Nhật Bản - 10 năm sau thảm họa kép Fukushima

Thứ sáu, 12/03/2021 11:16

Nhật Bản đánh dấu 10 năm kể từ sau thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong ký ức sống của đất nước này: một trận động đất mạnh kèm theo siêu sóng thần và thảm họa hạt nhân khiến cả một quốc gia bị tổn thương nặng nề.

Đây cũng là trận động đất có sức tàn phá ghê gớm nhất thế giới kể từ năm 1900, mà mức thiệt hại theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB) lên tới con số kỷ lục khoảng 300 tỷ USD. Trong khi đó, thảm họa Fukushima là sự cố hạt nhân nghiêm trọng nhất thế giới kể từ sau thảm họa Chernobyl ở Ukraine năm 1986.

Nhật hoàng Naruhito và Hoàng hậu Masako trong lễ tưởng niệm ở Tokyo hôm 11-3. Ảnh: Reuters

* Theo thống kê của Cơ quan Tái thiết, động đất đi kèm các đợt sóng thần khổng lồ đã hủy hoại hoàn toàn hơn 121.996 ngôi nhà và phá hủy một phần hơn 1 triệu ngôi nhà khác, đồng thời gây hư hại cho hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng của nhiều địa phương trong khu vực này.

Một thập kỷ sau thảm họa, Nhật Bản đã đạt được nhiều thành tựu trong quá trình tái thiết các khu vực bị tàn phá bởi thảm họa. Cơ quan Tái thiết cho biết trong 10 năm qua, Nhật Bản đã chi khoảng 31.300 tỷ yen cho hoạt động tái thiết các khu vực bị tàn phá bởi thảm họa kép năm 2011. Trong 10 năm qua, số người phải sơ tán sau thảm họa đã giảm từ mức đỉnh 470.000 vào tháng 3-2011 xuống còn khoảng 40.000 vào tháng 4-2020, trong khi số lượng các nhà tạm tiền chế đã giảm từ gần 123.723 vào tháng 8-2012 xuống còn 1.078 vào tháng 8-2020. Kinh phí dành cho công tác tái thiết và phục hồi trong giai đoạn 2 ước tính lên tới 1.600 tỷ yen.

“Ký ức không thể nào quên”

 Nhật Bản ngày 11-3 tưởng niệm gần 20.000 nạn nhân thiệt mạng hoặc mất tích trong trận động đất và sóng thần 10 năm trước từng tàn phá nhiều thị trấn, gây ra thảm họa hạt nhân ở tỉnh Fukushima. Lễ tưởng niệm có đầy đủ các nghi lễ riêng tư và công cộng, với một phút im lặng được đánh dấu trên toàn quốc lúc 14 giờ 46 (giờ địa phương), thời điểm trận động đất 9,0 xảy ra vào ngày 11-3-2011, gây ra thảm họa.

Theo AFP, tại Tokyo, một buổi lễ tưởng niệm rút gọn do đại dịch Covid-19 đã được tổ chức tại nhà hát quốc gia, với các bài phát biểu của Nhật hoàng Naruhito và Thủ tướng Yoshihide Suga. Trong đó, Nhật hoàng Naruhito và Thủ tướng Suga vinh danh những người đã khuất, gửi lời chia buồn đến gia đình của các nạn nhân. Nhật hoàng Naruhito gọi đây là “ký ức không thể nào quên về một thảm kịch” và nhấn mạnh: “Rất nhiều người đã chịu đau khổ, nhưng dẫu phải chịu những thiệt hại không thể nào tưởng tượng được, họ đã cùng giúp đỡ nhau vượt qua vô vàn khó khăn”. Trong khi đó, Thủ tướng Suga khẳng định, những thách thức mà những người sống sót phải đối mặt vẫn còn đó, trong đó có cả đại dịch, thiên tai, và cả một trận động đất mạnh xảy ra gần đây tại khu vực, được cho là dự chấn của thảm họa kép năm 2011. Tuy nhiên, ông tin tưởng, Nhật Bản đã và luôn “vượt qua mọi khủng hoảng bằng lòng dũng cảm và hy vọng”. Nhấn mạnh rằng vẫn còn khoảng 2.000 người vẫn phải sống trong các ngôi nhà tạm, ông cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng lại cuộc sống cho các nạn nhân của thảm họa này.

Một số sự kiện khác cũng được lên kế hoạch ở khắp vùng đông bắc Nhật Bản. Tokyo và các khu vực lân cận hiện đang trong tình trạng khẩn cấp do dịch Covid-19, vì vậy lượng khán giả được mời đến sự kiện sẽ ít hơn bình thường. Những người tham gia thường nắm tay nhau khi cầu nguyện cho những người đã mất trong trận sóng thần, nhưng năm nay họ không thực hiện do việc giãn cách xã hội. Đại dịch cũng ảnh hưởng đến các sự kiện ở những nơi khác, bao gồm một buổi cầu nguyện hàng năm được tổ chức trên đỉnh các bức tường biển hùng vĩ ở thị trấn Taro ở Iwate.

Một số thị trấn ở Fukushima vẫn không thể ở được trong nhiều năm. Ảnh: AFP

Nỗi đau vẫn còn đó

10 năm đã trôi qua, nhưng nỗi đau vẫn còn đó. Ngoài con số gần 20.000 người thiệt mạng, 160.000 người phải rời bỏ nhà cửa vì lo ngại phóng xạ trong khi nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi bị tê liệt.

Vào ngày 10 và 11-3, vẫn có những cuộc tìm kiếm những người vẫn mất tích ở các vùng Miyagi và Fukushima vì những người thân của họ vẫn chối bỏ hy vọng tìm thấy dù đã một thập kỷ sau đó. Cơ hội thành công có thể mong manh, nhưng chỉ mới tuần trước, hài cốt của một người phụ nữ mất tích kể từ sau trận sóng thần được xác định, trong động thái mà người con trai sống sót của bà mô tả là cơ hội hiếm có.

 Mặc dù một số người đã trở về tái thiết quê hương nhưng một số người khác vẫn lo ngại về hậu quả rò rỉ phóng xạ. Vụ thảm họa hạt nhân tiếp theo tại nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi bao phủ các khu vực lân cận bằng bức xạ, khiến một số thị trấn không thể ở được trong nhiều năm và khiến hàng chục nghìn cư dân phải di tản. Chính phủ Nhật Bản chi khoảng 300 tỷ USD để tái thiết khu vực bị sóng thần tàn phá. Tuy nhiên, các khu vực xung quanh nhà máy Fukushima bị nhiễm phóng xạ nên nhiều người đã rời khỏi đó để đến nơi khác sinh sống. Tiến trình dọn dẹp và ngừng hoạt động nhà máy sẽ mất 30-40 năm và tiêu tốn hàng tỷ USD. Thảm họa cũng khiến những người sống sót ở vùng Tohoku phải vật lộn để vượt qua nỗi đau mất mát gia đình và những người trong cộng đồng trước các cơn sóng dữ dội trong vài giờ vào chiều ngày 11-3-2011.

Sau vụ việc này, Nhật Bản lại tiếp tục tranh luận về vai trò của năng lượng điện hạt nhân. Chỉ có 9 trong số 33 lò phản ứng hạt nhân thương mại còn lại của Nhật Bản đã được phê duyệt để khởi động lại theo các tiêu chuẩn an toàn thời hậu Fukushima và chỉ có 4 lò đang hoạt động, so với 54 lò trước thảm họa. Đài NHK gần đây công bố kết quả cuộc khảo sát cho thấy, 85% người dân Nhật Bản lo ngại về tai nạn hạt nhân.

KHẢ ANH