Nhan sắc em chín lịm...

Thứ bảy, 05/03/2016 09:14

(Cadn.com.vn) - Phụ nữ được mệnh danh là phái đẹp. Nhưng khi nói đến nhan sắc thì chắc rằng người ta không nói hết cả phái nữ mà họ chỉ riêng nói đến những người có vóc dáng diễm lệ, yêu kiều. Từ xưa đã có biết bao nhà thơ nhà văn thi tài ca ngợi họ. Nào “nhân diện đào hoa tương ánh hồng”, nào “khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang”, “làn thu thủy nét xuân sơn, hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”... Nói chung, nhan sắc là cái được phô bày ra ngoài để người ta chiêm ngưỡng và tán tụng. Thế mà, nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh trong một bài thơ có nhan đề “Nhan sắc” đã có cách nghĩ mới về nhan sắc: Nhan sắc em chín lịm vào trong.

Bằng một giọng thơ nhẹ nhàng, uyển chuyển, tỉnh táo, lời thơ cô súc, anh dẫn dắt chúng ta:

Nhan sắc là do trời ban cho

Người đàn bà coi như báu vật

Ai không kiêu hãnh về cái nhan sắc có được của mình. Riêng anh, anh phớt lờ. Theo anh, cái nhan sắc là cái vốn quý nhưng cái cách tiêu xài nhan sắc mới là điều quan trọng. Xem tiền của đó mà biết. Có người được cha mẹ để lại lắm tiền của nhưng không biết tiêu, chỉ xài một lúc rồi cũng kiệt. Có kẻ nghèo khó, túng quẫn, nhờ biết dè sẻn chi tiêu đồng tiền đúng mức, đúng việc, về sau trở nên khá giả. Nhan sắc cũng vậy thôi. Và đây là cách tiêu dùng nhan sắc của người phụ nữ trong bài thơ anh:

Nhan sắc em là giấc ngủ nồng của con

Là sự tảo tần đêm mưa chờ chồng

Là sớm hôm thân cò lặn lội

Một đời dầm dãi gió sương.

Đặt hết niềm tin, ước mơ và lo lắng vào con cái, chung thủy đợi chờ chồng, tần tảo hy sinh không quản mưa gió cuộc đời đã làm cho người phụ nữ nhăn da bạc tóc, nhan sắc rụng dần, rụng dần. Đó là một cách tiêu dùng nhan sắc! Theo nhà thơ, tiêu đúng chỗ như thế thì nhan sắc rụng mà không mất, vì nó chín lịm vào trong. Cũng như cây trên đồng làng vậy thôi, hoa tàn, lá quắc thì quả lại ngọt thơm:

Nhan sắc em chín lịm vào trong

Như quả ngọt đồng làng

Như tầng tầng câu thơ đa nghĩa...

Cái nhan sắc chín lịm ấy là đức hạnh, đảm đang, chung thủy... là nhan sắc tinh thần, là cái “siêu nhan sắc”. Cái đẹp này đẹp hơn, bền vững hơn cái đẹp hình thể trời ban cho. Cái đẹp này do biết khéo tiêu mà có được.

Em không phải hồng nhan

Mà trời trao phận bạc

Em không phải hồng nhan. Đúng, cái nhan sắc của em là phẩm chất tốt đẹp của em, “Trời không cho/ Đời không ban/ Em làm nên nhan sắc riêng mình”. Xưa nay vốn “hồng nhan thì phận bạc”, cớ sao em đây không phải hồng nhan mà trời trao phận bạc?! Em có bạc phận hay không? Lục tìm cả bài thơ, ta thấy em đâu có bạc phận như những kẻ hồng nhan. Cái bạc phận mà nhà thơ nhìn thấy ở em là em đã gặp một người chồng không đủ tài cán để lo cho phần nhan sắc bên ngoài, không biết lấy gì để tô son điểm phấn để em bằng chị bằng em! Trước cái đẹp lặng thầm vô giá của người phụ nữ, nhà thơ tự nhận mình là một người chồng kém cạnh, không đủ sức giúp đỡ, chở che chỉ còn có cách là tỏ bày lòng mình như một lời biết ơn về sự hy sinh lặng thầm:

Thơ tôi không làm thêm nhan sắc

Em cứ lặng thầm mà chín vào trong

Đó chính là cái cách tôn vinh vẻ đẹp tâm hồn của người tình trong bài thơ cũng như của người phụ nữ Việt Nam nói chung, một thứ nhan sắc tuyệt vời mà biết bao người thầm ao ước trong đời.

Với “tầng tầng câu thơ đa nghĩa”, với cái giọng nhỏ nhẹ trầm lắng rất sâu, rất tinh tế, Nguyễn Ngọc Hạnh gợi ra một thứ nhan sắc tuyệt mỹ chín lịm vào trong của người phụ nữ “thân cò lặn lội, dầu dãi nắng mưa, hy sinh, chung thủy”... mà xưa nay chúng ta hay bỏ qua khi chiêm ngưỡng nhan sắc người phụ nữ.

Ngô Hà Phương

Nguyễn Ngọc Hạnh

Nhan sắc

Nhan sắc

Thường do trời ban cho

Người đàn bà coi như báu vật

Họ thường tiêu xài nhan sắc của mình

Tùy theo mỗi số phận

Nhan sắc em là giấc ngủ nồng của con

Là sự tảo tần đêm mưa chờ chồng

Là sớm khuya thân cò lặn lội

Một đời dầm dãi gió sương

Nhan sắc em chín lịm vào trong

Như quả ngọt đồng làng

Như tầng tầng câu thơ đa nghĩa

Mơ hồ một cõi mênh mang

Em đâu phải hồng nhan

Mà trời trao phận bạc

Thơ tôi không làm thêm nhan sắc

Em cứ lặng thầm mà chín vào trong

Trời không cho đời không ban

Em làm nên nhan sắc riêng mình...

(Trong Thơ tình Việt Nam thế kỷ XX)