên cầm súng– Hồn nước thiêng liêng – Gọi chúng ta đi”. Nhịp đi rắn rỏi hơn khi câu nối tiếp xuất hiện các chùm ba rành rọt: “Đây trái tim của người Đà Nẵng – Như đá hoa cương trên chùa Non Nước – Tỏa sáng long lanh...”.
Ở chiến trường khu 5 đến năm 1970, Phan Ngọc ra Hà Nội học sáng tác tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Suốt 7 năm tu nghiệp, cái mà Phan Ngọc say mê lại là sáng tác khí nhạc. Giao hưởng hai chương “Một thời để nhớ” của anh đã được trao Giải thưởng Hội nhạc sĩ Việt Nam. Sau thời gian tu nghiệp, Phan Ngọc trở về Đà Nẵng làm Phó trưởng đoàn kiêm chỉ đạo nghệ thuật Đoàn ca múa Quân khu 5. Do có năng lực viết khí nhạc nên năm 1985, anh được cử đi tham gia trại sáng tác Ivanovo (Liên Xô cũ). Nhờ vậy, càng ngày Phan Ngọc càng bộc lộ rõ năng lực khí nhạc của mình. Những năm cuối thế kỷ trước, anh liên tiếp thành công trong giao hưởng “Đất nước yêu thương”, tổ khúc Piano “Bóng dừa”, “Mùa tuyết ở Nga”, ngũ tấu “Cánh chim Chơ rao”, Rhapsody “Miền hoan ca” và đặc biệt Capriccio “Sông Hàn”... Giao hưởng anh viết về khởi nghĩa Trà Bồng cũng gây xúc động mạnh khi trình diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội...
Từ năm 1993, mỗi lần vào Đà Nẵng, tôi thường hay gặp anh cùng Đình Thậm, nghe anh kể về những sáng tác của mình thật say sưa. Năm 2001, đã có cuộc trò chuyện về ngôn ngữ giao hưởng hiện đại giữa anh và nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo thật thú vị tại Đà Nẵng, khi tôi và Nguyễn Thiện Đạo cùng đi xuyên Việt. Ấn tượng ấy đã được tôi viết trong cuốn “Nguyễn Thiện Đạo – nhạc sĩ bị giời đày” vừa được Vinabook tái bản sau khi xuất bản ở Nhà xuất bản Đà Nẵng 2003. Bữa đó, Phan Ngọc đã tặng Nguyễn Thiện Đạo một tập dân ca Chăm. Tập dân ca thì còn đây mà cả hai người đều đã ra đi, gặp nhau ở cõi xa xăm. Yêu quý Phan Ngọc, tôi nói với anh rằng anh đã viết về người Đà Nẵng thuở chiến tranh, tôi sẽ viết về người Đà Nẵng hôm nay và cũng lấy tên là “Người Đà Nẵng”. Ca sĩ Minh Huyền quê Đà Nẵng đã thể hiện ca khúc này. Nghe tin anh mất, tôi tự nghe lại cả “Người Đà Nẵng” của anh và của tôi, thương tiếc trào dâng. Vĩnh biệt anh.
Nguyễn Thụy Kha