Nhân rộng một mô hình hay

Thứ năm, 03/08/2023 07:05
Trên cơ sở kết quả và kinh nghiệm rút ra trong công tác xây dựng, nhân rộng mô  hình "Phật giáo Quảng Trị tham gia bảo vệ ANTQ và chung tay xây dựng nông thôn mới" của tỉnh Quảng Trị, Cục Xây dựng Phong trào bảo vệ ANTQ  (V05, Bộ Công an) đánh giá đây là một trong những cách làm hay, phù hợp với chỉ đạo của Bộ Công an về xây dựng các mô hình, điển hình trong công tác bảo đảm ANTT. Mới đây, Cục V05 đã có thông báo đến Công an các tỉnh, thành trong cả nước nghiên cứu, tham khảo vận dụng mô hình trên.
Đại tá Nguyễn Văn Thanh - Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị trao khen thưởng tại Hội nghị sơ kết công tác xây dựng, nhân rộng mô hình "Phật giáo Quảng Trị tham gia bảo vệ ANTQ và chung tay xây dựng NTM" vào tháng 5-2023
Đại tá Nguyễn Văn Thanh - Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị trao khen thưởng tại Hội nghị sơ kết công tác xây dựng, nhân rộng mô hình "Phật giáo Quảng Trị tham gia bảo vệ ANTQ và chung tay xây dựng NTM" vào tháng 5-2023

Phật giáo là tôn giáo có số lượng tín đồ lớn nhất trong các tôn giáo trên địa bàn Quảng Trị với hơn 203 cơ sở sinh hoạt được chính quyền công nhận; 239 tăng ni và hơn 65 ngàn phật tử tại 92 xã, phường, thị trấn tại 8 huyện, thị xã, thành phố. Hoạt động Phật giáo tỉnh Quảng Trị cơ bản thuần túy tôn giáo, tuân thủ pháp luật, phục vụ nhu cầu đời sống tinh thần của một bộ phận nhân dân, góp phần tích cực trong xây dựng, phát triển KT-XH-VH của địa phương. Đặc biệt, việc xây dựng, phát tiển mô hình "Phật giáo Quảng Trị tham gia bảo vệ ANTQ và chung tay xây dựng nông thôn mới" đã đạt được những kết quả nổi trội, góp phần củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong thực hiện đảm bảo ANTT, xây dựng nông thôn mới (NTM).

Trước đó, vào năm 2017, CAH Cam Lộ phối hợp với MTTQ huyện phát động xây dựng mô hình "Phật giáo Cam Lộ tham gia bảo vệ ANTQ và xây dựng NTM" tại 10/10 chùa địa bàn và tổ chức ra mắt đưa mô hình đi vào hoạt động. Định kỳ luân phiên các chùa đều đăng cai tổ chức hội nghị trực báo nhằm đánh giá cụ thể tình hình hoạt động hàng quý, 6 tháng và 1 năm, đồng thời triển khai nhiệm vụ trong thời gian tiếp theo. Các hoạt động của mô hình được tổ chức vào ngày 14 Âm lịch hàng tháng tại các cơ sở Phật giáo và do chức sắc trụ trì các chùa hoặc Ban Hộ tự chủ trì, điều hành nội dung tập trung việc thông báo tình hình ANTT, phổ biến phương thức thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm và TNXH, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để phật tử và nhân dân nâng cao nhận thức, tích cực cảnh giác, phát hiện, tố giác tội phạm…Từ kết quả xây dựng mô hình tại Cam Lộ, CA Quảng Trị đánh giá và nhân rộng ở các địa bàn có điều kiện tương đồng.

Qua 6 năm triển khai, nhân rộng, mô hình đã phát triển tại 34 điểm ở nhiều huyện, thị xã và thành phố Đông Hà. Chức sắc trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp đã tích cực ủng hộ và phối hợp chặt chẽ với chính quyền, MTTQ các cấp vận động phật tử tích cực lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nếp sống văn minh gia đình, dòng tộc, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Thành viên Ban điều hành mô hình phát huy vai trò hạt nhân, tích cực phối hợp với lực lượng chức năng tham gia hòa giải nhiều vụ mâu thuẫn, tranh chấp ảnh hưởng đến ANTT. Thường xuyên tuyên truyền, vận động tín đồ quản lý, giáo dục người thân trong gia đình chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không tham gia các TNXH như: cờ bạc, sử dụng trái phép chất ma túy. Điển hình tại địa bàn xã Thanh An (H.Cam Lộ), Ban điều hành mô hình đã tham gia giáo dục, giúp đỡ 15 trường hợp thanh thiếu niên vi phạm pháp luật tiến bộ. Hoạt động từ thiện, nhân đạo cũng đã huy động được đông đảo tăng, ni, phật tử tích cực hưởng ứng tham gia…

Hoạt động của mô hình đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và tình hình ANTT trên địa bàn, vào thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM. Hiện có 86/101 xã đạt tiêu chí 19.2 về "An toàn an ninh, trật tự và đảm bảo bình yên". Cam Lộ cũng là địa bàn huyện đầu tiên của tỉnh về đích NTM sớm và đang trong lộ trình tiến tới đạt huyện NTM nâng cao, vượt mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra. Quá trình triển khai đã rút ra nhiều kinh nghiệm trong công tác xây dựng, thực hiện mô hình. Theo đó, phát huy tốt vai trò tham mưu, làm nòng cốt của lực lượng CAND; phát huy vai trò tích cực của chức sắc, chức việc trong Ban Trị sự, Ban Hộ tự; phát huy khả năng vận động, quy tụ quần chúng nhân dân, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền. Đặc biệt, làm tốt công tác thi đua, khen thưởng với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc nhằm động viên, khích lệ, lan tỏa rộng rãi trong tín đồ phật tử cũng như đông đảo quần chúng nhân dân.

Với những kết quả đạt được và kinh nghiệm rút ra trong quá trình triển khai mô hình trên, tin tưởng nhiều địa phương trong cả nước sẽ tham khảo, vận dụng và lan tỏa rộng rãi.

Bảo Hà