Nhạc sĩ Trương Quý Hải: Thao thức với "Bình yên đất trời"
(Cadn.com.vn) - Đêm nhạc ra mắt CD đầu tay "Bình yên đất trời" của nhạc sĩ Trương Quý Hải tại Đà Nẵng hôm 20-6 đã để lại cảm xúc sâu lắng cho đông đảo khán giả miền Trung.
Sự lan tỏa cảm xúc ấy không chỉ bởi những ca từ và giai điệu đặc trưng trong âm nhạc Trương Quý Hải mà còn ở những câu chuyện thú vị bên lề trong quá trình sáng tác được anh lần đầu tiết lộ. Tác giả của Hà Nội mùa vắng những cơn mưa, Khoảnh khắc, Hành trình lời ru... chia sẻ, anh coi mỗi sáng tác của mình như một "đứa con", đã đặt tên cho nó thì nó tự lưu lạc trong đời sống để tồn tại. Nhưng sau 30 năm sáng tác, ngẫm lại thấy mình cũng có phần "vô trách nhiệm" với nó, điều đó thôi thúc anh nỗ lực ra CD đầu tay để tập hợp chúng "về một nhà". CD "Bình yên đất trời" với phần 1 gồm 12 ca khúc và phần 2 là trường ca Người Việt Nam.
Trong 12 ca khúc ấy anh tập trung khắc họa khung cảnh bình yên qua những khoảnh khắc thời gian ở các vùng đất, con người mọi miền của Tổ quốc. Qua ca từ trong sáng và giai điệu mượt mà, xúc cảm lan tỏa tới người nghe là cảm nhận về đất nước mình rất bình yên, nên thơ. Nhưng để có khung cảnh thanh bình đó người Việt Nam đã phải trải qua nhiều gian khổ, hy sinh để giữ gìn, vun đắp. Chỉ hai chữ bình yên thôi nhưng chứa chất bao khát vọng. Nội dung của trường ca (phần 2) khắc họa con người Việt Nam, với tinh thần, đức tin, trí tuệ đã phải đánh đổi rất nhiều, thao thức rất nhiều mới có được đất trời bình yên. Kinh phí bán CD sẽ được anh dành tặng học bổng cho con em của những người lính đang làm nhiệm vụ bảo vệ biển Đông.
Trương Quý Hải "cháy" hết mình khi biểu diễn trường ca "Người Việt Nam" trước đông đảo khán giả miền Trung hôm 20-6. |
Con đường đến với sáng tác của người nhạc sĩ gốc Hà thành này cũng khá lạ. Thi đậu vào đại học Mỏ-địa chất Thái Nguyên, nhưng đúng năm đó trường lại chuyển về Hà Nội, anh nghĩ rằng học ở Hà Nội thì cũng khác gì học cấp III, thế là vác ba lô lên đường nhập ngũ. Chính những tháng ngày quân ngũ đã đưa anh đến với âm nhạc. Trong một lần tình cờ gặp ở hiệu sách gần đơn vị cuốn sách của Hồng Đăng nói về khí nhạc trong giao hưởng. Không đủ tiền mua ngay, Trương Quý Hải chạy về đơn vị quyên góp tiền của đồng đội, quyết định bơi qua suối cho nhanh thay vì đi đường vòng sang hiệu sách sợ người ta bán mất...
Rời quân ngũ anh về học tiếp Mỏ-địa chất, nhưng cuối cùng lại ra làm cho FPT- tập toàn trong lĩnh vực CNTT. "Tay ngang" đến với âm nhạc nên Trương Quý Hải chia sẻ các sáng tác đến với anh thường rất bất chợt. Chẳng hạn những câu "Chỉ còn một chiếc lá cuối thu mỏng manh... chỉ còn đêm nay mai lá kia rơi- Khi mùa thu khuất nơi cuối trời... một xác lá rơi bên hè... mùa đông tái tê" đến rất tình cờ khi anh ở Hạ Long, nhìn chiếc lá, ký ức Hà Nội chợt ùa về, "khoảnh khắc" cuối thu đầu đông đó bừng lên và anh nhanh chóng "tóm" lấy.
Trương Quý Hải bật mí, câu "Hơi ấm trao em tuổi thơ ngây" trong bài Hà Nội mùa vắng những cơn mưa là đến từ một kỷ niệm khi anh đang ở Sài Gòn chang chang nắng. Lúc ấy anh học lớp 9, lớp bên cạnh có cô bé rất dễ thương, đám bạn rất thích nhưng chẳng ai dám tới gần trò chuyện, cuối cùng Hải xung phong sau khi được đám bạn thách đố. Hôm ấy Hải đứng chắn ngang lối cô bé đi, bối rối một hồi rồi buông câu: "Tôi lạnh quá". Cô gái liền lấy chiếc khăn rằn đeo vào cổ cho Hải bảo quàng cho ấm rồi nhớ trả lại. Hải đứng sững ra còn đám bạn thì tròn xoe mắt. Đúng ra phải là "hơi ấm em trao" nhưng khi sáng tác nếu viết thế thì thấy đám đàn ông yếm thế quá nên đổi lại thành "hơi ấm trao em"...
Trong "Bình yên đất trời" ta bắt gặp một Hà Nội heo hút sang Đông, những nếp nhà cũ rêu phong, những làng quê trong veo hay khung cảnh chiều thảo nguyên Tây Bắc biêng biếc, nơi cùng trời cuối đất Cà Mau mênh mang... Đất nước quá thanh bình, nhưng đáng tự hào hơn là tinh thần và hào khí ngút trời của người Việt. Chính họ đã làm nên đất nước thanh bình và đó cũng là thông điệp lớn nhất mà Trương Quý Hải muốn gửi gắm.
Bài, ảnh: Hải Quỳnh
Trường ca đầu tiên về Hoàng Sa Người Việt Nam gồm 5 chương là một trong những trường ca tráng lệ nhất Việt Nam được Trương Quý Hải dành 12 năm để sáng tác. Khi sáng tác xong chương 1 Lời thề thì Hải bế tắc, suốt 11 năm không thể viết được chương 2 với nội dung thể hiện sức mạnh tinh thần người Việt. Cuối cùng "nút thắt" được gỡ khi Hải tìm thấy cảm hứng chân lý từ hùng binh Hoàng Sa. Anh chia sẻ, tinh thần "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" có thể tìm thấy rất gần gũi trong kháng chiến chống Mỹ với hình ảnh những người ôm bom ba càng lao vào mục tiêu. Những người lính Hải đội Hoàng Sa họ cũng mang tinh thần ấy, trước khi ra đi, họ đã được tế sống, nhưng lại chưa được thể hiện nhiều. Thông qua hình ảnh hùng binh Hoàng Sa thì chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam được đưa vào trường ca một cách đanh thép, ngùn ngụt khí thế hào sảng. Mỗi câu hát như một lời hịch. |