Nhạc sĩ-Thượng tá Lưu Văn Bình: Âm nhạc không có tuổi
(Cadn.com.vn) - Có thể nói đến bây giờ, Thượng tá, nhạc sĩ (NS) Lưu Văn Bình mới hoàn thành trọng trách của mình ở vai trò người chiến sĩ CAND, vì anh vừa nghỉ hưu. Nhưng với âm nhạc, có lẽ anh vẫn luôn ấp ủ những nỗi niềm với bao trăn trở... Thời gian cùng công tác tại Phòng Công tác Chính trị CATP Đà Nẵng, sáng nào chúng tôi cũng ngồi cùng bàn giao ban công tác, trưa ăn cùng mâm nếu nghỉ lại cơ quan và thỉnh thoảng tối lại cùng chung bàn với vài chai bia hàn huyên chuyện nhà, chuyện đời... Lưu Văn Bình chập chững bước vào con đường âm nhạc từ rất sớm. Trước năm 1975 đã thấp thoáng bóng dáng Lưu Văn Bình là Trưởng ban văn nghệ Trường TH Hòa Vang, rồi cây văn nghệ từ những năm 1976-1980 khi anh là bộ đội Sư đoàn 333 Tây Nguyên. Khi trở về quê nhà Điện Thọ, Điện Bàn, Quảng Nam, anh tham gia đội văn nghệ quần chúng của xã, cho ra đời ca khúc đầu tay "Giọng hò cô gái đất Quảng" (lời Nguyễn Đình Chính), đoạt giải Nhì tại "Hội thi đơn ca, độc tấu tỉnh QN-ĐN ". Rồi chẳng bao lâu sau, anh tạm biệt quê hương, khoác ba lô vào đầu quân cho Đội Văn nghệ, Phòng Công tác Chính trị CA tỉnh QN-ĐN. Tuy có năng khiếu "trời cho" trên lĩnh vực ca hát, sáng tác nhạc, song nhiệm vụ chính của anh bận rộn với biết bao công việc của một đơn vị tham mưu về công tác chính trị, tư tưởng, tuyên truyền cho ngành...
Nhạc sĩ, Thượng tá Lưu Văn Bình. |
Không biết Lưu Văn Bình có mối lương duyên gì với phố biển Đà thành mà từ ngày Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, anh lại viết nhạc nhiều hơn: "Đà Nẵng dáng xuân"; "Mưa nắng sân trường", "Ước vọng xuân" (lời Nguyễn Chính). Rồi một số bài hát ca ngợi người chiến sĩ CA âm thầm cống hiến, hy sinh cho cuộc sống yên bình, hạnh phúc của nhân dân. "Niềm vui chiến sĩ hậu cần"; "Sông Hàn nhịp bước tuần tra", (lời Nguyễn Chính). Đây là hai ca khúc có thể nói "ăn khớp" với nhau, bởi thông qua các lời hát, người nghe có thể phần nào cảm nhận được anh lính hậu cần cũng giống như "Tôi là lê anh nuôi" của Đàm Thanh vậy, lo cái ăn, cái mặc, các phương tiện công tác, chiến đấu thật đủ đầy cho lực lượng. Còn với "Sông Hàn nhịp bước tuần tra" viết về công việc canh giữ từng góc phố, ngả đường của người chiến sĩ CA, giữ yên giấc ngủ cho nhân dân. Giai điệu ca khúc có lúc khỏe khoắn, ầm ào, sôi nổi như những bước chân tuần tra gấp gáp của người chiến sĩ CA, có đoạn đằm thắm, dịu dàng, sâu lắng thướt tha như vóc dáng yêu kiều của TP trẻ. Chính vì vậy mà "Sông Hàn nhịp bước tuần tra" được Bộ CA- Hội NS Việt Nam trao giải Nhì cho giai đoạn 5 năm sáng tác. Khi Thiếu tá Phan Công Việt hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tấn công tội phạm, NS Lưu Văn Bình kịp thời cho ra đời nhạc phẩm"Rạng rỡ tên anh", (lời Nguyễn Chính) làm rung động trái tim nhiều người: "Chiều xuống bên hiên nhà, sao chưa về Việt ơi... Đà Nẵng trong yên lặng tiễn biệt người đi, làn khói hương nghẹn ngào trong khúc nhạc biệt ly. Mây Sơn Trà