Nhạc sĩ Trần Quế Sơn: Khúc tự tình nhiều dấu lặng
Tiết trời se lạnh, không khí chộn rộn đón năm mới, dòng người nối nhau như nước xuôi dòng ra cửa Hàn. Chúng tôi ngồi nơi quán cóc nhỏ trên đường Bạch Đằng, hướng mặt ra phía sông, hơi sương lãng đãng. Tôi khơi chuyện vẩn vơ. Lúc sinh thời mẹ anh nói: Thằng Tám viết nhạc chứ chẳng có nghề gì! Mẹ nói vậy anh có buồn không? Anh không trả lời mà hỏi ngược: Vậy đố chú em tại sao anh lấy nghệ danh là Trần Quế Sơn? Anh hỏi rồi tự trả lời: Cái tên ấy là anh muốn ôm quê hương và Mẹ vào trái tim chực chờ. Cuộc phiêu lưu âm nhạc đời mình anh nếu vô tình trở thành chàng hiệp sĩ thì người đời sẽ nhớ đến quê anh. Giống như chàng kị sĩ Don Quijote xứ Mancha không từ bỏ giấc mơ công lý và sự thiện lương hồn nhiên… Anh nói xong tự bật cười: à là hiệp sĩ nghệ sĩ.
Gia tài âm nhạc đồ sộ là thế, anh chẳng bao giờ khoe khoang, tự mãn. Mỗi ca khúc cũng gập ghềnh như có những số mệnh riêng. Có bài viết rất nhanh, cảm xúc ùa về như lụt nguồn được công chúng đón nhận, yêu quý mấy chục năm, như: Tình quê, Yêu cái mặn mà, Cõng mẹ đi chơi... Có bài âm nhạc, phối khí, ca từ hàn lâm, bao đêm anh vò đầu bứt tóc, trăn trở, tóc bạc thêm mấy phần thì người ta chỉ nghe qua rồi... vô tâm. Ví như bài: Thưa các em miền Nam, Con cóc, Nguyễn Huệ... Anh vẫn miệt mài sáng tác chưa ngừng nghỉ một ngày, tất cả công việc, suy nghĩ, đều phải liên quan đến âm nhạc. Bởi anh là nghệ sĩ, nỗi thống khổ, niềm hạnh phúc, tình yêu diệu kỳ của muôn kiếp nhân sinh cần được thấu hiểu, thổ lộ. Anh không thể bớt khổ đau trước những biến cố, đơn độc, anh không thể bớt buồn, anh không thể ngừng trăn trở. Vì anh là nghệ sĩ, trái tim nhạy cảm và âm nhạc như nhiên hiền như hơi thở cứ mãi đa mang với vui buồn cõi đời này. Anh được nhiều người yêu quý, âm nhạc cũng hồn nhiên gắn với kỷ niệm bao thế hệ hơn 2 thập kỷ. Âm nhạc của anh mong mỏi hướng thiện. Người nghệ sĩ hơn ai hết có sứ mệnh vực dậy, an ủi vỗ về những tuyệt vọng, đau thương. Thanh âm du dương, êm dịu, hay ầm ào có thể thức tỉnh, giao thoa đến tận cùng góc tối trái tim khổ đau, ẩn khuất nhất.
Anh nói: À đúng rồi. Đó như một tiếng chuông, vang xa và đồng vọng. Rồi anh trầm ngâm độc thoại: cái xấu xa đến thật dễ dàng, “đôi lúc, người ta buông theo cảm xúc tức thời, nhưng rồi mọi sự sẽ được dàn xếp và ta sẽ quen đi... “Cái trật tự dàn xếp cuộc đời trong đó không một kẻ nào được kẻ khác nhận ra”. Nghĩa là cái cao cả và cái thấp hèn mặc nhiên tồn tại cùng nhau. Đó là sự thật, là quy luật con người chỉ có tuân theo. Khi nỗi đau kinh hoàng nhất, ngoài sức chịu đựng của một người thì nó cũng không là gì so với nỗi bất công mà bao kiếp người ngàn năm phải chịu đựng. Nỗi bất công ấy cả Thượng Đế cũng chỉ là kẻ: Bịt mắt, bịt tai. Con người tự giẫy giụa tìm lối thoát. Một là tận hưởng cái “hạnh phúc đần độn của sỏi đá... Hai là đi vào gian nhà chung cõi chết? Em thấy không? Ông Camus, Cụ Nguyễn Du, Shakespeare hay William Faulkner, Nietzsche,... đã thốt lên “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”...
Ấy vậy nên nhạc anh người ta hát lên khi vui tươi hay lặng nghe trong đêm vắng sẽ thấy bình yên, nhẹ lòng, lạc quan và thấy cuộc sống thật đáng yêu. Âm nhạc của anh lại hiền từ, ngân vang như thanh điệu của lá reo, của chút nắng vàng lao xao nơi xóm núi trung du nào đó xa xôi. Miền quê nào trong ca khúc của anh cũng yên bình và đẹp như tranh thủy mặc. Tình yêu đôi lứa có khi thiết tha, có khi da diết buồn như đồng hoa diên vỹ của Van Gogh. Lúc người ta lại thấy thanh âm rộn ràng, cà rỡn của gã du ca, mộng mơ, quên tất thảy sự đời. Người ta lại thích chàng nhạc sĩ hay cười, hay pha trò, dễ gần gũi vì anh luôn muốn ai cũng được cười vui, ai cũng “ hồn nhiên hát ca”, “cũng nhận ra được mình” đang hạnh phúc đủ vừa trong mỗi sát na.
