Nhận diện "đám đông"
Nửa tháng sau "vở kịch" biểu tình phản đối Dự án Luật Đặc khu, Luật An ninh mạng, kèm theo những đối tượng được nhận diện, xử lý thì những kẻ mưu đồ chính trị cũng lộ rõ. Thay vì bị xúi giục, kích động, hùa theo cái gọi là biểu tình ôn hòa, những công dân chân chính nhất thời mất tỉnh táo cũng nhanh chóng nhận ra đòn độc mà các thế lực thù địch đang kêu gào tiến hành cũng như âm mưu sâu xa của nó.
Người viết rất thấm thía tiêu đề bài ghi chép “Không phải là dân” của tác giả Minh Trâm đăng trên Báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh vào thời điểm mọi con mắt đổ dồn về người dân Phan Rí, Bình Thuận sau những vụ tụ tập đám đông biểu tình, đốt phá tài sản công và chống đối, tấn công lực lượng đảm bảo ANTT. Từ những ngày ăn nằm với người dân Phan Rí, bằng đôi mắt quan sát của một nhà báo, tác giả đã sớm nhận ra rằng người dân địa phương đã chịu một nỗi oan khi bị hiểu nhầm họ là nguồn cơn của các vụ bạo loạn. Trong phần kết thúc bài ghi chép, ký giả này nhận định: “Là một bạn - đọc – đã - tận - mắt - chứng - kiến, tôi xin khước từ những nguyên nhân đang được dư luận lan truyền về “nguồn cơn của sự quá khích ở Bình Thuận”. Cũng như những người dân đã thẳng thắn khước từ đứng chung với nhóm người cuồng loạn, rằng “đừng gọi đó là dân Phan Rí”. Tôi không phân tích hay phủ định về thực hư của những nỗi ấm ức của người dân Bình Thuận. Nhưng, nếu võ đoán mà đem nỗi ấm ức (có thể là) của họ để lý giải cơn “nhân tai” chính họ cũng đang bàng hoàng nếm trải - thì cũng giống một cuộc gieo oan đầy bất công với người Bình Thuận”.
Bản thân đã từng theo chân lực lượng công an giữ gìn ANTT trong một số vụ việc đám đông tụ tập gọi là “biểu tình” như vụ tàu Hải Dương 981 Trung Quốc xâm phạm trái phép vùng biển chủ quyền của Việt Nam hay sự cố môi trường biển dọc các tỉnh miền Trung, tôi nhận ra rằng “đám đông” thực ra cũng chỉ là một số gương mặt đã quen. Họ hô hào, xúi giục, kích động người dân không phải bằng trái tim yêu nước, không phải bằng trách nhiệm công dân mà mục đích chính là tạo xung đột, tạo điểm nóng để những người đứng sau lưng họ thừa cơ phá hoại thành quả mà chính các tầng lớp nhân dân đã góp phần cùng Đảng, Nhà nước ta kiến tạo, xây dựng nên. Và vì vậy, họ không đủ tư cách để đại diện cho quần chúng nhân dân như miệng họ đã hô hào. Họ không phải là dân!
Đến thời điểm hiện tại, đã có 33 đối tượng bị khởi tố, bắt giam liên quan đến vụ gây rối ở Bình Thuận. Bộ mặt thật của những kẻ kích động biểu tình tại nhiều địa phương khác cũng đã được vạch trần. Rất nhiều trong số đó có tiền án, tiền sự liên quan đến chiêu bài lợi dụng lòng yêu nước để kích động, xúi giục người dân gây rối khi xảy ra sự cố môi trường biển hay công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Cũng trong số đó, nhiều đối tượng được làm rõ là chân rết của các tổ chức phản động như Việt Tân, “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”... Theo thông tin từ cơ quan công an các địa phương, cũng có nhiều người được triệu tập không giấu được sự hối hận khi trong những phút giây nông nỗi, lòng yêu nước của mình đã bị lợi dụng để gây ra những tổn thất cho chính đồng bào mình. Nhiều người thậm chí còn không nhớ mình đã cầm gạch đá để làm gì, vì sao lại đứng đối mặt với những chiến sĩ công an làm nhiệm vụ giữ gìn ANTT cho chính cuộc sống của mình, vì sao lại đập phá tài sản công hay cả những dây chuyền máy móc hàng ngày mang lại cho mình việc làm và thu nhập. Và khi trái tim, đầu óc đủ tỉnh táo, họ nhận ra những đám đông kia thực chất không phải là một tổ chức nào cả, mà chỉ là những cá nhân ảnh hưởng bởi phản ứng dây chuyền trong cái bẫy kích động của kẻ xấu, dẫn đến những hành vi khó kiểm soát, gây ra hậu quả khó lường.
Hôm rồi nghe người quen kể lại rằng, Đà Nẵng không phải không có những âm mưu thâm độc nấp sau chiêu bài “biểu tình ôn hòa”, nhưng người dân chẳng còn lạ lẫm gì những trò lôi kéo, dụ dỗ của các đối tượng mà chưa cần nói đến họ cũng biết đó là ai. Một đồng nghiệp của tôi kể lại rằng, sáng sớm mẹ cô ra chợ đã được vài người đến rủ đi “biểu tình” kèm theo một vài quyền lợi vật chất cho những người tham gia. Cô hỏi “rồi mẹ làm sao?”, bà bảo “ta hỏi họ tiền lấy mô ra mà đem đi cho người ta dễ ri? Ta thiếu nhiều, chứ thiếu chi mấy đồng tiền đầy âm mưu đó. Mần chi có chuyện đi bộ đưa cái tay lên hô hào rồi lấy tiền dễ rứa con. Yêu nước, chẳng gì bằng làm ăn chân chính cả”.
Đại đa số người dân trên cả nước đã sớm nhận ra sự thật khi những chiếc mặt nạ rơi xuống, “vở kịch” thâm độc dần dần bị vén màn. Các khẩu hiệu “Yêu nước phải tỉnh táo”, “Không để lòng yêu nước bị lợi dụng” đang được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội. Một làn sóng tẩy chay các trang mạng chứa “mã độc”, gieo âm mưu biến người dân thiếu tỉnh táo thành con rối để giật dây đang dấy lên mạnh mẽ. Vì họ biết, đó không phải là dân!
CÔNG KHANH