Nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2021): Ký ức thời trận mạc
Đông Xuân 1954, tại Đại hội chiến sỹ thi đua toàn quân khu tổ chức tại Ba Tơ, Quảng Ngãi, ông Nguyễn Khách vinh dự là 1 trong 7 cá nhân của tỉnh Quảng Nam tham dự đại hội. Ông Khách nhớ lúc đó đoàn của ông có: Bùi Chát đánh trận Hải Vân, Trần Ất đánh cầu Bà Rén, Trần Đình đánh cầu Câu Lâu, Nguyễn Thị Biên đánh kho xăng Đà Nẵng, Nguyễn Thị Dung đánh khách sạn Đà Nẵng, mẹ Ngoặt là cơ sở cách mạng Đà Nẵng. Tại đại hội này, các đồng chí Bùi Chát, Đinh Nói (đã hy sinh) và Đinh Núp (tức anh hùng Núp) ở Đắk Lắk được phong tặng và truy tặng danh hiệu AHLLVTND. Tuy không được phong anh hùng nhưng ông Khách rất đỗi tự hào vì mình kề vai sát cánh với những anh hùng thực thụ...
Ông Nguyễn Khách kể về một thời trận mạc.
Một thời nhớ mãi
Hồi ức về những năm tháng trận mạc, ông Nguyễn Khách (91 tuổi đời, 70 năm tuổi Đảng, ở tại phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ) - nguyên Trưởng ban Bảo mật Phân khu Nam Quân khu 5 thời chống Mỹ - cảm động nhắc câu thơ của cố thủ trưởng - Trung tướng Lư Giang, Tư lệnh Phân khu Nam: “Anh mang trái tim đi suốt thời chiến trận/ Thanh bình rồi xin dành tặng quê hương”.
Mười sáu tuổi từng tham gia cướp chính quyền tại phủ đường Tam Kỳ, rồi vào thanh niên cứu quốc, phụ trách nông hội..., tháng 5-1950 ông Khách được kết nạp vào Đảng. Đầu năm 1953, ông được giao đảm trách Chính trị viên Đại đội Dân công tiếp viện chiến trường Măng Bút, Măng Đen (Gia Lai). Sau đó ông cùng đơn vị tham gia đánh các trận chiến lớn, có tiếng vang trên quê hương đất Quảng thân yêu của mình. Nhớ nhất với ông là trận Bồ Bồ - một Điện Biên Phủ của khu 5, rồi trận Túy Loan... Cuối 1954 ông có lệnh tập kết ra miền Bắc, đến năm 1960 tình nguyện vào Nam chiến đấu.
Trong dòng hồi ức của mình, ông Khách bảo không thể nào quên những năm tháng vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu. Đơn vị của ông được phân về vùng cực Nam các tỉnh Trung bộ, sau là Phân khu Nam - thuộc Quân khu 5. Đây là phân khu ra đời do tính chất đặc biệt chiến trường lúc đó. Được sự chấp thuận của Quân ủy Trung ương, Trung tướng Nguyễn Đôn, lúc đó là Bí thư Khu ủy 5 ký quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Phân khu Nam vào khoảng đầu tháng 7-1964.
Phân khu này trực tiếp chỉ huy các lực lượng vũ trang 3 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk, do đồng chí Lư Giang làm Tư lệnh, Năm Phổ làm Bí thư Liên tỉnh kiêm Chính ủy phân khu và đồng chí Ybok Eban làm Phó Tư lệnh phân khu. Đây là chiến trường ác liệt giáp với miền cực Nam Trung Bộ đầy khó khăn gian khổ. Chủ trương của phân khu là đưa toàn bộ lực lượng địa phương tỉnh, huyện, xã và dân quân du kích hoạt động rầm rộ, liên tục tiến công địch ở đồng bằng. Đồng thời tập trung một bộ phận chủ lực thực hiện một số trận đánh tiêu biểu để thiết thực hỗ trợ phong trào nổi dậy của quần chúng và động viên khí thế quân đội.
Bộ Tư lệnh phân khu những ngày đầu thành lập lấy phiên hiệu “Đơn vị 330” quân giải phóng miền Trung Trung Bộ, mật hiệu là “Nông Trường 330”, địa điểm đóng quân phía nam sông Ba, ở làng Đé Cước thuộc tỉnh Gia Lai. Ông Khách tâm sự, chiến trường đã ác liệt, thời tiết hạn hán kéo dài, bộ đội ta không chỉ thiếu ăn mà còn thiếu cả nước uống nên “tắm lửa” và “giặt khô” là hai cách thức để sống chung với thời tiết. Chưa hết, thú dữ vùng đóng quân cũng là kẻ thù của bộ đội. “Có con dốc gọi dốc Đá lắm cọp. Mỗi lần bộ đội đi qua, được đồng bào địa phương bày cách dùng roi mây vung lia lịa như người đi quyền từ đầu dốc đến cuối dốc, qua dốc xong lại cắm cây roi ở đấy cho người khác đi qua cũng làm theo cách ấy. Thấy roi cọp sợ không dám ra vồ, cách đó rất hiệu quả”.