Có lần tôi hỏi: tại sao anh cảm phổ thơ cụ Bùi Giáng ồ ạt, “nhập đồng” đến ngỡ ngàng như vậy? Anh cười, từ tốn trả lời: là bởi một sự đồng điệu lạ lùng, cứ như kẻ sĩ lang thang miền Tỳ Hải gặp nhau. Bởi anh cũng thương con người “như kẻ bị bỏ rơi”, bị ném vào thế giới xa lạ không chốn nương thân, thương những Dasein- Kiều bơ vơ lưu lạc, lạc loài trong cõi người ta. Bởi nỗi sợ hoang phế điêu linh nơi tâm hồn. Sự sa mạc hóa của tâm hồn con người. Sợ cái cô độc, tiếng kêu không một lời vọng lại tương ứng. Nhạc sĩ chân chính thời nay không khỏi thấy bơ vơ… cô đơn chót vót, tủi hờn, đau đáu cuộc trăm năm và ngao du thần thông tam muội, du hi tam muội. Có cách nào khác ngoài lập dựng một tiên cung ngay trên mảnh đất hồng quần hoen ố, trần gian này. Ông Bùi Giáng cảm thức về trần gian thật thánh thiện, cảm thức cái đẹp từ chính những hình ảnh dục tính, cội nguồn của sự sinh sôi. Kiếm một cuộc sống nơi nào ta có thể tìm ra nó. “Chùm bông nộ phóng mép rìa/Liên tồn xây dựng đuốc khuyên ngọn đèn”.
Anh mon men cận kề thơ văn, tư tưởng Bùi Giáng bằng trái tim. Anh tìm đến, thật khẽ khàng ngồi lặng bên trang thơ ngây ngô, hỗn loạn, rất mực “phiêu bồng”, “ngàn thu rớt hột”, không ồn ào náo động. Anh tìm kiếm cội nguồn định số, lưu tồn, khẽ khàng theo con đường tìm đến mắt bão tâm hồn thi ca, tư tưởng của ông. Nơi tâm bão là tĩnh tại, là tam muội, để nhìn ra bao quát thế sự đảo điên, thời cuộc nhiễu loạn, vòng ma nghiệt chực chờ. Những “vinh tượng”, phận người của“ trăm năm hờn tủi”, được Bùi Giáng chất lên đôi cánh chuồn chuồn chấp chới trong “cổ lục chiêm bao”. Cánh chuồn đó “bay lơ lửng quanh quanh”, “mang vô lượng a tăng tỳ kiếp vào trong mỗi sát na”. Anh mơ tưởng tao ngộ cùng Nguyễn Du, Gide trong “Lễ Hội tháng Ba” của đời người. Là anh cứ an nhiên viết nhạc suốt cuộc “Bình tử, Bình sinh”. Giai điệu cứ tuôn dòng, hòa điệu không dừng lại được. Em thử nghe vài bài đi: Nghìn buổi chiều, Ngủ vui, Thôn Nữ...
Chú thấy anh “chịu chơi” không? Anh dám làm Liveshow “Cõi quê”, “cõi người ta”. Anh Tuấn Lê đạo diễn cứ trêu: Trần Quế Sơn chắc bán cái đồi sau nhà mới đủ chi phí. Nguyên bộ tranh Trúc chỉ của anh Bằng chở từ Huế ra, chỉ cần trầy xước là đền không nổi luôn. Nói rồi anh cười to như vừa trải qua một trò vui trẻ con xóm núi quê anh.
Anh khoe: anh ấp ủ một mini show trình làng series MV, 5 ca khúc anh tâm đắc vào dịp đầu năm. Bao nhiêu công sức để khán thính giả được thưởng thức những sản phẩm âm nhạc có giá trị. MV “Anh lặn vào trong em” được quay ở đảo Cù lao Chàm. Có cảnh quay trên vách đá, giờ nghĩ lại anh còn lạnh người, không hiểu sao lúc đó liều thế. MV “Cõng mẹ đi chơi” ghi hình lúc dịch dã đỉnh điểm. Đúng là những ký ức thật nhiều cảm xúc đáng ghi nhớ, đáng trân trọng.
Mỗi dịp Tết cận kề, lòng người cũng xôn xao, rộn ràng hẳn lên. Chắc hẳn có cái gì đó mới mẻ chào đón, có những hy vọng tươi mới. Anh thích thong dong giữa phố, giữa dòng người để như hòa vào không khí tất bật cuối năm, hòa vào cuộc mưu sinh bất tận. Để rồi về khi một mình anh lại ôm cây đàn guitar màu xanh của mình độc tấu, gạn đục khơi trong lưu dấu những nốt nhạc vui cho đời.
Cầu mong một năm mới bình an, an khang thịnh vượng, tươi đẹp, ấm no cho khắp nhân gian này.
TRƯƠNG HẠNH NHÂN