kéo về đầy bên anh, mưa sông Hàn giăng buồn thương tiếc anh...". Có nhiều ca sĩ thể hiện ca khúc này, song thành công nhất là nữ NSƯT Thanh Tâm, Đoàn ca múa nhạc CAND. Lần đầu tiên chị trình bày tại Hội nghị nhân điển hình tiên tiến phòng chống tội phạm ở Hà Nội, sau đó tại TPHCM đã làm biết bao người thổn thức, xúc động rưng rưng. Trong Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày Truyền thống lực lượng CAND tổ chức tại Nhà hát Trưng Vương, được Đài DRT truyền hình trực tiếp, Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn lúc đó là Giám đốc CATP giao cho Phòng PX15 phải mời bằng được NSƯT Thanh Tâm từ Hà Nội vào trình bày bài hát này và một lần nữa giọng ca của chị lại thật sự chinh phục khán giả, dậy lên niềm thương tiếc khôn nguôi người chiến sĩ CA hy sinh vì sự yên bình của phố phường khi tương lai đang còn phơi phới. Hôm ấy, có nhiều đại biểu bậc tiền bối nói với tôi rằng, lễ kỷ niệm này có hai cái nhất, đó là diễn văn truyền thống hay nhất và ca khúc xúc động nhất... Lưu Văn Bình không chỉ khắc họa hình ảnh người chiến sĩ CA bằng âm nhạc mà trong hơn 40 tác phẩm của anh có không ít ca khúc gói ghém bao tình cảm thân thương, ngợi ca tình yêu biển đảo quê hương, đất nước, thấm đẫm tính nhân văn cao đẹp của cuộc sống hôm nay. Hầu hết các ca khúc của anh đều được phổ thơ, ca từ sâu sắc, sáng tạo về hình tượng nghệ thuật âm nhạc, giàu tính gợi cảm. "Tây Nguyên ngày về" (thơ Sơn Thu); "Quê hương tôi" (thơ Tường Linh); "Ơi cô gái Cơ-tu" (thơ Lê Huy Hạnh); "Đakbla mùa trăng sáng" (thơ Ngân Vịnh)... Và thật bất ngờ, khi đọc được bài thơ "Tiếng quê nhà" của nhà thơ Túy Tâm, một người bạn cùng quê Điện Thọ từ lâu đã rời xa quê nhà mà vẫn đau đáu nỗi nhớ nhung da diết về một thời ấu thơ ăm ắp kỷ niệm, trong anh lại dạt dào cảm xúc để có được tác phẩm nhạc thành công. Cũng bước ra từ cánh đồng nồng nàn mùi rơm rạ nên đọc bài thơ này, những tháng ngày xa xưa lại chộn rộn ùa về, anh lại nhớ dòng sông Bàu Sấu như dải lụa mềm mại uốn lượn sát chân núi Bồ Bồ mà tuổi thơ anh đã bao lần tắm mát; nhớ con đường làng ngoằn ngoèo rợp bóng tre xanh của thuở cắp sách đến trường; nhớ những buổi hoàng hôn vàng rực, cùng chúng bạn căng diều trên cánh đồng vừa gặt. "Ta về tìm tuổi thơ xưa/thả diều đuổi bướm trời mưa giữa đồng/đò chiều Long Hội qua sông/điệu hò khoan cứ bềnh bồng trong tôi..." (Tiếng quê nhà). Sự đồng cảm về hoài niệm của hai đứa trẻ ngày xưa xa quê đang sinh sống ở chốn phồn hoa phố thị nhộn nhịp lại gặp nhau từ miền ký ức nên đã biến bài thơ thành giai điệu mượt mà, sâu lắng...
Nhạc sĩ, Thượng tá Lưu Văn Bình (bên phải) với các văn nghệ sĩ. |
NS Lưu Văn Bình hiện là Ủy viên BCH Hội Âm nhạc TP Đà Nẵng, Hội viên Chi hội NS CAND và Hội NS Việt Nam. Nhiệm vụ của một sĩ quan CA đối với anh đã khép lại nhưng tôi biết, nỗi đam mê âm nhạc, khát khao được sáng tác những tác phẩm hay hơn, bay bổng hơn với NS Lưu Văn Bình như mới bắt đầu. Bởi với anh, âm nhạc không bao giờ có tuổi!...
Thái Mỹ