Trong điều kiện như vậy, nhưng đơn vị của ông Khách vẫn kiên trì bám trụ, hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ cấp trên phân công, đặc biệt là việc tổ chức tập kích đánh địch ở nhiều chiến trận, tạo thế và lực mới cho quân ta trên khắp chiến trường các tỉnh cực Nam của đất nước. Ông Khách cũng như những chiến sĩ Phân khu Nam quân khu 5 không thể quên trận đánh Cầu Thành - sân bay Nha Trang. Lúc đó công tác chuẩn bị tiến hành khẩn trương, chu đáo. Bộ đội đánh sân bay Nha Trang chưa đến nơi thì bất ngờ có tin một chiến sĩ của ta dẫn đường cho bộ đội chủ lực tập kích do tư tưởng bất mãn đã “chiêu hồi”, nhảy theo địch.
Được tin này, tướng Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Cao Kỳ từ Sài Gòn bay ra Nha Trang điều khiển các cuộc oanh tạc vào vùng nghi ngờ ta ém quân. Bộ Chỉ huy chiến dịch cùng Tỉnh ủy Khánh Hòa họp nhận định “tên chiêu hồi” vừa báo tin cho địch, chúng chưa hẳn đã tin ngay mà phải thông qua điều tra, dò xét. Do đó ta vẫn có thể tiến hành đánh theo kế hoạch để khỏi mất thời cơ. Đêm 30-6-1965 ta mở đợt tập kích đánh sân bay, Cầu Thành, tiêu diệt nhiều sinh lực địch và rút ra an toàn. “Sân bay Nha Trang bốc lửa, Cầu Thành (Diên Khánh) rực sáng chiến công, buộc địch rơi vào thế bị động, lúng túng, co về phòng thủ. Sau chiến thắng này, các đơn vị chủ lực Phân khu Nam đã được Ủy ban Trung ương mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì.
Cuốn hồi ký “Trái tim người lính trận” của cố thủ trưởng - Trung tướng Lư Giang do Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết lời giới thiệu hiện được ông Khách trân trọng lưu giữ.
Nặng nghĩa nhân dân
Trong những năm ở Gia Lai (12-1960 – 6-1963) ông Khách nhớ mãi từng ngọn núi con sông, buôn làng dân tộc Ba Na. Khi đơn vị mới vào, đời sống rất gian nan, thiếu cơm lạt muối, thường xuyên bị địch càn quét. Thời đó, mỗi tháng đơn vị ăn lạt một ngày để tiết kiệm muối giúp đồng bào vùng cao. Ông Khách nhớ mãi lúc ở buôn Mang Bạc có già làng tên Ma Bắc nhận ông làm con nuôi. Trong gia đình có vợ chồng anh chị Ma Thin và cháu Ma Thu 4 tuổi rất quý ông nên đã cho ông một con heo con nhưng để gia đình nuôi hộ. Lúc ông bận công tác đồng bằng không lên được, heo to gia đình bán cho kinh tài, đổi lấy một nồi bung to. Mỗi lần ông đi công tác ghé qua, gia đình Ma Bắc lại gói bánh, đong gạo cho đem đi đường ăn chẳng khác gì cha mẹ đẻ ở quê.
Năm 1964 địa bàn đồng bằng được mở rộng, ông Khách không lên thăm gia đình bố nuôi được. Anh chị Ma Thin chờ lâu không thấy đã hỏi thăm rồi tìm xuống cơ sở sản xuất gặp ông Khách để giao nồi và hai gùi gạo 50kg cho đơn vị sử dụng. Tháng 6-1964, ông Khách đi công tác ghé thăm buôn Mang Bạc nhưng xót thương thay già làng Ma Bắc đã qua đời còn buôn làng bị địch càn quét, đốt phá phải chuyển đi nơi khác. Ông Khách trầm ngâm nói, đời lính của ông không thể quên người cha nuôi Ma Bắc, dân tộc Ba Na ở buôn Mang Bạc, tỉnh Gia Lai cùng những người đồng bào thiểu số nơi đây đã che chở đùm bọc ông cùng đồng đội trong năm tháng ác liệt.
Đất nước thống nhất, về lại cuộc sống đời thường, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với bản chất người lính, ông Khách đã gương mẫu xông pha, liên tiếp 10 năm đảm trách Bí thư Chi bộ khối phố và xây dựng chi bộ đạt trong sạch vững mạnh 10 năm liền. Ngoài ra, ông còn làm Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường An Mỹ với nhiều hoạt động nghĩa tình đồng đội, được người dân địa phương yêu mến, quý trọng. Về đường binh nghiệp, ông nói vui, vào chiến trường chuẩn úy về hưu đại úy. Còn đi làm cách mạng khi ra Bắc trong giai đoạn nước nhà giặc giã phải đi bằng đường biển, khi vào lại miền Nam chiến đấu đi đường mòn Trường Sơn, có lúc mô đi đường cái đâu. Chừ giải phóng mấy chục năm rồi vẫn chưa có điều kiện một lần ra Bắc.
Đã 91 tuổi nhưng cũng may trời cho ông Khách sức khỏe rất tốt. Tai vẫn tinh, mắt vẫn sáng, giọng vẫn còn trầm ấm. Chia tay tôi, ông Khách cứ nấn ná để đọc với theo mấy câu thơ của người đồng đội: “Tôi lắng nghe hơi thở của con tim/ Không thể quên anh là người lính/ Bộ đội Phân khu Nam không hề suy tính/ Sống những ngày không hổ thẹn... sống thanh cao/ Đẹp mãi tên anh “Anh bộ đội Cụ Hồ”.
Võ Văn Trường